Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới 'đồng bóng' sinh viên: Hành nghề bằng vốn tự có

Là những sinh viên đang đi học, các ông đồng ngoài sự hỗ trợ của gia đình đều “hành nghề” tâm linh để có thu nhập cho những vấn hầu lớn và trang trải cuộc sống. Theo các ông đồng, đó là cái lộc mà Thánh ban cho.

“Lộc” xem bói

Qua tìm hiểu, thông thường mỗi vấn hầu của các ông đồng có giá “bình dân” dao động từ 30- 40 triệu đồng. Ở khóa lễ mà tôi vừa được may mắn dự hầu của ông đồng N.T.H có tổng kinh phí lên đến 37 triệu, đấy là còn chưa kể một số khoản phát sinh.

Mỗi buổi lễ hầu đồng có giá “bình dân” cũng lên đến 40 triệu đồng.


Đây là kinh phí không hề nhỏ đối với các ông đồng vẫn còn là sinh viên, hàng tháng vẫn sống nhờ trợ cấp của bố mẹ. 3 ông đồng mà tôi tiếp cận đều xuất thân từ gia đình ở nông thôn, việc lo liệu số tiền như trên cho con em mình ra hầu Thánh không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng khoản phí ban đầu lúc ra trình đồng mở phủ thì các ông đồng phải hoàn toàn được sự hậu thuẫn từ gia đình.

Theo các ông đồng, khi đã ra trình đồng mở phủ thì ít nhất mỗi năm phải thực hiện một vấn hầu. Đấy là chưa kể vào những dịp lễ như “tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ” hay những dịp tiệc quan, tiệc Thánh. Gia đình không thể tiếp tục hỗ trợ toàn phần cho mỗi vấn hầu, nên các ông đồng phải tự thân hành nghề bằng “vốn tự có” do lộc Thánh ban để có thêm thu nhập. Xem bói là “lộc” mà cả 3 ông đồng mà tôi tiếp cận đều có.  

Như đã nói về trường hợp của ông đồng N.T.H ở kỳ 1 loạt phóng sự này, H. có thể nói chuyện với người âm và cứ hễ không xem bói lại bị ốm đau, bệnh tật vật vã. Cái duyên với “nghiệp” bói bắt đầu từ đó. Khi đã ra đồng, H. được nhiều người biết đến, và thậm chí các thầy cô và các bạn tại đại học Văn hóa mà H. đang theo học cũng biết đến khả năng của cậu sinh viên này.

“Để trang trải cho những mỗi quan hệ trong giới “đồng bóng”, những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, và một chút gì đó gọi là “son phấn” cho bản thân (giới “đồng bóng” thường cầu kỳ trong ăn mặc và sành đồ sang) thì không thể đợi vào sự chu cấp từ gia đình, mình phải tự thân vận động thôi”, H. chia sẻ. Ông đồng 20 tuổi này cho biết thêm, lộc bói không phải ai cũng được Thánh ban nên đây là một khả năng mà khi đi hành nghề không làm điều gì sai trái, những việc vô đạo đức, mà chỉ là hành thiện và cũng là mình đang thụ lộc của Thánh.

H. thường xem bói tại nơi ở của mình, đó là một ngôi nhà khá khang trang, đầy đủ tiện nghi H. và những người bạn cùng học thuê được trong một ngõ khá sâu và ngoắt ngoéo trên phố Hào Nam (Hà Nội).

H giải thích, làm việc liên quan đến tâm linh thì không thể gặp gỡ nơi công cộng như quán café, ở trường học thì lại càng không thể, mà khách của H toàn người sang trọng nên H cần có chỗ tiếp khách cũng phải cho tương xứng và cũng từ đó mà tiện cho việc nói chuyện việc tâm linh vốn được cho là nhạy cảm. Khi được hỏi mỗi lần xem bói thì giá cả là thế nào?

H. cho biết, việc này không có định giá cụ thể mà hầu hết là tùy tâm. Trong một lần đến gặp H., tôi phải ngồi đợi do H. đang xem quẻ bằng bài Tây cho một phụ nữ chừng 40 tuổi quê Nam Định. Sau khi cuộc nói chuyện kết thúc, tôi thấy người phụ nữ rút tờ 500.000 đồng đặt lên chiếc đĩa có đựng bộ bài trên bàn rồi nói bằng giọng trịnh trọng “lạy cô, xin phép cô tôi về”.

