Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ đồng tính mừng vì được công khai đám cưới

Nhiều cặp đôi đồng tính đã bày tỏ niềm vui khi dự thảo mới về luật hôn nhân gia đình đã không còn cấm họ được phép chung sống với nhau và tổ chức đám cưới.

Sáng 17/9, hội thảo Người đồng tính, song tính và chuyển giới bày tỏ chính kiến về dự thảo sửa đổi một số điều của luật hôn nhân gia đình đã thu hút đông đảo sự tham gia của cộng đồng LGBT và các chuyên gia.

Đông đảo các cặp đôi đồng tính tham dự hội thảo.

Ý kiến của người trong cuộc

Chu Thanh Hà - đại diện cho nhóm 6+ tâm sự: “Em đã có một giấc mơ cách đây 5 năm. Kể từ ngày em tham gia vào các hoạt động của người đồng tính và được sống là chính mình. Trong cuộc hành trình ấy có nụ cười, nước mắt và thậm chỉ cả đau thương. Trong 5 năm ấy, em đã bắt đầu mơ về một gia đình, được nắm tay những đứa con của mình như bao cặp vợ chồng khác.

Bởi bất cứ ai trong cuộc đời này đều mong muốn được hạnh phúc trọn vẹn. Vậy tại sao chúng em không được công nhận. Với người trẻ như em cuộc hành trình này mới chỉ bắt đầu, nhưng sẽ là muộn đối với các những người anh, người chị, người bác trong cộng đồng. Vì vậy, một điều chắc chắn rằng chúng em sẽ không bao giờ bỏ cuộc vì luôn muốn được yêu thương”.

Nguyễn Thị Thu Phương - một cô gái thuộc cộng đồng LGBT - chia sẻ: “Việc công nhận hôn nhân đồng giới cần một bước đệm. Bởi mọi sự thay đổi đều cần có sự chuẩn bị tư tưởng, dân trí, tâm lý xã hội từ trước đó. Thực tế, nhiều người lên tiếng ủng hộ công nhận kết hôn đồng giới nhưng có thể chỉ là bề nổi. Vì chưa chắc họ đã có sự hiểu biết rõ về cộng đồng.

Vì vậy, trong thời gian tới em muốn được thừa nhận về mặt dân sự, để không có chuyện công an phường hay tổ dân phố can thiệp vào những đám cưới đồng tính hay cuộc sống của họ, còn thừa nhận mặt pháp lý thì vẫn cần có lộ trình”.

Không đồng tình với ý kiến trên, bạn Huy - một đại diện khác của cộng đồng - cho rằng: “Suy nghĩ cần có một bước đệm là nguy hiểm. Tôi muốn đặt câu hỏi với các bạn là tại sao những người dị tính 18 tuổi đã đủ quyền, còn chúng ta vẫn phải chờ. Việc hôn nhân bình đẳng không phải sản phẩm của pháp luật mà là điều pháp luật phải thừa nhận.

Nhưng khi cầm dự thảo không nhìn thấy từ cấm, tôi đã rất mừng, bởi điều đó chứng tỏ xã hội đã bắt đầu chuyển động”. 

Cần có một bước đệm

Là chuyên gia trực tiếp tham gia vào quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Tiến sĩ Bùi Minh Hồng cho rằng vấn đề chung sống như vợ chồng cũng như đòi quyền kết hôn của những người đồng tính là nội dung quan trọng và cần được nghiêm cứu nghiêm túc, toàn diện.

Tiến sĩ Bùi Minh Hồng.

Theo ông, Dự thảo đưa hai nội dung được xem như cải cách đó là chính thức bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người đồng tính và giải quyết quan hệ về tài sản, con cái.

Ông Hồng cũng khẳng định về cơ bản xã hội Việt Nam đã có sự thay đổi rất nhiều trong cách đánh giá, nhìn nhận về các cặp vợ chồng đồng giới. Bởi năm 2000, quan niệm về vấn đề này còn rất hạn chế, nhiều người còn cho rằng đó là bệnh. Vì vậy, đa phần các chuyên gia khi tiến hành sửa đổi luật đều cho rằng cần công nhận quyền chung sống của họ.

Theo dự thảo những cặp đôi đồng tính hoàn toàn có quyền được chung sống và tổ chức đám cưới và được pháp luật bảo vệ như những cặp đôi dị tính không đăng ký kết hôn.

Tuy nhiên, quan điểm của chúng ta từ rất lâu đã cho rằng hôn nhân là của hai người dị tính, chứ không phải trong một gia đình có hai người mẹ hoặc hai người cha. Chính vì thế, hầu hết các chuyên gia quan điểm cần xem xét vấn đề công nhận về mặt pháp lý việc hết hôn đồng giới cần được tiến hành từng bước và có lộ trình.

Sau khi lắng nghe những ý kiến của những bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBT, ông Hồng cho biết sẽ báo cáo với đại diện Bộ Tư pháp để đảm bảo quyền và lợi ích của các cá nhân, công dân.

 

An Hoàng

Bạn có thể quan tâm