Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giám đốc nhân sự ENZ: ‘Kỹ năng là chìa khoá mở tương lai’

Nói về những thách thức mà sinh viên phải đối mặt trong thời đại mới, bà Fiona Cameron nhắc đến kỹ năng giải quyết vấn đề - kim chỉ nam của giáo dục New Zealand.

Bên cạnh những chia sẻ đến từ 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành quản trị nhân lực, Giám đốc nhân sự toàn cầu, Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) - bà Fiona Cameron - còn kể câu chuyện về cách tiếp cận cuộc sống của người New Zealand điển hình. Những điểm tương đồng không ngờ giữa hai nền văn hóa của hai đất nước cũng được bà chia sẻ trong chuyến công tác đầu tiên đến Việt Nam.

du hoc New Zealand anh 1
Bà Fiona Cameron - Giám đốc nhân sự ENZ toàn cầu vừa có chuyến công tác đầu tiên đến Việt Nam.

Nhiều công việc sẽ biến mất trong vòng 20 năm nữa

- Theo bà, lao động trẻ trong tương lai phải làm gì trước những thách thức nảy sinh từ những vấn đề toàn cầu như cách mạng công nghệ 4.0 hay biến đổi khí hậu?

- Theo tôi, trước hết, họ phải học cách thích nghi và luôn luôn linh hoạt trong mọi tình huống. Đặc biệt, nhiều công việc được dự đoán không còn tồn tại trong vòng 20 năm nữa. Do đó, việc đào tạo cho sinh viên một nghề nghiệp nhất định đôi khi không quan trọng bằng rèn luyện cho họ các kỹ năng giải quyết vấn đề, đổi mới và sáng tạo. Tập trung vào các kỹ năng để thích ứng là tối quan trọng trong đào tạo.

Khi đánh giá một ứng viên, những người công tác trong ngành nhân sự như chúng tôi sẽ xem xét mức độ cởi mở của họ đối với các cơ hội khác nhau hơn là một chuyên môn cụ thể. Tại New Zealand, chúng tôi rất coi trọng kỹ năng mềm, cũng như cách con người quản lý mối quan hệ của họ trong xã hội, thay vì các kỹ năng chuyên môn đơn thuần.

Về vấn đề này, tôi rất tự hào được chia sẻ rằng New Zealand là quốc gia nói tiếng Anh đứng đầu thế giới về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai. Theo The Worldwide Educating For the Future Index 2018, New Zealand dẫn đầu trong các chính sách phát triển môi trường giáo dục, với nền giáo dục mang tính thực tiễn cao.

du hoc New Zealand anh 2
Người New Zealand có một câu thành ngữ rằng 'Làm việc với chỉ một mảnh dây thép làm vườn'.

- Các chương trình giáo dục của New Zealand đã làm gì để chuẩn bị cho sinh viên trước những thách thức này?

- New Zealand nói chung và nền giáo dục trong nước nói riêng đặc biệt quan tâm đến kỹ năng giải quyết vấn đề. Chắc các bạn cũng biết, đất nước chúng tôi có dân số chỉ 5 triệu người, thậm chí thấp hơn cả số dân của TP.HCM.

Người New Zealand có một câu thành ngữ rằng "Làm việc với chỉ một mảnh dây thép làm vườn", đại ý là hãy tận dụng một món đồ ban đầu được thiết kế cho một công dụng nhất định để phục vụ một loạt mục đích khác nhau.

Thấu hiểu sâu sắc rằng không phải mọi thứ đều sẵn có bên ngoài cánh cửa, chúng tôi được thúc đẩy để phát minh ra những điều mới mẻ và có ích cho cuộc sống hàng ngày.

Cùng chung lý tưởng đó, đi từ giáo dục lý thuyết đến định hướng giải quyết vấn đề cũng là kim chỉ nam của giáo dục New Zealand. Điều này được hiện thực hóa thông qua những chương trình liên kết với doanh nghiệp của các trường đại học. Đây cũng là một trong những yếu tố được đánh giá cao, làm nên ngôi vị quốc gia nói tiếng Anh đứng đầu thế giới về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai.

