Đây là quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP.HCM vừa được UBND ban hành.
Theo quy định này, tùy tình hình thực tế ở mỗi trường có thể tổ chức dạy thêm, học thêm trên nguyên tắc không gây ảnh hưởng đến các lớp học chính khóa, không tổ chức dạy thêm, học thêm vào các ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết.
Cụ thể, mỗi học sinh học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần và không quá 18 tiết/tuần. Thời gian học buổi sáng bắt đầu từ 7h-11h; chiều từ 14h-17h; tối từ 18h-20h. Quy mô mỗi lớp học thêm trong nhà trường có không quá 45 học sinh.
Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường nhưng không vượt quá mức trần được phép thu. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT hướng dẫn mức thu (quy định rõ mức trần học phí đối với trường hợp dạy thêm, học thêm trong nhà trường), nội dung chi tiền học thêm, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý tài chính, công tác thu, chi từ hoạt động dạy thêm, học thêm.
Riêng cá nhân giáo viên hoặc những người dạy kèm cho học sinh theo yêu cầu của cha mẹ học sinh được miễn cấp giấy phép dạy thêm, nhưng phải báo cáo bằng văn bản với thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó (đối với trường hợp người dạy kèm là giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập) đồng thời phải báo cáo và cam kết với UBND phường - xã, thị trấn nơi đặt điểm dạy kèm, thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và có trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy kèm.
Chủ tịch UBND TP.HCM ủy quyền cho giám đốc Sở GD-ĐT cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông. Chủ tịch UBND quận, huyện ủy quyền cho trưởng phòng GD-ĐT cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình tiểu học, trung học cơ sở.