Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo viên nói gì về đề thi 'tiếng Hà Tĩnh' gây xôn xao?

Yêu cầu dịch hai câu thơ tiếng địa phương sang phổ thông, nhiều học sinh đánh giá câu hỏi lạ, tỏ ra lúng túng, còn giáo viên cho rằng bình thường, thiết thực.

Những ngày qua, dư luận xôn xao về câu hỏi trong đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn khá “lạ” của Phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) dành cho học sinh lớp 7 trên toàn huyện.  

Cụ thể, trong đề thi có câu hỏi số 2 (1 điểm) yêu cầu dịch hai câu thơ sau bằng tiếng địa phương sang tiếng phổ thông:

Mô rú mô ri mô nỏ chộ.

Mô rào mô bể chộ mô mồ.

Chia sẻ với phóng viên, nhiều học sinh cho biết, khá lúng túng khi đọc câu hỏi này. Thực tế, hầu hết học sinh đều không làm đúng theo yêu cầu. Tuy nhiên, khác với nhiều nhận định trên mạng Internet, một số thầy cô cho rằng, câu hỏi đó là bình thường.

Đề thi tiếng địa phương gây xôn xao dư luận. Ảnh PH.
Đề thi tiếng địa phương gây xôn xao dư luận. Ảnh: PH.
Thầy Nguyễn Thanh Châu, hiệu trưởng trường THCS Thạch Bằng, cho biết, câu hỏi này thực tế không khó. Hơn nữa, nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đề thi và đa số các em đều làm được.

Theo thầy Châu, tại trường THCS xã Thạch Bằng, nhiều học sinh dịch nghĩa chưa thực sự sát, nhưng qua đó vẫn thể hiện được hiểu biết về tiếng địa phương.

Theo thống kê của trường THCS xã Thạch Bằng, kỳ thi vừa qua, đa số các em đều đạt điểm trên trung bình, chỉ một vài em bị điểm kém. Lớp thấp nhất có 19% học sinh bị điểm dưới trung bình môn Ngữ văn.

Cô Trần Thị Vân, giáo viên Văn, trường THCS xã Thạch Kim, cũng đánh giá câu hỏi địa phương trong đề thi không có gì đánh đố.

“Nếu câu hỏi đó ra cho học sinh ở địa phương khác, có thể nói là đánh đố. Tuy nhiên, với các em ở Hà Tĩnh, tôi thấy bình thường. Thực tế, trong chương trình giảng dạy, trung bình vẫn có 2 tiết học tiếng địa phương, nên việc ra đề thi có câu hỏi như thế không có gì lạ. Năm nào trong đề thi khảo sát chất lượng cũng có một câu hỏi địa phương”, cô Vân cho biết.

Hầu hết các em học sinh dù thấy câu hỏi khá lạ nhưng đều làm được bài. Ảnh: PH.
Thầy cô giáo cho rằng, nhiều học sinh làm được bài. Ảnh: PH.

Theo lời nữ giáo viên này, chỉ có từ “ri” trong câu hỏi hơi khó, vì nó có nhiều nghĩa khác nhau, mỗi xã phiên âm khác. Do đó, một số học sinh dịch sai từ này, nhưng nó không ảnh hưởng toàn bài thi, vì câu hỏi cũng chỉ có 1 điểm trong tổng số 10 điểm.

Cùng chung quan điểm, cô Mai Thị Liễu, giáo viên dạy Ngữ văn lớp 7, trường THCS Thạch Kim nhận xét câu hỏi "không đánh đố".

Cô Liễu cho biết thêm, với câu hỏi này, học sinh ở trường THCS xã Thạch Kim làm được hơn 70%, trong đó phần lớn đạt số điểm 0.75. Còn đạt 100% điểm câu hỏi này thì hơi khó.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Thanh Dân, trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết, từ lâu, Bộ và Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã có chương trình tích hợp phần địa phương vào môn Ngữ văn. Khi ra đề thi, phòng đã lấy kiến thức từ trong sách. Vì thế, đề thi như trên hoàn toàn bình thường và đã áp dụng nhiều năm nay.

Ông Dân cũng đánh giá, đề thi này không khó đối với học sinh trên địa bàn. Ông lý giải, các em là người địa phương nên biết rõ những từ đó. “Nếu học sinh nào bảo khó thì do không chịu học bài”, ông Dân thẳng thắn nói.

Vị trưởng phòng cũng cho biết thêm, không chỉ riêng tại phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà mới đưa phần tiếng địa phương vào đề thi, những địa phương khác cũng làm vậy, nhưng có thể ngắn gọn hơn, như yêu cầu giải nghĩa của một trong số các từ “Mô; chi; ri; chộ...”.

 Với 2 câu thơ trên, đáp án chính xác của phòng giáo dục là:

"Đâu núi đâu non đâu chẳng thấy. Đâu sông đâu biển thấy đâu nào”, ông Dân nói.

Người ra đề thi này là thầy Lê Khắc Yên, chuyên viên phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà. Thầy Yên cũng cho rằng, câu hỏi bình thường và các em đều làm được.

Đề thi khảo sát chất lượng đánh đố học sinh?

Đề thi khảo sát chất lượng dành cho học sinh lớp 7 ở Hà Tĩnh với câu hỏi viết hai câu thơ từ tiếng địa phương sang tiếng phổ thông nhận được nhiều chia sẻ trên mạng xã hội.

P.Hòa

Bạn có thể quan tâm