- Bà có thể đưa ra một vài ví dụ về các chương trình liên kết này?

- Tiêu biểu nhất có thể kể đến là chương trình hợp tác giữa Đại học Canterbury (UC) và Rocket Lab, công ty chuyên phóng các vệ tinh lên quỹ đạo từ bán đảo Mahia gần Gisborne, New Zealand.

Địa thế xa xôi, bầu trời quang đãng, mật độ giao thông hàng không và hàng hải thấp của New Zealand đã cho phép phóng vệ tinh thường xuyên hơn hẳn so với các quốc gia phải tạm dừng những hoạt động trên không phận và hải phận.

Nhờ vậy, chúng tôi có thể tiến hành thử nghiệm được nhiều công nghệ mới hơn. Những sinh viên xuất sắc sẽ được chính Rocket Lab lựa chọn để đào tạo kỹ thuật hàng không vũ trụ tiên tiến. Chương trình liên kết này bao gồm các dự án mùa hè, trợ lý nghiên cứu đại học, thạc sĩ kỹ thuật và nghiên cứu sau đại học.

Khi chọn điểm đến du học, cảm xúc với quốc gia đó rất quan trọng

- Đâu là những điểm cạnh tranh của môi trường học tập và cơ hội việc làm tại New Zealand so với các quốc gia khác?

- Một lần nữa, tôi muốn nhắc lại hướng tiếp cận khá tiến bộ và riêng có của New Zealand - gói gọn trong bốn chữ "giải quyết vấn đề". Nền tảng của hệ thống giáo dục New Zealand là giúp sinh viên chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai, trong đó đương nhiên bao gồm trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết của thế giới việc làm.

Bên cạnh đó, mọi sinh viên bước chân ra khỏi các trường đại học tại New Zealand cũng được kỳ vọng có đầy đủ những hiểu biết và kỹ năng về công nghệ kỹ thuật số cho kỷ nguyên 4.0.

Trên thực tế, điều này hoàn toàn có cơ sở bởi Bộ Giáo dục New Zealand đã triển khai chiến lược giáo dục đảm bảo năng lực kỹ thuật số được đồng loạt đẩy mạnh trên toàn bộ hệ thống giáo dục. Học sinh, sinh viên được trang bị kỹ năng để tự trở thành lập trình viên trong tương lai, thay vì chỉ là những người dùng công nghệ.

Thiết lập hạ tầng kỹ thuật số cũng là một trong những trụ cột của hệ thống giáo dục kỹ năng cho tương lai của New Zealand. Chính phủ đã đầu tư 700 triệu USD vào hạ tầng công nghệ và trải nghiệm học tập chuyên nghiệp. Đồng thời, 98% học viện tại New Zealand kết nối Internet tốc độ cao, thay đổi cách sinh viên tiếp cận với bài học, cách thức giảng dạy và học tập, cũng như tạo điều kiện cho sinh viên am hiểu công nghệ hơn bao giờ hết.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư rất nhiều vào các chương trình liên kết với doanh nghiệp để nâng cao cơ hội trải nghiệm và kỹ năng làm việc cho sinh viên.

du hoc New Zealand anh 3
"Điều khiến tôi ngạc nhiên là những nét tương đồng không ngờ giữa còn người Việt Nam và New Zealand", bà Fiona chia sẻ.

- Ngoài môi trường học tập và cơ hội việc làm - hai yếu tố tiên quyết nhất đối với du học sinh, còn những yếu tố nào mà bà cho là quan trọng khi lựa chọn điểm đến du học?

- Nếu là sinh viên đang đứng trước quyết định du học ở các quốc gia khác nhau, tôi sẽ lựa chọn điểm đến mà bản thân tôi có những cảm xúc tích cực và tốt đẹp về nó.

Mười năm trước, tôi đã quay lại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, để theo đuổi tấm bằng thạc sĩ. Tôi có ngồi cùng nhóm sinh viên ngoại quốc, một vài người trong số đó đến từ Việt Nam. Điều khiến tôi ngạc nhiên là những nét tương đồng không ngờ giữa họ và người New Zealand. Đó là sự thân thiện, cởi mở, tốt bụng và ấm áp - cũng giống như cách mà người New Zealand thường tự miêu tả về mình. Người Việt cũng rất quyết tâm học hỏi và cởi mở trước những cách tiếp cận khác nhau.

