Với mức lương khiêm tốn, giảng dạy chỉ là một trong những nghề bình thường ở Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi thứ khác đi nhiều khi họ là giáo viên nổi tiếng trên mạng.
Yan Yuan Shen là một điển hình. Trên mạng, anh được biết đến với cái tên Slipper Bro.
"Tổng doanh thu một năm từ những bài học của tôi là khoảng 3 triệu nhân dân tệ (455.858 USD, tương đương hơn 10 tỷ đồng)", anh nói.
Nhiều giáo viên có mức thu nhập trong mơ nhờ mở lớp trực tuyến. |
Yan bắt đầu tham gia vào làng giáo dục trực tuyến từ năm 2014, sau khi hồi phục từ tai nạn ôtô. Không muốn lãng phí thời gian, anh bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm của mình về những bài kiểm tra.
"Trước đây, mọi người không quen chi tiền cho các lớp học trên mạng. Do đó, tôi đưa ra mức giá đăng ký là 1 nhân dân tệ/lớp. Tuy nhiên, chỉ một số ít người đăng ký", Yan cho hay.
Song mọi thứ đã thay đổi. Người đàn ông này thậm chí phát triển đội ngũ gồm 40 giáo viên.
Theo China Daily, nội dung lớp học của họ xoay quanh các vấn đề liên quan đến kỳ thi đại học. Lớp đắt nhất của Yan trị giá 7.200 nhân dân tệ/người và gần 300 học viên đăng ký trong năm nay.
Không học trực tuyến trả phí sẽ khó nói chuyện
Theo báo cáo của Analysys (một công ty dữ liệu), thị trường giáo dục trực tuyến Trung Quốc có giá trị lên đến 71,4 tỷ nhân dân tệ trong quý III năm nay, tăng hơn 50% so với năm ngoái. Con số này sẽ vươn lên 371,8 tỷ nhân dân tệ vào năm 2019.
"Nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông, những người như tôi, có thể làm việc trực tiếp với học viên", Yan thông tin.
Đối với nhiều người sống tại các thành phố lớn, nỗi sợ bị bỏ lại đằng sau thúc đẩy họ theo đuổi con đường học tập đến suốt đời để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Wan Yi Tian - nhân viên 36 tuổi làm việc trong một công ty Internet - nêu quan điểm: "Ngày nay, nếu không tham gia vào một câu lạc bộ đọc sách trực tuyến hoặc trả tiền cho vài lớp học trên mạng, bạn gần như cảm thấy mình không thể hòa nhịp vào những cuộc trò chuyện".
Theo đó, Wan đã tham gia 4 khóa học trên Dedao App, một trong những nền tảng dạy học trực tuyến. Năm ngoái, trước khi thay đổi công việc, người phụ nữ này cũng chịu chi khi tham gia một khóa học trực tuyến dạy kỹ năng phỏng vấn.
"Mỗi lớp có giá 199 nhân dân tệ nhưng đáng đồng tiền, bát gạo bởi diễn giả là những học giả hàng đầu thế giới", cô nói.
Kiếm tiền nhờ nổi tiếng không nhất thiết phải là nghệ sĩ
Theo xu thế, Xue Zhao Feng - một giáo sư kinh tế của Đại học Bắc Kinh - cũng mở các lớp học trực tuyến trong năm nay.
Hiện tại, khóa học của ông có hơn 200.000 người theo dõi. Cái giá để tham dự là 199 nhân dân tệ/người. Như vậy, khóa học mang về cho ông khoảng 40 triệu nhân dân tệ.
Trong khi đó, Xiang Hui - một chuyên gia bảo trì ôtô 43 tuổi - đã dạy các khóa học trực tuyến trong 2 năm. Theo ông, kỹ năng bảo dưỡng và trang trí xe rất cần thiết. Dạy trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả.
Dù thực tế, ngày càng nhiều người Trung Quốc sẵn sàng mở ví vì kiến thức, các khóa học trực tuyến vẫn đối mặt với rủi ro vi phạm bản quyền. Yan thông tin anh tìm thấy hơn 300 bản copy các khóa học và tài liệu trực tuyến của mình trên mạng.
"Nền tảng livestream đã có hành động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chúng tôi, chẳng hạn thiết lập ngày hết hạn đối với các tập tin và hiển thị tài khoản người xem trên video. Bằng cách này, họ có thể tìm ra ai là người ghi âm và bán lại các video", Yan chia sẻ.
Lu Jian của CCTalk cho rằng: "Những người nổi tiếng trên Internet không chỉ là những người có ngoại hình hấp dẫn và cung cấp nội dung giải trí. Các giáo viên, những người đưa ra những bài học nghiêm túc và có giá trị, cũng có thể trở nên nổi tiếng bởi các khách hàng cần kiến thức của họ”.