Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 3 mới đây, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an Hà Nội, ghi nhận Công an quận Hà Đông là một trong những đơn vị chủ động phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ học sinh, trẻ vị thành niên tụ tập mang hung khí để dàn trận đánh nhau. Đối với hiện tượng tội phạm đường phố này, việc phát hiện, ngăn chặn sớm có ý nghĩa rất quan trọng.
Để phòng ngừa, tránh hậu quả khôn lường có thể xảy ra, Công an quận Hà Đông đã tổ chức tọa đàm với chủ đề phòng chống vi phạm pháp luật của học sinh với sự tham dự của đại diện ngành giáo dục, ban giám hiệu các trường và đông đảo phụ huynh, học sinh.
Một học sinh phát biểu tại buổi tọa đàm. |
"Con ước không phải nhắc đến hai từ giá như”
“Đến giờ phút này, con chỉ ước không bao giờ sẽ còn phải nhắc đến 2 từ 'giá như'. Giá như con không trốn học. Giá như con không tụ tập. Giá như con không theo các bạn phóng xe máy trên đường, mang theo hung khí. Dù chưa gây ra hậu quả, nhưng hành vi của con đã được các chú công an chỉ rõ là vi phạm pháp luật, là gây hệ lụy rất xấu, nguy hiểm đối với xã hội. Con đã phải chịu mức kỷ luật nghiêm khắc của nhà trường và cả bố mẹ. May mắn là con được các chú công an cảnh tỉnh kịp thời, nếu không…”, N.T.P. (sinh viên Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp tham gia vụ 24 người mang hung khí đi hỗn chiến hôm 12/2) khóc khi xem phóng sự "Báo động thanh thiếu niên phạm tội" ghi lại hình ảnh những học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật ở Hà Đông.
Cùng tâm trạng, N.Đ.A. (lớp 10 trường THPT Lê Hồng Phong) cho biết: “Con từng là học sinh hư, thường xuyên tụ tập với bạn bè xấu để chơi bời, không tập trung học nên kết quả học tập sa sút. Nếu không có sự quan tâm, phát hiện, cứu giúp kịp thời, con đã không thể có cơ hội đứng ở đây để kể câu chuyện của mình..."
Chạm đến cảm xúc của học sinh và phụ huynh dự tọa đàm là tâm sự của ông N.V.T. (bố của học sinh N.T.P): “Thực sự là hôm nay khi đến đây, tôi rất buồn. Nếu không có sự động viên của nhà trường, của các đồng chí công an, chắc tôi không đủ tự tin. Tôi muốn chia sẻ rằng, các bậc làm cha, làm mẹ hãy cố gắng đừng để việc mưu sinh cuốn lấy mình. Chúng ta phải làm bạn với các con, phải quan tâm thường xuyên đến các con. Trông cây sửa đất và nhìn con để tự sửa mình. Con cái có lỗi, có tội, trong đó có cả phần lỗi, phần trách nhiệm lớn của phụ huynh…"
Tụ tập hỗn chiến như xã hội đen
Theo thượng tá Nguyễn Minh Khang, Phó trưởng Công an quận Hà Đông, trước những tác động từ mặt trái của Internet và mạng xã hội, sự buông lỏng quản lý sau giờ học, học sinh, sinh viên đã tụ tập điều khiển xe máy mang hung khí gây rối trật tự công cộng, đâm chém vì mâu thuẫn qua mạng...
Từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, quận Hà Đông xảy ra 5 vụ việc liên quan đến học sinh vi phạm pháp luật, với nhiều hành vi, tội danh như gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích. Điển hình là vụ gần 20 học sinh gây rối trật tự công cộng. Tất cả đều trong độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16.
Bà Phạm Thị Hòa, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông, chia sẻ tại tòa đàm. |
Manh động không kém là vụ hẹn nhau hỗn chiến giữa nhóm học sinh một trường THCS ở phường Biên Giang (Hà Đông) với nhóm học sinh THCS ở thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Đao, dao phóng lợn gắn tuýp sắt, vỏ chai thủy tinh… đã được chuẩn bị. Nhóm học sinh đi xe máy tháo biển số, đeo khăn đỏ vào tay để tránh đánh nhầm. Rất may cuộc hẹn hỗn chiến hôm 12/2 bất thành vì lực lượng công an ngăn chặn kịp thời. 18 trong 24 người liên quan được xác định là là học sinh các trường học trên địa bàn quận Hà Đông.
“Quan điểm chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP đối với các vụ việc liên quan đến tội phạm đường phố là rất rõ ràng, kiên quyết. Phải khởi tố vụ án, làm rõ, triệt để và khởi tố bị can, từ đó đưa ra xét xử điểm, tạo sự răn đe phòng ngừa chung”, thượng tá Nguyễn Minh Khang nói.
Không thể phòng ngừa bằng hành động đơn lẻ
Trong hơn 3 giờ tọa đàm, ban tổ chức dành nhiều thời gian để đối thoại, lắng nghe những thắc mắc, khó khắn về phòng ngừa vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên.
“Chúng ta biết và luôn nói đến tác động mặt trái của mạng xã hội nhưng khắc chế mặt trái ấy thế nào, thì nhà trường thực sự chưa làm được. Không thể phủ nhận, nhiều học sinh bây giờ thành thạo sử dụng mạng xã hội hơn giáo viên. Trong bối cảnh ấy, sự quan tâm, quản lý của nhà trường và gia đình chưa đủ để trang bị cho các em những hiểu biết, uốn nắn trước những sai trái...", đại diện Ban giám hiệu một trường THPT bày tỏ.
Trước những trăn trở đó, ban tổ chức cho rằng để hình thành “bức tường an toàn” cho con trẻ, cần ấn định biện pháp, lộ trình như việc giao công an quận phối hợp với đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Công an Hà Nội tập huấn tại trường học về các chuyên đề như an ninh mạng, mặt trái của mạng xã hội, hệ lụy của tội phạm đường phố…
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông, giải đáp một số ý kiến của phụ huynh, học sinh. |
Theo đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đồng, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thông tin học sinh; xây dựng tài liệu tuyên truyền trên hệ thống thông tin điện tử về các loại hình tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao để các thành viên trong gia đình, nhà trường và học sinh nắm bắt, phòng ngừa. Trước mắt, trong tháng 3 này, quận sẽ tổ chức sân chơi trang bị kiến thức pháp luật hướng đến học sinh.
Giải đáp các thắc mắc được nhà trường và phụ huynh quan tâm, cơ quan chức năng xác định đã đến lúc người lớn không thể mãi thờ ơ trước hiện tượng đáng lo ngại của con trẻ. Đã đến lúc không thể phòng ngừa bằng những suy nghĩ, hành động đơn lẻ. Trong câu chuyện đầy lo ngại về vi phạm pháp luật của học sinh phải chỉ ra “lổ hổng” của người lớn, của nhà trường, của quy định pháp luật và các cơ quan quản lý để có giải pháp phòng ngừa tổng thể.