Chỉ số địa vị giáo viên toàn cầu năm 2013 xếp hạng các quốc gia dựa trên một số tiêu chí, bao gồm: vị trí của nghề giáo viên so với các nghề khác trong suy nghĩ người dân, thu nhập của giáo viên có được đánh giá là công bằng hay không, và người dân có khuyến khích con cháu mình theo nghề này hay không.
Theo khảo sát này thì giáo viên Trung Quốc được tôn trọng nhất, trong khi giáo viên Israel nhận được sự tôn trọng thấp nhất.
Nghiên cứu được tiến hành bởi tổ chức phi lợi nhuận Varkey GEMS có trụ sở tại Vương quốc Ả rập thống nhất sau 1.000 cuộc phỏng vấn ở 21 quốc gia. Kết quả nghiên cứu rút ra một số kết luận sau:
Bảng xếp hạng địa vị giáo viên được khảo sát ở 21 quốc gia. |
Trung Quốc, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc lần lượt xếp đầu bảng trong danh sách các quốc gia có giáo viên được tôn trọng nhất. Mỹ xếp vị trí số 9 trong số 21 nước.
Giáo viên có vị trí xã hội thấp nhất là ở Israel, Brazil, Cộng hòa Séc và Ý.
50% số người được khảo sát ở Trung Quốc cho rằng họ “hoàn toàn” khuyến khích con cái theo nghề giáo. Ở Mỹ, con số đó chỉ là hơn 30% và chỉ có 8% ở Israel.
Ở Trung Quốc, người dân có xu hướng coi trọng nghề bác sĩ và giáo viên hơn các ngành nghề khác.
Tại Mỹ, Brazil, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, nghề giáo viên thường được so sánh với nghề thư viện. Ở Hy Lạp, Ai Cập, Thụy Sĩ và nhiều quốc gia khác, giáo viên thường được coi như nhân viên xã hội.
Khoảng 60% số người được hỏi cho rằng giáo viên nên được trả lương dựa trên thành tích học tập của học sinh. Ở Mỹ, 80% người dân ủng hộ ý kiến này.
Khảo sát cũng tìm hiểu mức thu nhập của nghề giáo viên ở các nước, trong đó cao nhất là Singapore với 45.755 USD/năm và thấp nhất là Ai Cập với 10.604 USD/năm. Mức lương trung bình của giáo viên Mỹ là 44.917 USD/năm.
Ông Sunny Varkey – người sáng lập tổ chức Varkey GEMS nhận xét: “Ở nhiều quốc gia, giáo viên không còn được tôn trọng như xưa nữa. Theo thời gian, sự tôn trọng giảm xuống sẽ làm suy yếu việc giảng dạy, học tập cũng như cơ hội học tập của hàng triệu người, và cuối cùng sẽ làm tổn hại tới xã hội nói chung”.