Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gieo hồn trên gốm cổ

"Với tôi, lễ hội dân gian Chăm là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận. Mỗi tác phẩm là một cung bậc cảm xúc thẩm mỹ khác nhau", nữ họa sĩ Chế Kim Trung bộc bạch.

Giới nghệ thuật cả nước biết đến nữ họa sĩ Chế Kim Trung qua những tác phẩm tranh sơn dầu. Đến nay, khi những sản phẩm gốm Bàu Trúc được khoác thêm chiếc áo mới hoa văn, với những gam màu tinh tế, độc đáo được trình làng thì Chế Kim Trung trở thành họa sĩ đầu tiên vẽ tác phẩm nghệ thuật trên gốm.

Văn hóa Chăm trên gốm đất

Ngôi nhà của nữ họa sĩ Chế Kim Trung trên đường Ngô Gia Tự, TP Phan Rang - Tháp Chàm, được dành phần lớn diện tích để làm phòng trưng bày tranh và những sản phẩm gốm Bàu Trúc đã vẽ hoa văn.

Nữ họa sĩ tâm sự: "Lâu nay, việc vẽ hình ảnh trên gốm sứ rất phổ biến nhưng vẽ tranh trên gốm Chăm làm bằng đất sét thì chưa có họa sĩ nào thực hiện. Hơn nữa, gốm Bàu Trúc vốn được nung ở nhiệt độ cao nên rất khô, hút nước mạnh. Cái khó nhất là màu đặc trưng của sản phẩm gốm Bàu Trúc sau nung là đen xám hoặc đỏ, do đó, người họa sĩ phải vẽ làm sao để hình ảnh không bị hút chìm trên nền da gốm, đồng thời màu sắc phải tôn được vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Chăm và sự chuẩn xác đối với những họa tiết của hoa văn cổ Chăm Pa".

hoa si Che Kim Chung anh 1
Nữ họa sĩ Chế Kim Trung sáng tác trên bình gốm Bàu Trúc.

Sau khi thử nghiệm một số cách vẽ, nữ họa sĩ Chế Kim Trung chọn kỹ thuật vẽ chồng nhiều lần, nhiều lớp màu lên hình ảnh đã khắc họa chi tiết trên gốm. "Phải vẽ đến khi da gốm "no" màu thì sản phẩm mới đạt chuẩn về mỹ thuật", nữ họa sĩ cho biết.

Trải lòng về thành công hôm nay, Kim Trung bộc bạch: "Vẽ trên gốm Bàu Trúc đòi hỏi người họa sĩ phải am tường đời sống văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Chăm. Chính vì mỗi sản phẩm gốm vẽ đều mang sắc thái, hình tượng riêng nên người họa sĩ phải thật sự thăng hoa, dạt dào cảm xúc trong từng nét vẽ, có như vậy mới tạo được tác phẩm ưng ý, độc đáo".

Mục sở thị những bình gốm Bàu Trúc mỹ thuật do nữ họa sĩ Kim Trung sáng tác, người xem như lạc vào không gian cổ kính nhưng không kém phần rực rỡ của nền văn hóa Chăm Pa. Từ các lễ hội Katé, cầu mưa, cắt tóc… đến các trò chơi dân gian như đội nước, say roi, đạp lửa… được nữ họa sĩ thể hiện sinh động trên bình gốm đất, qua từng nét vẽ điêu luyện. Hình ảnh những tháp Chăm rêu phong, cổ kính trên vòm cong của chiếc lu vại như đưa ta về thế giới tâm linh của bà con Chăm, hòa quyện trong tiếng kèn Saranai, tiếng trống, Ghi- năng say đắm lòng người.

Yêu quê hương qua từng nét vẽ

Giới họa sĩ và công chúng yêu hội họa biết đến nữ họa sĩ Chế Kim Trung từ gần 10 năm trước. Sự thành công của bà được đánh giá là một hiện tượng hội họa của cộng đồng dân tộc Chăm về hội họa. Sau khi trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam vào năm 2005, đến nay, nữ họa sĩ có nhiều tác phẩm được giải thưởng trong nước và khu vực.

Mặc dù gia đình không có truyền thống hoạt động nghệ thuật nhưng Chế Kim Trung lại bộc lộ năng khiếu hội họa từ nhỏ. Niềm đam mê, khát khao được vẽ cứ thế thôi thúc chị. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2002, bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp, Chế Kim Trung tiếp tục hoàn tất chương trình cao học về hội họa tại Thái Lan vào năm 2013.

Đa phần tác phẩm tranh sơn dầu của Chế Kim Trung thể hiện văn hóa nguồn cội Chăm Pa. Đó là văn hóa vật thể và phi vật thể còn mãi được bảo tồn ở quê hương Ninh Thuận của chị như kiến trúc đền, tháp, lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng. Chính ở mảng đề tài này chị đã gặt hái được nhiều thành công và trở thành hiện tượng độc đáo trong hội họa đương đại. "Với tôi, lễ hội dân gian Chăm là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận. Mỗi tác phẩm là một cung bậc cảm xúc thẩm mỹ khác nhau", nữ họa sĩ bộc bạch.

Đến với tác phẩm của Chế Kim Trung, người xem có thể nhận ra những sắc màu Chăm vừa rực rỡ vừa trầm buồn như tiếng lòng của nữ họa sĩ đang độ tuổi tứ tuần này đối với quê hương. Hơn 15 năm sáng tác, hàng loạt tác phẩm hội họa đã làm nên tên tuổi Chế Kim Trung. Trong đó, tác phẩm "Sắc màu lễ hội Katé" dài 6,6 m, rộng 1,6 m đoạt giải A của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2003 và nhận giải thưởng của Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2013, "Lễ cầu mưa" (giải A năm 2008 - Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam), "Làng Chăm ơn Bác" (giải A năm 2009 - Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam)…

Những cống hiến từ lòng say mê hội họa, nữ họa sĩ Chế Kim Trung đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc (giai đoạn 2004 - 2014).

Trò chuyện với Chế Kim Trung mới cảm nhận được niềm đam mê của chị về hội họa. Chị bảo không gì sung sướng hơn khi đã chuyển tải được sự phong phú trong đời sống tinh thần của bà con Chăm nói riêng và các dân tộc anh em trên quê hương Ninh Thuận qua từng bức tranh. Là giáo viên mỹ thuật tại Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề Ninh Thuận, nữ họa sĩ luôn đau đáu làm sao đào tạo được một đội ngũ họa sĩ trẻ người Chăm nặng lòng với cội nguồn. "Muốn sáng tạo và phát triển phải bắt đầu từ văn hóa truyền thống của dân tộc mình" - họa sĩ Chế Kim Trung trải lòng.

Gốm sứ Minh Long gia nhập 'cuộc chiến' thương mại điện tử

Ra mắt đứa con “nồi sứ dưỡng sinh” với mong muốn góp phần cải thiện sức khỏe người dùng, Minh Long I thể hiện mong muốn có mặt trong mọi nếp nhà Việt khi hợp tác cùng Tiki.

 

https://nld.com.vn/thoi-su/gieo-hon-tren-gom-co-20190112205349.htm?fbclid=IwAR0MpPLnyw-qoFAOBt6EXEHMdpYhh0waM21tKfiEE9RZ1fprXgCZsduTyxE

Theo Lê Trường/Người Lao động

Bạn có thể quan tâm