Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo viên Việt Nam đón đầu kỷ nguyên số nhờ học bổng của New Zealand

Bằng kỹ năng và kinh nghiệm được trau dồi, các giáo viên khóa “Dạy và học hợp tác, ứng dụng công nghệ số” đã tự tin trong hành trình giáo dục thời đại số.

Hiểu được thách thức và nhu cầu nâng cao nghiệp vụ của giáo viên trong bối cảnh giáo dục số, năm 2022, Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) triển khai chương trình học bổng Chứng chỉ vi mô dạy và học hợp tác, ứng dụng công nghệ số (Digital and collaborative teaching and learning - DCTL) dành riêng cho giáo viên Việt Nam.

Trưởng thành sau một năm trau dồi

Từ nền tảng mà khóa học mang lại, sau một năm, các thầy cô đã có sự trưởng thành rõ rệt trong kinh nghiệm giảng dạy và xây dựng môi trường học giàu tính thực hành, chuyên nghiệp hơn.

New Zealand anh 1

Nguyễn Xuân Lộc (giữa) chụp cùng TS Phạm Đình Trực (góc trái).

Đối với Nguyễn Xuân Lộc, giáo viên tiểu học tại trường Song ngữ Quốc tế EMASI Nam Long, tìm cách ứng dụng công nghệ số trong công tác giảng dạy hiệu quả nhưng không phụ thuộc vào ứng dụng đó là điều quan trọng. “Khóa học hướng mình đến việc sử dụng công nghệ số có trách nhiệm, bền vững và tăng tính hợp tác giữa giáo viên với người học và giữa người học với nhau”, Xuân Lộc chia sẻ.

Có được góc nhìn mới sau khi hoàn thành khóa học, học viên Xuân Lộc đã khai thác các phương pháp mới để xây dựng môi trường học tập trong và ngoài lớp hiệu quả. Theo đó, mức độ hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cần được đánh giá qua khả năng ghi nhớ và nắm bắt kiến thức của người học. Quan trọng hơn hết, người học có thể chuyển kiến thức thành nhận thức và vận dụng thành công vào thực tiễn.

Những kỹ năng ứng dụng công nghệ số đã giúp Xuân Lộc tạo ra giá trị tích cực cho học sinh. Nhờ đó, học sinh tiến bộ và yêu thích quá trình học ngoại ngữ hơn. Các em tích cực tự học, tự tìm hiểu kiến thức mới và chủ động áp dụng kiến thức được học vào đời sống hàng ngày.

Không chỉ ứng dụng trong ngắn hạn, đến thời điểm hiện tại, giáo viên Xuân Lộc vẫn tiếp tục áp dụng 2 chìa khóa gồm tính bền vững và tăng cường kỹ năng hợp tác khi thiết kế hoạt động dạy học.

“Để đáp ứng 2 tiêu chí trên, mình đặt ra mục tiêu rõ ràng cho mỗi hoạt động học tập và đảm bảo các mục tiêu ấy phù hợp năng lực của từng học sinh. Bên cạnh đó, ‘học thông qua chơi’ cũng là một trong những cách tiếp cận giáo dục mình ưu tiên sử dụng”, giáo viên chia sẻ về hành trình áp dụng kiến thức từ khóa học.

New Zealand anh 2

Giáo viên Xuân Lộc thường xuyên áp dụng kiến thức từ khóa học vào công việc giảng dạy.

Theo TS Phạm Đình Trực, giảng viên, Giám đốc sau đại học tại Học viện academyEX, trọng tâm khóa học là định hướng góc nhìn đa chiều về ứng dụng công nghệ số, dạy và học hợp tác thông qua các phương pháp giảng dạy thú vị.

Đây sẽ là nền tảng để giáo viên chủ động khai mở, cập nhật thêm những công nghệ mới trong bối cảnh thay đổi không ngừng của giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Chia sẻ về hành trình giáo dục số, Xuân Lộc bày tỏ: “Chương trình học đã giúp mình rèn luyện sự thích ứng trước những thay đổi, tinh thần học tập suốt đời và tâm thế sẵn sàng để học hỏi và phát triển”.

Mở ra hành trình mới

Bên cạnh việc phát triển kỹ năng giảng dạy trong thời đại số cho giáo viên, giảng viên, chứng chỉ vi mô DCTL còn mở ra cơ hội để người học tiếp cận một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới. Chương trình khuyến khích tư duy đối thoại mở, người học có thể cùng thảo luận và trình bày quan điểm về những vấn đề liên quan đến chuyên môn, cuộc sống xung quanh.

Anh Lê Phan Hưng, giảng viên bộ môn Cơ điện tử trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, bày tỏ ấn tượng với nền giáo dục New Zealand: “Sau khi hoàn thành khóa học, mình nhận thấy giáo dục New Zealand luôn lấy người học làm trung tâm, khuyến khích chúng ta suy nghĩ độc lập, nuôi dưỡng sự sáng tạo, trau dồi kỹ năng đặt câu hỏi và vận dụng kiến thức vào thực tế”.

New Zealand anh 3

Anh Lê Phan Hưng đang theo học tại trường Đại học Waikato.

Đặc biệt, trước đó, anh Phan Hưng đã tìm hiểu về chương trình bậc Tiến sĩ ở New Zealand và may mắn nhận được học bổng Waikato Doctoral Scholarship. Khóa học như bước “tiền trạm" để tiếp thêm động lực và sự tin tưởng của anh vào hành trình đồng hành cùng nền giáo dục xứ kiwi. “Hiện tại, mình chính thức theo học ngành Mechanical Engineering tại Đại học Waikato và có nhiều trải nghiệm tốt đẹp trong suốt thời gian du học”, anh Phan Hưng cho biết. Chia sẻ thêm cho các giáo viên đang cân nhắc khóa học chứng chỉ vi mô, anh cho rằng nếu có nhu cầu tiếp tục ở bậc cao hơn, khóa học này là một trong những cơ hội quý mà họ không nên bỏ qua.

Sau thành công của năm đầu triển khai, ENZ tiếp tục triển khai chương trình này với 20 suất học bổng toàn phần trong năm 2023. Nội dung bài giảng và tài liệu học tập sẽ cập nhật thêm những xu hướng công nghệ mới như Chat GPT và AI, giới thiệu phương pháp dạy học mới, giúp giáo viên ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn để tạo nên môi trường học lý tưởng. Khóa học kéo dài trong 15 tuần từ ngày 7/8 tới 19/11. Ứng viên có thể ứng tuyển từ nay đến hết ngày 25/6.

Thông tin chi tiết và đăng ký ứng tuyển, độc giả tham khảo tại đây.

Hảo An

Bạn có thể quan tâm