Năm 2015, Cui Le, một giảng viên đại học ở Trung Quốc, công khai là người đồng tính.
Hành động này nhằm thể hiện sự ủng hộ Qiu Bai, sinh viên ĐH Sun Yat-sen (tỉnh Quảng Châu). Nữ sinh này là người đệ đơn kiện Bộ Giáo dục vì miêu tả đồng tính là "một chứng rối loạn tâm thần" trong sách giáo khoa.
“Vậy nên tôi quyết định hành động. Tôi công khai giới tính thật và bày tỏ thái độ ủng hộ cô ấy với hy vọng mọi người sẽ bớt ác cảm và định kiến với người đồng tính”, Cui kể lại.
Giảng viên Cui Le từng bị kỳ thị, chèn ép tại nơi làm việc vì công khai mình là người đồng tính. Ảnh: Cui Le. |
Sau khi khẳng định mình thuộc cộng đồng LGBT, Cui Le bị lãnh đạo nhà trường khiển trách, cấm đề cập tới các vấn đề giới tính, xu hướng tính dục trên lớp học.
Nhưng sức ép dư luận không dừng lại ở đó. Năm 2017, Cui Le buộc phải xin nghỉ việc và chuyển tới New Zealand.
Suốt những năm qua, Cui Le theo học tiến sĩ ngành Giáo dục và Công tác xã hội tại ĐH Auckland. Hiện tại, anh đang nghiên cứu về cuộc sống của các giảng viên đại học là người đồng tính ở quê nhà.
Cui Le từng phỏng vấn hơn 40 nhân vật. "Đa số đều lựa chọn che giấu xu hướng tính dục vì sợ chịu kỳ thị, chèn ép", anh chia sẻ với Inkstone.
Nghiên cứu do Cui Le thực hiện cho thấy phần lớn giảng viên thuộc cộng đồng LGBT có xu hướng tránh đề cập, thảo luận về các vấn đề giới tính, xu hướng tính dục ở môi trường học đường.
Trả lời Inkstone, Cui Le cho biết một số trường đại học xứ tỷ dân có quy định khuyến khích sinh viên báo cáo các buổi thảo luận về LGBT trên lớp. Điều này khiến các giáo viên thêm áp lực, sợ hãi.
"Một số người từ chối giao tiếp xã hội, tự thu mình vào vỏ ốc và phấn đấu để được lãnh đạo, đồng nghiệp công nhận trong công việc", anh nói.
Cộng đồng LGBT và những người ủng hộ ở Trung Quốc đang tích cực vận động thay đổi định kiến xã hội, khiến chính quyền thừa nhận sự tồn tại của mình. Ảnh: The Beijinger. |
Trong quá trình phỏng vấn cho nghiên cứu, Cui Le ấn tượng nhất với câu chuyện về một thầy giáo từng kết hôn giả để che mắt đồng nghiệp.
Trước đó, người này luôn cố gắng giữ khoảng cách với các cán bộ, nhân viên trong trường; buộc phải tham gia các buổi hẹn hò, xem mắt do đồng nghiệp giới thiệu.
Sau khi kết hôn, công việc của anh ấy đã ổn định hơn. "Cuối cùng, tôi cũng có thể bắt kịp nhịp sống với đồng nghiệp rồi". Dù cảm thấy tồi tệ khi lừa dối vợ, anh khẳng định đây là cách duy nhất để có thể theo đuổi sự nghiệp dạy học.
Mặt khác, Cui Le khẳng định nhiều giáo viên vẫn sẵn sàng giúp đỡ các sinh viên thuộc cộng đồng LGBT chấp nhận bản thân. Các thầy cô sẽ cung cấp kiến thức về bản dạng giới, an toàn tình dục cho các em trong khi giữ kín danh tính của mình.
"Hình thức hỗ trợ cá nhân này an toàn hơn, khả thi hơn cho cả các giảng viên và sinh viên", anh nhận xét.
7 năm sau khi rời khỏi Trung Quốc, Cui Le không hề hối hận về quyết định của mình.
"Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi công khai mình là người đồng tính. Dù áp lực dư luận khiến tôi vụn vỡ, tôi vẫn muốn lên tiếng cho những người thuộc cộng đồng mình", anh nhấn mạnh.