Cuối năm 2019, một chủng của virus corona mới được phát hiện tại Trung Quốc, gây ra vụ dịch nghiêm trọng trước lan rộng ra toàn cầu. Ngay sau khi Việt Nam xác định có ca dương tính đầu tiên, các nhà khoa học đã sớm vào cuộc để nghiên cứu phòng ngừa virus corona và dịch bệnh Covid-19.
Nỗi trăn trở của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
Khác với mọi năm, ngày 27, 28 Tết chuẩn bị chào đón năm mới Canh Tý, 300 cán bộ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (VSDTTW) phải khởi động quy trình khẩn cấp khi bệnh viêm phổi mới do virus corona gây ra bắt đầu có những diễn biến khó lường tại Trung Quốc.
GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện VSDTTW, chia sẻ: “Cường độ làm việc dịp Tết ở viện thậm chí còn khẩn trương, vất vả hơn ngày thường vì đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, chúng ta lại ở sát với Trung Quốc”.
Công sức của các nhà khoa học Viện VSDTTW đã được đền đáp khi Việt Nam trở thành nước thứ 4 trên thế giới phân lập thành công chủng virus corona mới, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vaccin trong tương lai, cũng như đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về chủng virus mới với tốc độ lây lan chóng mặt và gây ra nhiều ca tử vong như Covid-19. Viện VSDTTW tiếp tục triển khai nghiên cứu ở quy mô toàn quốc với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học nhằm nhận diện đầy đủ về chủng virus corona.
|
GS Lê Thị Thu Hương mong muốn sớm xây dựng kế hoạch đáp ứng khẩn cấp với những dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19. |
Trong khi đó, hai cán bộ của Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế, gấp rút chuẩn bị lên đường sang Anh ngay khi kỳ nghỉ Tết còn chưa kết thúc. Họ là thành viên của dự án đột xuất nghiên cứu, sản xuất vaccin phòng virus corona theo công nghệ mới.
“Để rút ngắn thời gian chế tạo vaccin, chúng tôi tiến hành một số công đoạn nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của đối tác ở Anh vì ở đó có thể đáp ứng được các yêu cầu về vật liệu và cơ sở vật chất”, TS Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch Công ty Vabiotech, chia sẻ.
Cũng theo TS Đạt, việc tự nghiên cứu, sản xuất vaccin giúp chủ động về nguồn cung, nhất là để phòng ngừa hay chấm dứt một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đặc biệt nghiêm trọng như Covid-19.
GS.TS Lê Thị Thu Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi đang triển khai xây dựng mô hình để dự báo dịch dựa trên các dữ liệu đầu vào như báo cáo về các ca bệnh, tình hình giao lưu, đi lại của người dân, điều kiện môi trường… giống cách các nhà khí tượng dự báo thời tiết, đồng thời ước tính các nguồn lực cần thiết để ứng phó nếu dịch bệnh xảy ra”.
20 tỷ đồng được tài trợ khẩn cấp
3 dự án Viện VSDTTW, Công ty Vabiotech và Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng vừa triển khai nằm trong chương trình tài trợ khẩn cấp trị giá 20 tỷ đồng của Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF thuộc Tập đoàn Vingroup.
Chương trình nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh báo sớm, hướng tới chăm sóc, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Chia sẻ về quá trình 10 ngày xây dựng dự án, từ viết thuyết minh, thông qua hội đồng xét duyệt và ký kết hợp đồng triển khai, TS Đạt thừa nhận điều này chưa hề có trong bất kỳ đề xuất nghiên cứu nào của công ty từ trước đến nay.
“Trong điều kiện dịch bệnh, các nghiên cứu ứng phó được xem là nhiệm vụ khẩn cấp. Muốn làm nhanh, có kết quả sớm thì phải có kinh phí lớn và ngay lập tức. Đây là điều khó thực hiện nếu dùng ngân sách theo quy trình truyền thống”, TS Đạt bộc bạch.
|
Vingroup tài trợ 20 tỷ đồng cho các nhà khoa học Việt với số tiền 20 tỷ đồng. |
Trong khi đó, từng nếm trải nhiều gian nan trong việc xin ngân sách phục vụ nghiên cứu, GS Hương cho biết bà rất ngạc nhiên khi nhận được tài trợ của VinIF.
“Vingroup phản ứng với các hiện tượng xã hội rất nhanh. Không chỉ kịp thời định hướng để các nhà khoa học xây dựng đề tài nghiên cứu, tập đoàn còn chủ động trong việc tài trợ cho các nghiên cứu này”, GS Hương chia sẻ.
PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương, Giám đốc Điều hành Quỹ VinIF cho biết, với vai trò là tổ chức hoạt động nhằm thúc đẩy các nghiên cứu khoa học công nghệ tại Việt Nam, trước diễn biến phức tạp và nguy cấp của dịch Covid-19, VinIF mong muốn tìm được các nhóm nghiên cứu xuất sắc đang nỗ lực hoạt động để có thể tiếp sức cho các nhà khoa học trong việc ứng phó với dịch bệnh.
“Tài trợ cho nghiên cứu, đặc biệt là các dự án khẩn cấp phục vụ cộng đồng là điều bình thường trên thế giới. Các doanh nghiệp coi đóng góp cho xã hội là trách nhiệm của mình. VinIF muốn khởi đầu, tạo tiền đề để nhiều doanh nghiệp khác cùng bước với chúng tôi”, PGS Dương nói.
Bình luận