Có phải tình yêu chỉ lãng mạn trong giai đoạn trước hôn nhân? Tình yêu thương có nhạt nhòa khi chúng ta “tiết kiệm” lời yêu?
Những câu nói tưởng chừng thật đơn giản đang trở nên... khó nói, khó tiếp nhận hay thấy kỳ quá. Nhiều người giật mình nhìn lại vì những câu tưởng chừng rất bình thường lại gây nên nghi ngờ, lạ lẫm, cứ tưởng người mình yêu thương đang nhắn nhầm cho ai đó.
Ảnh minh họa. |
“Sốc” vì lời nói bình thường?
Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A nói: "Chúng ta vẫn nghĩ những câu nói “Em yêu anh” là bình thường nhưng các ông chồng lại sốc. Điều đó có nghĩa, đối với họ là không bình thường”.
Dường như rất ít khi họ nhận được điều này từ người yêu của mình. Rõ ràng, ngày thường, chúng ta không dành những lời nói ấy cho người yêu nên khi nhận tin nhắn, người chồng ngờ vực về các hành vi xin xỏ hoặc thú tội gì đó.
ThS. Tô Nhi A nhắn nhủ: “Để tình yêu, hôn nhân thật sự bền vững, cách bày tỏ tình cảm như thế này nên liên tục, không cần tin nhắn, mà có thể nói trực tiếp hoặc viết những mảnh giấy nhắn cho bạn đời của mình”.
Chị em phụ nữ cũng nên nhớ, bản thân đàn ông cũng muốn được yêu thương, không riêng gì phụ nữ. Hãy thể hiện tình cảm một cách ngọt ngào.
Người Việt thể hiện tình cảm bằng hành động
Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu - giảng viên khoa Văn hóa học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) cho rằng, cách thổ lộ tình yêu của người Việt thường rất khác nhau giữa hai giai đoạn trước và sau hôn nhân.
Theo TS. Hiếu, trước hôn nhân, mỗi người là những cá thể độc lập, không có quan hệ ràng buộc nào ngoài tình cảm. Do vậy, họ thổ lộ rất tự do nhằm gây dựng quan hệ tình cảm thắm thiết giữa hai bên.
Tuy nhiên, khi thành chồng vợ, ngoài tình cảm lứa đôi còn có nghĩa vụ với gia đình, việc này như đè nặng lên họ.
Ông Hiếu cho rằng, đàn ông Việt hay thể hiện tình cảm với vợ con bằng việc lo toan chu đáo cho gia đình, thầm lặng hoàn thành bổn phận của người chồng, người cha.
Ở góc độ tâm lý, ThS Bùi Hồng Quân (Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP HCM) phân tích, hai yếu tố truyền thống văn hóa và giới đã ảnh hưởng đến việc thể hiện cảm xúc, sử dụng những lời yêu thương.
Trong xã hội, trẻ em được giáo dục chuyện tình cảm không phải cứ thể hiện qua lời nói mà quan trọng là hành động. Chính vì vậy, các bé trai lớn lên ít khi sử dụng lời nói yêu thương so với phái nữ. Xét về đặc tính giới, người nữ thể hiện cảm xúc khá dễ dàng nhưng nam giới lại hiếm khi bộc lộ.
Cũng theo ThS. Quân, những người chồng ngạc nhiên khi nhận lời nói yêu thương là do sự tiết kiệm lời yêu từ hai phía.
“Nếu biết sắp xếp thì khoảng thời gian dù ít ỏi vẫn có thể sẻ chia với người còn lại, cùng xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc” - ông Quân chia sẻ.
ThS. Bùi Hồng Quân cho rằng: “Lời nói yêu thương chỉ là một phần, quan trọng lời nói phải đi đôi với cử chỉ yêu thương. Tuy nhiên, phụ nữ luôn thích những điều nhẹ nhàng và ngọt ngào. Vì vậy, đàn ông Việt có thể bày tỏ lời yêu ở chừng mực nào đó để giúp hôn nhân hạnh phúc hơn”.
Đừng để lạc mất lời... yêu
Nhiều bạn đọc chia sẻ cảm xúc, câu chuyện của mình xung quanh tin nhắn "Em yêu anh". Một số người đề xuất: "Mọi người hãy thường xuyên nói lời yêu thương với tất cả thành viên trong gia đình".
Chị Anh Thy (Q.6, TP HCM) nói: "Quan điểm và cách thể hiện tình yêu của mỗi người khác nhau. Tuy nhiên đã là vợ chồng, lời nói và hành động thể hiện tình cảm đều cần thiết, phải biết quan tâm chăm sóc người mình yêu".
Bà Dương Thùy Mai (Q.3, TP HCM) chia sẻ: “Cuộc sống vợ chồng có quá nhiều lo toan nên việc biểu lộ tình cảm không còn như trước. Không phải đã là vợ chồng, không cần nói lời ngọt ngào. Rất nên nói những lời yêu thương để cuộc sống vợ chồng dù là bao nhiêu năm đi nữa vẫn ngọt ngào, tình cảm”.
TS. Lý Tùng Hiếu cho rằng: "Việt Nam đang ở thời kỳ hội nhập, người Việt, nhất là đàn ông Việt nên có những cư xử phù hợp với nhu cầu tình cảm của vợ con để cuộc sống hôn nhân vẹn tròn".