Không giống như làn sóng dịch bệnh đầu tiên khi một số người giàu đóng góp hào phóng, vai trò của tầng lớp thượng lưu trong làn sóng Covid-19 thứ hai bị đánh giá khá mờ mạt và chỉ mang tính tượng trưng, theo The Straits Times.
Reliance Industries Limited (RIL), thuộc sở hữu của doanh nhân giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani, đã tặng 5 tỷ rupee (68 triệu USD) cho Quỹ PM Cares của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 3 năm ngoái. Lần này, tập đoàn của ông Ambani chỉ tập trung thiết lập các cơ sở chăm sóc Covid-19 và tăng cường khả năng cung cấp oxy.
RIL tuyên bố sản lượng oxy lỏng y tế của họ chiếm hơn 11% tổng sản lượng cả nước và đang được cung cấp miễn phí cho một số bang.
Tỷ phú giàu nhất Ấn Độ, Mukesh Ambani, bị chỉ trích vì đóng góp không đủ trong đại dịch. Ảnh: GQ. |
Nhưng một số người hy vọng nhiều hơn từ các tỷ phú Ấn Độ và cho rằng họ nên quyên góp một cách hào phóng như ông Azim Premji, chủ tịch sáng lập Wipro.
Ông Premji, nhà từ thiện hào phóng nhất đất nước, đã quyên góp nhiều gấp 10 lần bất kỳ tỷ phú Ấn Độ nào khác, theo danh sách từ thiện Edelgive Hurun công bố năm 2020.
Ông cũng được tạp chí Forbes xếp thứ ba trong danh sách các tỷ phú toàn cầu quyên góp cứu trợ đại dịch vào tháng 4 năm ngoái, sau khi cam kết viện trợ nhân đạo và can thiệp y tế 132 triệu USD để hạn chế sự lây lan của Covid-19.
Người giàu vẫn không ngừng giàu lên
Theo The Straits Times giới siêu giàu của Ấn Độ không bị ảnh hưởng tài chính bởi đại dịch. Trên thực tế, họ thậm chí còn giàu hơn trong khi thu nhập của khoảng 230 triệu người Ấn đã giảm xuống dưới mức lương tối thiểu là 375 rupee/ngày (5 USD).
Theo danh sách người giàu toàn cầu mới nhất của Hurun, Ấn Độ có thêm 40 tỷ phú vào năm 2020, nâng tổng số lên 177.
"Sóng thần" Covid-19 tàn phá cuộc sống người nghèo. Ảnh: EPA-EFE. |
Tài sản của người giàu nhất Ấn Độ, ông Ambani, gia tăng 24% và được ước tính vào khoảng 83 tỷ USD. Doanh nhân Gautam Adani, người giàu thứ hai Ấn Độ, cũng tăng gần gấp đôi tài sản lên 32 tỷ USD vào năm ngoái.
Chuyên gia kinh tế S. Subramanian cho rằng chỉ cần đánh thuế một lần 1,61% đối với dưới 1.000 cá nhân có giá trị tài sản cao nhất, quốc gia Nam Á đã có đủ tiền để tiêm chủng cho toàn bộ người dân trong nhóm tuổi 18-45.
Người giàu Ấn Độ thường bị chỉ trích vì không đóng góp đủ cho các quỹ từ thiện.
Phần lớn công việc từ thiện không được trả với tư cách cá nhân, mà thông qua trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã được pháp luật quy định. Các công ty có lợi nhuận lớn có trách nhiệm chi 2% lợi nhuận trung bình trong ba năm qua cho các hoạt động công ích.
"Giọt nước mắt giả tạo"
Sự chỉ trích cũng nhắm vào các diễn viên Bollywood giàu có và những vận động viên cricket nổi tiếng của Ấn Độ.
Ngày 7/5, nữ diễn viên Ấn Độ Anushka Sharma và chồng vận động viên cricket của cô là Virat Kohli, "cặp đôi vàng" của đất nước, đã đăng một video kêu gọi quyên góp từ thiện.
Sharma nói: "Khi đất nước chúng ta phải chống chọi với làn sóng Covid-19 thứ hai và hệ thống chăm sóc sức khỏe phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt, tôi vô cùng đau lòng".
Vợ chồng Anushka Sharma - Virat Kohli đăng video kêu gọi quyên góp giữa tâm dịch. Ảnh: DNA India. |
Thế nhưng, lời kêu gọi của cặp vợ chồng siêu giàu này không được nhiều người đánh giá cao. Nhà báo Sankarshan Thakur cho rằng việc gây quỹ của Sharma và Kohli chỉ mang tính hình thức để góp phần thúc đẩy sự nổi tiếng của họ hơn là có ý nghĩa quyên góp thực sự.
"Ấn Độ thở phào vì những người bình thường đã vươn lên để giúp đỡ số còn lại, không phải vì những người nổi tiếng đang đăng những giọt nước mắt giả tạo và các hợp đồng PR của mình", ông Sankarshan viết.
Cuộc tháo chạy của giới siêu giàu, các ngôi sao Bollywood trước khi nhiều quốc gia ban bố lệnh cấm nhập cảnh đối với người Ấn Độ càng khiến làn sóng phản đối người giàu gia tăng.
Một báo cáo trên tờ The Times of India cho biết một số người thậm chí đã trả hàng nghìn bảng Anh để chạy trốn đến Anh.
Trích dẫn dữ liệu từ FlightAware, một trang web theo dõi các chuyến bay, tờ báo chỉ ra 8 máy bay phản lực tư nhân khởi hành từ Ấn Độ đã hạ cánh xuống Anh đúng một ngày trước khi lệnh cấm du lịch có hiệu lực hôm 23/4.