Sự tương đồng giữa văn hóa của người Maori và người Việt sẽ khiến sinh viên Việt Nam cảm thấy thoải mái hơn khi theo học tại New Zealand. Đó là văn hóa chào đón, cũng như phong cách sống coi trọng cộng đồng, tôn trọng người lớn tuổi của cả hai quốc gia.

Tôi đã đọc một số câu chuyện thần thoại Việt Nam và không khỏi bất ngờ khi tìm thấy nhiều chi tiết khá giống cách người New Zealand giải thích về cách thế giới được kiến tạo. Bên cạnh chất lượng giáo dục, chính điểm tương đồng này sẽ hỗ trợ học sinh, sinh viên Việt Nam rất nhiều khi du học.

Tôi cũng muốn giới thiệu thiên nhiên và những hoạt động ngoài trời của New Zealand như một điểm cuốn hút đối với các bạn trẻ theo học tại đây. Chỉ cần đi ra ngoài Auckland, bạn có thể lựa chọn vô số môn thể thao giải trí như trượt tuyết, đi bộ đường dài hay nhảy bungee…

Bản thân tôi luôn tận hưởng việc tổ chức những chuyến du lịch ngắn ngày trên khắp New Zealand cùng các thành viên lớn tuổi trong gia đình, hay đi câu cá trong thời gian rảnh rỗi.

Người làm nhân sự cần khiêm tốn, tôn trọng và cởi mở

- Theo bà, đâu là những ngành học đang thu hút nhất tại New Zealand?

- Kinh tế được xem là ngành học truyền thống được lựa chọn bởi sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ thêm về những ngành học sáng tạo, đặc biệt khi New Zealand xếp hạng 22/127 quốc gia về chỉ số sáng tạo năm 2018.

Chắc các bạn từng nghe nói tới phim bom tấn "Lord of the Rings" hay "The Hobbit", đây đều là những sản phẩm điện ảnh của các nhà làm phim New Zealand.

du hoc New Zealand anh 4
"Tôi luôn tâm niệm bất cứ ai có cơ hội gặp gỡ đều có thể dạy cho mình điều gì đó". bà Fiona Cameron nói.

- Là chuyên gia về mảng nhân sự, theo bà, ngành học nhân sự tại New Zealand có đang phát triển? Bà dành lời khuyên gì cho những nhà nhân sự tương lai?

- Tại New Zealand, hầu hết trường đại học đều có chuyên ngành nhân sự. Một nhà nhân sự phải có thái độ đúng mực và là một người giao tiếp giỏi. Làm việc trong ngành nhân sự đã 30 năm, tôi luôn tâm niệm bất cứ ai có cơ hội gặp gỡ đều có thể dạy cho mình điều gì đó.

Khi xem xét hồ sơ của ứng viên, những nhà nhân sự có đặc quyền là được tiếp cận thông tin cá nhân mà bình thường chẳng ai chia sẻ với người lạ mặt. Dù thế, bạn vẫn phải giữ một thái độ khiêm tốn, đúng mực, tôn trọng và cởi mở.

Bạn không chỉ làm việc với những ứng viên trúng tuyển. Tôi luôn dặn dò đội ngũ của mình rằng chúng ta có nghĩa vụ phải liên hệ với cả những người còn lại, giải thích lý do họ chưa được chọn và đưa ra những nhận xét, lời khuyên để buổi phỏng vấn tiếp theo của họ hiệu quả hơn.

New Zealand hiện là quốc gia sở hữu nền giáo dục đẳng cấp thế giới:

- Quốc gia nói tiếng Anh dẫn đầu toàn cầu về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai.

- Cả 8 trường đại học đều nằm trong top 3% các trường đại học tốt nhất thế giới.

- Cơ hội visa làm việc đến 3 năm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế.

Thông tin về giáo dục New Zealand, độc giả tìm hiểu thêm tại đây.


Ngân Hạnh - Giang Uyển Nguyên

Bạn có thể quan tâm