H. coi bói cho mọi người bằng rất nhiều hình thức: quả cau lá trầu, que hương, tóc, tiền, chỉ tay và bài Tây. Trong đó bài Tây được H. sử dụng nhiều hơn cả. Thường mỗi “thầy” đều có một bộ bài riêng chuyên dùng để xem, bộ bài này đã được thỉnh lên cửa Mẫu và được gieo quẻ xin phép đàng hoàng. Bên cạnh đó, cũng có thể sử dụng bộ bài mà khách mang đến, nhưng bộ bài này phải hoàn toàn mới, chưa chơi bao giờ và bộ bài này không dùng cho người thứ 2.

Hiện tại, thu nhập trung bình hàng tháng của ông đồng H. vào khoảng 6-7 triệu đồng, chưa kể những khoản đi cúng. Từ việc xem bói đến việc đi lễ cho khách thường được kết hợp. Và những ông đồng được “ăn” lộc xem bói thường kiêm luôn cả nghề thầy cúng.

“Nghề” thầy cúng

Như cái “máu” tâm linh đã ngấm vào người, những nhân vật đã bắc ghế ra hầu Thánh đều làm việc liên quan đến tâm linh. Trong 3 ông đồng mà tôi tiếp xúc, cả N.T.H và N.Đ.T đều là những thầy cúng có tiếng trong giới “đồng bóng”.  

Xem bói thường bao giờ cũng đi kèm với cúng lễ. Ông đồng N.Đ.T cho biết: khách đến xem bói thường quan tâm đến công danh, tiền bạc, tình cảm. Và khi những điều quan tâm của họ được thầy soi có “vấn đề” thì thường là phải cúng để cầu bình an, trừ tà, giải hạn. Bởi thế mà thấy bói được khách nhờ sửa soạn lễ và mời về đền về phủ nào có tiếng hoặc về tại gia để làm lễ.

Hầu hết khách của T đều được tạo dựng từ những mối quan hệ trong giới “đồng bóng”. Những người tìm đến T để xem bói và mời cúng đều là các vị khách dự hầu và từ đó phát triển thêm những mối quan hệ khác. Ngoài việc trong năm T ra hầu cho bản mệnh thì cậu còn “hầu” cho khách.

Bởi lẽ, không phải ai nặng căn nặng quả cũng có thể ra trình đồng mở phủ do nhiều yếu tố cá nhân và xã hội chi phối, vì thế mà họ thường phải thỉnh đến những nhân vật có tuổi đồng như T. để làm lễ xin khất đồng, hoãn đồng. Những buổi lễ như vậy, ngoài việc sắm lễ lạt, hương hoa cho buổi lễ, khách còn phải trả cho T những khoản thù lao riêng (dao động mỗi buổi lễ từ 1,5-2 triệu đồng).

Khi đi lễ cho khách, đến tại gia hay đi các đền to phủ lớn, T. thường được đưa đón bởi xe ô tô riêng. Cứ theo đúng định kỳ hàng tháng thì hầu như tuần rằm, mùng 1 nào T. cũng có rất nhiều lời mời, đấy là chưa kể những lịch hẹn từ những lần xem bói trước hay vào những tháng có nhiều tiệc quan, tiệc Thánh.

Do vậy mà thu nhập và tích lũy của T. đủ để ông đồng này dồn vào vấn hầu định kỳ hàng năm của mình cùng chi phí cho bản thân. Mỗi vấn hầu mà ông đồng N.Đ.T thực hiện cho bản mệnh rơi vào ngót nghét 40 triệu đồng. Chính vì vậy mà việc “hành nghề” giúp ông đồng mang căn Cô Chín này có thêm kinh phí trang trải đáng kể cho mỗi lần ra hầu.

