Theo Independent, một báo cáo từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy, tỷ lệ người không uống rượu bia trong độ tuổi 16-24 tăng hơn 40% giữa những năm 2005-2013.
Hiện nay, cứ 5 người lại có một người nói không với đồ uống có cồn. Số trường hợp nghiện rượu đã giảm hơn 1/3, 50 người mới có một trường hợp thường xuyên dùng đồ có cồn. Trên khắp nước Anh, số câu lạc bộ đêm và quán bar bị đóng cửa nhiều đến kinh ngạc.
Sự biến chuyển tích cực này thể hiện rõ nhất trong cộng đồng sinh viên các trường đại học tại Anh. Một nhóm bạn trẻ ở ĐH Kent đã lập ra nhóm Are You Not Drinking Much? (Bạn không uống nhiều rượu?) nhằm kêu gọi mọi người nói không với bia rượu và đồ uống có cồn, nhanh chóng gây được tiếng vang.
Cũng tại khuôn viên trường đại học này, một trong năm quán bar buộc phải đóng cửa hồi năm ngoái do có quá ít khách. Thay vào đó, một ký túc xá mới kèm theo nhà hàng không bán rượu bia được mở ra.
Sau Ken, St Andrews, nhiều trường đại học hiện cũng cấm bia rượu. Phó chủ tịch Hội sinh viên Anh và quản lý chung các hoạt động thu chi - Richard Brooks (23 tuổi) - cho biết, doanh số bán các loại đồ uống có cồn tại quán bar sinh viên đã giảm đáng kể trong vòng 10-15 năm qua.
“Sinh viên giờ không chỉ muốn lui tới các câu lạc bộ hay bar nên ngày càng nhiều các quán cà phê và nhà hàng ăn mọc lên” - Richard chia sẻ.
Các thành viên của nhóm Are You Not Drinking Much? thuộc Đại học Kent. |
Một báo cáo khác cũng cho thấy, hiện sinh viên các trường đại học tại Anh ưa chuộng tham gia tập luyện bài thể dục Crossfit, Bikram yoga (yoga "nóng") hơn là gia nhập Bullingdon (câu lạc bộ nổi tiếng về thành tích uống rượu và hành xử không đúng mực). Nhiều nhà xã hội học cho rằng, sự thay đổi này một phần xuất phát từ sự gia tăng số lượng sinh viên đến từ các quốc gia Hồi giáo, cùng một số nền văn hóa không chuộng rượu bia khác.
Thực tế, còn nhiều nguyên nhân khiến giới trẻ Anh dần bỏ thói quen lui tới các quán bar. Trong đó, 3 lý do chủ yếu là thu nhập thấp, phản ứng ngược lại thói ham mê rượu bia vô độ của các thế hệ trước và sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội.
Hiện nay, mỗi năm, sinh viên Anh cần trả một khoản tiền học phí không nhỏ nên họ phải cân đối thu chi theo cách hợp lý. Đây được coi như nguyên nhân khiến giới trẻ ít tiêu tiền vào các khoản bia rượu.
Trong thập kỷ qua, Anh đã trở thành quốc gia có chi phí rượu đắt đỏ thứ hai châu Âu, chỉ sau Ireland. Vì thế, rượu và các đồ uống có cồn trở thành xa xỉ phẩm đối với người trẻ tại quốc gia này.
Một nam sinh chia sẻ: “Cha nói với tôi rằng, thời ông còn là sinh viên, những người trẻ tuổi hầu như tối nào cũng vào uống rượu. Khác với thế hệ bây giờ, họ chỉ đi bar một hoặc hai lần mỗi tuần vì chi phí quá đắt đỏ”.
Tiến sĩ James Nicholls - Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển chính sách tại Tổ chức Nghiên cứu về rượu ở Vương quốc Anh - cho biết: “Các bạn trẻ giờ hạn chế bia rượu vì không muốn giống thế hệ cha mẹ mình. Điều tương tự đã xảy ra vào những năm 1930, 1980 và có thể lặp lại một lần nữa”.
Vào năm 2005, hình ảnh cô gái say xỉn nằm dài trên ghế ngoài đường trung tâm thành phố Bristol nhanh chóng trở thành mối quan tâm của cả nước Anh. Bức ảnh phản ánh lối sống quá buông thả của một bộ phận giới trẻ thời đó.
Các phương tiện truyền thông nhân dịp này đã phát động chiến dịch nhằm cảnh tỉnh người dân về tác hại bia rượu đối với sức khỏe và hành vi xã hội. Hiện nay, chiến dịch Drink Aware với mục đích tương tự cũng góp phần làm thay đổi suy nghĩ của giới trẻ về đồ uống có cồn.
Bức ảnh cô gái say xỉn trên đường phố Anh đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho lối sống buông thả của một bộ phận giới trẻ những năm 2000. |
Các blogger về sức khỏe hay người nổi tiếng có lối sống khoa học trên mạng được nhắc tới khi nói về lý do khiến giới trẻ ngày càng ít uống rượu.
Họ là những người truyền cảm hứng cho việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể thao để nâng cao sức khỏe và tuyệt đối nói không với bia rượu. Các phương tiện truyền thông xã hội cũng đóng phần không nhỏ trong đó.
Theo tiến sĩ Richard de Visser của Trung tâm Nghiên cứu về trẻ em và thanh thiếu niên, thuộc Đại học Sussex, những người trẻ tuổi sợ khi say sẽ không thể kiểm soát bản thân. Nhiều hình ảnh không đẹp có thể bị chụp lại và trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội vào hôm sau. Vì vậy, suy cho cùng, mạng xã hội cũng làm giảm nhu cầu về rượu.
Tiến sĩ Richard de Visser cho hay: “Các bạn trẻ nghiện rượu vẫn còn rất nhiều. Song điều đáng mừng là số người cai rượu thành công cũng đang tăng lên đáng kể trong những năm trở lại đây”.