Lớp 43 học sinh, 42 em đạt loại giỏi. Em còn lại kém hơn, chỉ đạt loại khá. Cuối năm, cả 43 em có giấy khen.
Một số người hào hứng nhận, khoe giấy khen lên mạng xã hội để bằng bạn bằng bè. Nhiều người khác ngán ngẩm khi bệnh thành tích, lối sống ảo biến học sinh bình thường thành “nhân tài rởm".
Mùa khoe giấy khen
Cuối tháng 5, mạng xã hội ngập tràn ảnh khoe giấy khen, từ học sinh tiên tiến đến học sinh giỏi, từ giải văn nghệ đến giải thể thao.
Giấy khen trở thành cuộc đua của không ít ông bố bà mẹ có con học tiểu học. Tờ giấy ghi “Hoàn thành tốt các môn học và hoạt động giáo dục” cùng phần thưởng là cuốn vở cũng đủ để họ "nở mày nở mặt" với người quen trên Facebook.
Phụ huynh, học sinh nô nức khoe giấy khen cuối năm học. Ảnh: FBNV. |
Đương nhiên, phụ huynh có quyền tự hào khi con học tốt. Vấn đề ở chỗ giấy khen tràn lan kiểu “cháu nào cũng có” như trường hợp 42/43 học sinh một lớp đạt loại giỏi, tờ giấy đó dường như không còn là bằng chứng cho thấy con họ học tốt không?
“Loạn” giấy khen khiến phụ huynh không biết thực lực của con mình đến đâu nếu chỉ nhìn vào điểm số, thành tích cuối kỳ. Độc giả Minh An cho biết hiện giờ, ở tiểu học, một số giáo viên cho học sinh ôn đề, làm đi làm lại nhiều lần, học thuộc tập làm văn, thậm chí đáp án môn trắc nghiệm.
Trẻ vào phòng thi chỉ cần chép câu trả lời đã được cho trước vào bài. Với cách làm này, trẻ không cần động não nhiều vẫn có thể đạt điểm 9, 10. Cuối năm, giấy khen lại tràn lan, nhiều phụ huynh lại... khoe trên mạng.
Một bạn đọc khác kể có cháu đang học lớp 4, chuẩn bị lên lớp 5. Ở nhà, cháu hầu như không bao giờ học bài. Bảng điểm thường dưới trung bình. Cháu lại mê chơi. Vừa rồi, thi học kỳ 2 xong, thầy giáo nói chuyện với mẹ bé nếu chấm đúng điểm, cháu bị rớt nên thầy “du di”, vớt vát cho lên lớp 5. Nghe vậy, mẹ bé cảm ơn thầy.
“Nhưng tôi thấy không vui, làm như vậy là thương hay hại cháu đây?”, người này đặt câu hỏi.
Nhiều người lớn hiểu rằng tờ giấy khen đó không xuất phát từ năng lực của những đứa trẻ. Nó đơn giản để “chiều lòng” phụ huynh và kéo thành tích của lớp, trường lên.
Độc giả Nhân Hoài cho rằng ở góc độ nào đó giấy khen ngày nay như chỉ tiêu trên giao xuống, cần cố để đạt được, bằng mọi cách, dù thầy cô muốn hay không.
“Họ phải thực hiện theo kế hoạch chỉ tiêu năm học mà sở giao cho phòng, phòng giao hiệu trưởng, hiệu trưởng giao giáo viên. Nếu không đạt, trường bị cắt thi đua rồi bao nhiêu hệ lụy khác”, Nhân Hoài viết.
Phụ huynh mừng, học sinh ảo tưởng
Khi thấy bạn bè khoe giấy khen của con lên mạng, bạn Thanh Nguyên không thấy vui mà lo nhiều hơn. Học sinh, phụ huynh bị đánh lừa bởi tờ giấy khen được phát hàng loạt. Trẻ nhầm tưởng mình học tốt, phụ huynh chắc mẩm con chăm ngoan, học giỏi.
Nhiều độc giả cho rằng ngày trước, giấy khen là phần thưởng vinh dự, thôi thúc học sinh cố gắng. Nó phản ánh cả quá trình phấn đấu, thực chất hơn giấy khen ngày nay.
Câu chuyện cả lớp được giấy khen khiến nhiều người lo ngại về thực chất giáo dục và thế hệ ảo tưởng. Ảnh: NVCC. |
Trịnh Ngọc Thanh kể hồi đi học, cả lớp 40 học sinh, chỉ 3-4 bạn đạt học sinh tiên tiến. Cả trường có một bạn đạt 8,0 điểm, giỏi toàn diện. Từ thầy, cô đến học sinh rất ngưỡng mộ. Người này thi đại học học được 30 điểm. Các học sinh tiên tiến thì hầu như đỗ đại học. Những người tổng kết 5,5-6 điểm thi đại học cũng đạt trên dưới 20 điểm.
Nhìn thành tích các em học sinh bây giờ, ông thấy mâu thuẫn. Học sinh giỏi toàn diện cấp một, hai nhưng lên học cấp ba, khi thi, kiểm tra đầu năm, giáo viên sốc toàn diện, các em quá non yếu kiến thức.
Đây cũng là câu chuyện chung của nhiều độc giả trưởng thành trong thế hệ giấy khen chỉ dành cho người học tốt. Vì thế, nhìn tình trạng giấy khen tràn lan hiện nay, họ lo ngại “nhân tài ảo”. Các em được đánh giá cao hơn thực học, ảo tưởng năng lực, rồi vào đại học và ra trường không biết làm gì.
Vì thành tích, thầy cô “nhắm mắt” trao giấy khen. Người lớn đẩy học sinh ra đường với hành trang không kỹ năng sống, giao tiếp, suy nghĩ. Những đứa trẻ lớn lên cùng thành tích ảo sẽ hành động cảm tính, lười suy nghĩ, vận động.
“Lối giáo dục vì thành tích chứ không phải đào tạo con người”, bạn đọc Nguyễn Cao Trọng nêu quan điểm.
Trước những câu chuyện như lớp học có 42/43 học sinh giỏi, em còn lại đạt loại khá, nhiều người chỉ mong các nhà giáo dục có tâm hơn, suy nghĩ đến tương lai những đứa trẻ khi phát giấy khen hàng loạt.