“Tỏa 2” là sự tiếp nối ý tưởng của “Tỏa” - triển lãm khởi đầu cho VCCA (6/6/2017), với mong muốn lan tỏa nghệ thuật đương đại tới đông đảo công chúng. Triển lãm tôn vinh 34 tác phẩm thuộc nhiều trường phái đa dạng từ hiện thực, biểu hiện, trừu tượng tới sắp đặt… do giám tuyển Mizuki Endo và họa sĩ Phạm An Hải - người đỡ đầu cho nhóm họa sĩ trẻ Viet Art Now cùng lựa chọn.
Bên cạnh các tác phẩm từ 10 nghệ sĩ trẻ là Nguyễn Nghĩa Cương, Hà Phước Duy, Tạ Minh Đức, Phạm Hà Hải, Triệu Minh Hải, Lê Phi Long, Nguyễn Đức Phương, Vũ Đức Trung, Lương Trung, Vũ Ngọc Vĩnh, hai họa sĩ lớp trước
Phạm An Hải và Phạm Bình Chương mang tới 2 tác phẩm tham gia triển lãm như sự đồng hành, tiếp nối giữa các thế hệ trong dòng chảy nghệ thuật đương đại.
Tác phẩm "Nữ hoàng Phương Đông" của Vũ Ngọc Vĩnh. |
“Tỏa 2” đánh dấu sự trở lại của “Tỏa” với tinh thần mang đến những cuộc đối thoại về thẩm mỹ; mở ra không gian tương tác giữa điểm nhìn cá nhân với câu chuyện xã hội; là sân chơi phóng khoáng cho những biến tấu đa dạng của nghệ thuật.
Hơn thế, “Tỏa 2” mở rộng không gian cho những phương thức biểu đạt cách tân và đa dạng: có sự tự vấn, suy nghiệm, là giao lộ của sự chia sẻ giữa nghệ sĩ với nhau cũng như nghệ sĩ với khán giả. Sự tương tác giữa tác phẩm với kiến trúc đặc trưng của không gian trưng bày làm nên những trình hiện và những sắp đặt chỉ có thể thấy ở VCCA.
Tác phẩm "Giọt sương 8" của Phạm Hà Hải . |
Giám đốc Nghệ thuật của VCCA Mizuki Endo chia sẻ: “Đây cũng là sự cách tân của chính VCCA khi muốn thay đổi những cung cách triển lãm vốn có. Triển lãm lần này sẽ trở thành một mô hình chia sẻ mới, nơi tụ hội những hiểu biết sâu sắc về các đối tượng mỹ học, tạo ra những khác biệt, đối lập giàu ý nghĩa”.
Sau một năm hoạt động, VCCA đã khẳng định uy tín với giới chuyên môn và chỗ đứng trong lòng công chúng. Với quy mô và tiêu chuẩn quốc tế, trung tâm sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động, góp phần hình thành và phát triển bền vững cho nghệ thuật và văn hoá hiện đại trong nước; đồng thời tạo cầu nối cho nghệ sĩ Việt Nam chủ động tham gia thị trường nghệ thuật khu vực và thế giới.
Triển lãm mở cửa tự do đến hết ngày 15/7 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) ở B1 - R3, Vincom Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trong khuôn khổ triển lãm, VCCA sẽ tổ chức 3 cuộc tọa đàm nghệ thuật với 10 tác giả vào ngày 16/6, 30/6, 14/7 cùng các hoạt động minishow, workshop. Chương trình chi tiết sẽ được cập nhật trên website và trang fanpage chính thức của trung tâm.
Tác phẩm "Chiều khác" của Lương Trung. |
Thông tin 10 gương mặt nghệ sĩ:
Nghệ sĩ Phạm Hà Hải (1974): tốt nghiệp thạc sĩ mỹ thuật tạo hình chuyên ngành hội hoạ (năm 2005) tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh đạt giải nhì Triển lãm Mỹ thuật sinh viên năm 1997, giải thưởng danh dự tại Triển lãm Mỹ thuật châu Á Philip Morris 1998 - 1999 và huy chương đồng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015.
Nghệ sĩ Hà Phước Duy (1984): Tốt nghiệp Đại học Sài Gòn (1996) và Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Anh là một nghệ sĩ theo trường phái hiện thực, từng đoạt giải nhất Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016.
Nghệ sĩ Lương Trung (1981): Sau khi lấy bằng thạc sĩ hội họa tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2010), hai năm sau Lương Trung đoạt giải thưởng Dogma Art Prize. Tranh của anh mang hơi thở hiện thực xen lẫn tinh thần biếm họa.
Nghệ sĩ Vũ Ngọc Vĩnh (1978): Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2007. Tranh của anh nằm trong bộ sưu tập của nhà vua Morocco và nhiều bộ sưu tập khác trong và ngoài nước.
Nghệ sĩ Nguyễn Nghĩa Cương (1973): Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1996, sau đó trở thành một nghệ sĩ độc lập. Nhiều tác phẩm của anh nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore và một số bộ sưu tập tư nhân...
Tác phẩm "Phía bên kia thiên đường - Đêm" của Vũ Đức Trung. |
Nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương (1982): Tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam năm 2007. Cá tính của anh được thể hiện rõ nét nhất qua các sáng tác khổ nhỏ và đậm nét Á Đông Việt Nam.
Nghệ sĩ Vũ Đức Trung (1981): thạc sĩ tại khoa Sơn mài, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Các sáng tác của Vũ Đức Trung sử dụng chất liệu và kỹ thuật của sơn mài truyền thống Việt Nam để đưa ra những tạo hình mang hơi thở đương đại.
Lê Phi Long (1980): Các tác phẩm của anh chịu ảnh hưởng bởi không gian tinh thần phật giáo đậm nét.
Triệu Minh Hải (1982): Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2007, anh thực hành nghệ thuật đa dạng, trải khắp các phương thức biểu đạt như vẽ, sắp đặt, video, âm thanh...
Tạ Minh Đức (1991): Tốt nghiệp ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 2014. Các tác phẩm do anh biên kịch và đạo diễn chất vấn sự tồn tại và các mối quan hệ trong cuộc sống, sự cô lập của con người và tiềm ẩn bạo lực.