Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo viên mất ăn, ngủ vì lo kiểm tra năng lực bồi dưỡng chuyên môn

Cho rằng việc lấy kết quả kiểm tra bồi dưỡng năng lực chuyên môn để đánh giá công tác cuối năm là không phù hợp, nhiều giáo viên miền núi ở Nghệ An kiến nghị bỏ chủ trương này.

Năm 2016, Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có kế hoạch bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho giáo viên tiểu học đến THPT của huyện. Sau mỗi đợt bồi dưỡng, thầy, cô giáo sẽ làm bài kiểm tra, thu hoạch để lấy kết quả phân loại năng lực.

Kiểm tra một lần/tháng

Theo phản ánh của nhiều giáo viên công tác tại các trường miền núi huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), hàng tháng, họ nhận được đề cương ôn luyện từ bộ phận chuyên môn của phòng GD&ĐT gửi về trường. Khi đến thời gian quy định, giáo viên sẽ tập trung ở phòng để tham gia lớp bồi dưỡng năng lực chuyên môn và làm các bài kiểm tra.

Kết quả này được dùng làm cơ sở để phân loại giáo viên. Những người đạt loại khá, giỏi chỉ phải kiểm tra năng lực 1-2 lần/năm. Những giáo viên bị đánh giá năng lực yếu kém phải kiểm tra định kỳ một lần/tháng.

boi duong chuyen mon giao vien anh 1
Công tác dạy và học ở vùng miền núi ở Nghệ An còn nhiều khó khăn. Giáo viên thường phải đi xa hàng chục km để tham dự các lớp bồi dưỡng năng lực. Ảnh: Phạm Trường.

Đồng thời, phòng GD&ĐT cũng yêu cầu giáo viên các trường, khi tham gia khóa bồi dưỡng, kiểm tra năng lực chuyên môn, phải làm bản cam kết gửi về phòng.

Nội dung cam kết ghi rõ nếu giáo viên có kết quả yếu kém sẽ nhận mức xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Hai năm liên tục không đáp ứng đủ năng lực chuyên môn sẽ phải nghỉ việc. Những giáo viên không thực hiện kỳ kiểm tra cũng phải chịu hình thức kỷ luật.

Nhiều thầy cô giáo cho rằng bồi dưỡng kiểm tra năng lực chuyên môn quá nhiều lần trong năm là không phù hợp. Việc dùng kết quả kiểm tra sau khóa bồi dưỡng làm yếu tố đánh giá cuối năm sẽ gây áp lực, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình công tác. Từ đó, nhiều giáo viên mong muốn dừng hình thức kiểm tra này.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Quế Phong, Tương Dương... cho biết hàng năm, tỉnh Nghệ An cũng như sở GD&ĐT đều tổ chức các đợt tập huấn cho giáo viên, nhưng không có chủ trương như kế hoạch kiểm tra bồi dưỡng năng lực chuyên môn và lấy kết quả phân loại, đánh giá như ở huyện Kỳ Sơn.

“Việc kiểm tra nhiều lần như thế này khiến chúng tôi mệt mỏi, mất ăn ngủ. Nhiều lúc gần đến ngày kiểm tra, lo sợ đạt điểm kém nên lên lớp cũng không tập trung dạy cho học sinh được, chỉ lo ôn thi”, một giáo viên thổ lộ.

Các khóa bồi dưỡng thường diễn ra cuối tuần, giáo viên miền núi như Keng Đu, Mường Típ, Na Ngoi… xa trung tâm hơn 60 km, đi lại rất khó khăn. Cứ đến đợt kiểm tra, thầy cô lại khăn gói kéo nhau ra thị trấn thuê khách sạn ở trước một ngày cho kịp. Mọi việc ăn uống, đi lại đều phải tự lo, rất vất vả.

Họ cho rằng việc kiểm tra công tác bồi dưỡng năng lực giáo viên có thể giao cho đội ngũ chuyên môn nhà trường và mong cấp trên dừng triển khai kế hoạch này.

Theo ông Nguyễn Văn Trường, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Keng Đu (huyện Kỳ Sơn), việc bồi dưỡng năng lực và kiểm tra đánh giá chỉ để thúc đẩy trình độ chuyên môn của giáo viên, đặc biệt là ở vùng sâu, xa, nhằm đảm bảo tốt nhất cho công tác giảng dạy.

"Mức độ đề kiểm tra năng lực giáo viên ở mức bình thường. Thời gian đầu triển khai cũng gặp khó khăn nhưng giáo viên đều cố gắng hoàn thành. Với những người năng lực quá yếu, họ mới xin chuyển công tác", ông Trường nói.

boi duong chuyen mon giao vien anh 2
Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn. Ảnh: D. Khánh.

'Giáo viên đi thi chưa hẳn dạy giỏi mà diễn giỏi'

Cô Hồng Lê (TP.HCM) kể giáo viên thi dạy giỏi dặn học sinh bạn nào biết thì giơ tay phải, ai không biết giơ tay trái. Cô giáo sẽ gọi bạn biết và cả lớp phải giơ tay.

Lãnh đạo phòng, sở giáo dục nói gì?

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết qua khảo sát, chất lượng giáo viên toàn huyện khá yếu nên phòng thực hiện bồi dưỡng năng lực chuyên môn.

"Đây chỉ là việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức. Việc kiểm tra bồi dưỡng để phân loại năng lực giáo viên. Không có chuyện dùng kết quả đó làm đánh giá quá trình công tác cả năm, mà phải theo chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT ", ông Hoa khẳng định.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết qua đánh giá, số lượng giáo viên năng lực yếu, không vượt qua các kỳ kiểm tra chuyên môn của toàn huyện Kỳ Sơn chiếm khoảng 100/2.200 người. Phòng đang lên kế hoạch bồi dưỡng thêm số giáo viên này, chưa có hình thức cho nghỉ việc hay điều chuyển.

"Kiểm tra năng lực hàng năm tuy vất vả, tốn thời gian, nó là cơ sở để đánh giá năng lực giáo viên mình thế nào để còn có phương án bồi dưỡng, bổ sung. Áp lực thì đương nhiên phải có. Áp lực mới có sự cố gắng để nâng cao trình độ, đảm bảo công tác giảng dạy", ông Hoa nói.

Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An - ông Nguyễn Trọng Hoàn - cho hay việc tập huấn bồi dưỡng năng lực chuyên môn thuộc kế hoạch của huyện, sở không can thiệp sâu đến vấn đề này.

"Sở không chủ trương cụ thể việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn. Quá trình kiểm tra năng lực chuyên môn để phân loại giáo viên hay đánh giá năng lực cuối năm là do phòng giáo dục và các trường thực hiện", ông Hoàn nói.

Bộ trưởng GD&ĐT: Nhiều cuộc thi giáo viên giỏi chỉ diễn Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay nhiều cuộc thi giáo viên giỏi chỉ là diễn, không thiết thực. Người đứng đầu ngành không đồng ý với điều này.
boi duong chuyen mon giao vien anh 3
Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An, vòng đỏ) là nơi còn nhiều khó khăn. Ảnh: Google Maps.

Kiểm tra vụ giáo viên thi dạy giỏi, cấm học sinh kém đến lớp

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo kiểm tra vụ việc giáo viên thi dạy giỏi, cấm học sinh kém đến lớp ở Hải Phòng.


Phạm Hòa - Phạm Trường

Bạn có thể quan tâm