Làm “thầy” thì cũng phải ra dáng, các vị “Thánh” sống này cũng có đủ “đồ nghề” chuyên nghiệp. Khám phá chiếc túi vải nâu chuyên đi chùa của T., tôi được thấy đủ cả sách chữ Hán, vòng tay hạt gỗ, chuông đồng, mõ tụng kinh, đĩa và tiền gieo quẻ, áo nâu, khăn xếp… Những ông đồng này tay thường đeo nhẫn và để móng rất dài, ngón tay thon, bàn tay mảnh khảnh như con gái. Và khi hai bàn tay ấy chắp vào lễ Thánh cũng rất “có hồn”.

Đi cúng không giống như nhảy đồng là bẩm sinh mà có. Cúng cũng phải có bài, có lễ nghi đúng tuần tự. Những điều này đều phải có sự học hỏi và qua quá trình trải nghiệm mới đến độ thành thạo. T. cho biết: “Phải xác định được tính chất của buổi lễ, là dâng sao giải hạn hay cất nóc xây nhà, là trừ tà sát quỷ hay cầu duyên, cầu phúc.

Có như vậy mới biết lối mà bảo khách sắm lễ cho phù hợp và có những bài văn khấn cho đúng lễ nghĩa và cầu đúng ông Thánh mà mình thỉnh cho phải phép. Nếu cầu duyên thì phải thỉnh đến các ghế hàng cô như: Cô Chín, Cô Bơ; cầu tài, học hành thì phải nhờ đến cửa Ông Hoàng Mười, cầu công danh thì Ông Hoàng Bảy”.

Coi chừng “buôn thần bán thánh”

Trước những cái “lộc” mà con đường tâm linh mang lại, các ông đồng cũng đứng trước ranh giới giữa làm việc Thánh và buôn thần bán thánh. Đi lễ với khách và việc dùng Thánh để lừa khách là việc chỉ ở một cái tặc lưỡi.

Nói về cái “nghề” tâm linh không phải để cổ súy cho hình thức vốn bị coi là “mê tín dị đoan” này. Trên thực tế, việc cúng lễ linh đình làm hao tiền tốn của, vẽ ra lễ lạt to để lấy tiền của khách là chuyện không thiếu ở các đối tượng tự cho mình cái quyền của thầy cúng.

“Làm nghề nào cũng vậy, cốt là ở cái tâm. Nhưng nếu cái tâm không còn được giữ ở môi trường tâm linh thì thật đáng sợ. Ngay như bọn em, tiền thì cần thật đấy, nhất là sinh viên thì càng cần tiền, nhưng đánh mất cái tâm nơi cửa Thánh thì thật sự không dám, bởi thế mình vừa cảm thấy hổ thẹn với chính bản thân, hơn nữa ông Thánh cũng chẳng tha cho đâu, nay tàu, mai xe, tương lai rồi sẽ rõ hết”, T. tâm sự.

Nói về các thủ đoạn trong cái “nghề” này thì không thiếu. H. cho biết: “Khách đến thì đủ thành phần, nhưng đa phần đều là thầy bảo gì nghe nấy, chỉ cần đánh trúng tâm lý thì sau đó bảo gia chủ về… dỡ nhà có khi cũng nghe. Chính vì vậy mà không ít người bị lợi dụng moi tiền moi của.

Thậm chí khi sửa lễ, có 1 thì bảo 10, cái gì không cần thiết cũng đưa vào danh sách cũng lễ. Các khách khi đã tin theo thì những chuyện đó cứ răm rắp nghe theo. Cũng là vừa sợ, vừa để giải quyết khâu tâm lý. Nên muốn để người ta tin theo thì phải tạo được điểm nhấn ban  đầu, phán câu nào phải chắc câu đó. Nhiều thầy đã thành công với các chiêu này”.

Cũng lại có nhiều ông thầy muốn tạo ra cái “thương hiệu” của mình như kiểu làm cao giá. Họ chỉ tiếp khách vào ngày rằm, mùng 1, hoặc vào những ngày lẻ, quy định giờ vào giữa trưa. Cứ quá giờ thì không tiếp khách hoặc đang phán cũng dừng lại đợi đến hôm sau. Rồi lại buông ra những lời phán kiểu thả câu, nửa vời để kích động khách bỏ thêm tiền vào lễ dâng lên ban thờ. Nói chung là đủ các chiêu trò để làm sao mà được thật nhiều tiền cũng như vẫn giữ được cái danh giá của mình”, T. nói thêm.


Theo Lao Động

Bạn có thể quan tâm