Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Giới trẻ gặp phiền phức vì chưa già đã lẫn

Nhiều người cho rằng giảm trí nhớ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Nhưng áp lực từ công việc, học tập, thói quen xấu, đang khiến nhiều người trẻ đối mặt vấn đề này.

Chúng ta có những cái “quên” là bình thường mà không phải bệnh. Ảnh: Ladeanwarner.

Do trí nhớ kém, luôn trong trạng thái “quên trước quên sau” mà Thanh Nga (24 tuổi, sống tại Hà Nội) nhiều lần bị sếp “dọa” đuổi việc. Căng thẳng và công việc quá tải khiến cô luôn trong trạng thái uể oải, thiếu ngủ dẫn đến suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung kém.

Ngọc Ánh (25 tuổi, sống tại Hà Nội) cũng liên tục phải đối mặt với chứng hay quên. Ánh cho biết điều này ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, đặc biệt là chất lượng công việc của cô.

Quên ngay trong giây lát

Ngọc Tú (27 tuổi, sống tại Hà Nội) là bác sĩ phẫu thuật, thời gian làm việc thường kéo dài đến đêm khuya hoặc sáng sớm khiến anh không được nghỉ ngơi đủ.

Dù đã viết ra danh sách những công việc cần phải làm trên điện thoại, Tú vẫn không thoát được cảnh “nhớ nhớ quên quên”.

Chua gia da lan anh 1

Ngọc Tú chọn cách cài thời gian cụ thể cho từng công việc trên điện thoại để tránh bỏ sót. Ảnh: NVCC.

Thậm chí, trong sinh hoạt thường ngày, Ngọc Tú cũng hay quên điện thoại, chìa khóa, ví tiền, nhiều lúc đang đeo khẩu trang nhưng lại tìm khẩu trang mọi nơi.

“Thỉnh thoảng đi làm về muộn, tôi còn quên đóng cửa nhà, may mắn là gia đình không mất mát gì”, anh chia sẻ.

Nhận thấy bản thân thường xuyên rơi vào tình trạng “não cá vàng”, Ngọc Tú cố gắng điều chỉnh thời gian sinh hoạt mỗi ngày, bổ sung thêm những thực phẩm tốt cho trí nhớ để cải thiện tình trạng.

Trong khi đó, vì công việc phải di chuyển thường xuyên tới các địa điểm để làm việc với khách hàng, Ngọc Ánh luôn cẩn thận viết ra giấy các đầu công việc để tránh bỏ sót.

Tuy nhiên, vì phải xử lý lượng công việc lớn trong thời gian ngắn, cô vẫn mắc phải một số sai lầm trầm trọng như quên hộ chiếu, giấy tờ tùy thân trước khi ra sân bay. Hậu quả là cô phải mất thêm tiền để đổi vé, thậm chí mất cả hợp đồng quan trọng của công ty.

Loay hoay chữa bệnh "đãng trí"

Sau khi bị sếp và đồng nghiệp chỉ trích, Ngọc Ánh chọn cách nhận thêm nhiều việc để chuộc lỗi. Tuy nhiên, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, mất tập trung, nói trước quên sau. Thậm chí, không ít lần dù đã đặt thông báo trên điện thoại, công việc bận rộn khiến cô tiện tay tắt đi, quên cả lịch họp.

Chua gia da lan anh 2

Tình trạng dễ quên của Ngọc Ánh xuất phát từ những căng thẳng trong công việc, khi cô liên tục phải xử lý công việc xuyên đêm. Ảnh: NVCC.

Sau thời gian dài khủng hoảng, cô quyết định đến gặp bác sĩ để tìm cách chữa trị. Bác sĩ tại bệnh viện kết luận cô bị suy giảm trí nhớ tạm thời do áp lực từ công việc và cuộc sống.

Tương tự, Thanh Nga (24 tuổi, Hà Nội) cho biết kể từ khi mắc Covid-19, cô thường xuyên cảm thấy mơ hồ, khó ghi nhớ và dễ quên.

Cô cảm thấy lo ngại vì tình trạng suy giảm trí nhớ vốn xuất hiện phổ biến ở người già.

Để yên tâm hơn, Thanh Nga chọn khám tại các cơ sở uy tín để tìm ra giải pháp. Sau khi hiểu được nguyên nhân của tình trạng trên có thể bắt nguồn từ những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống, công việc, cô vẫn gặp khó khăn khi không thể thoát khỏi chúng.

“Tôi đang làm nhiều công việc cùng lúc nhằm tăng thu nhập. Dù biết bản thân phải điều chỉnh lối sống sinh hoạt và giờ ăn giấc ngủ, tôi vẫn không tránh được chuyện thức khuya, bỏ bữa để kịp deadline”, Thanh Nga chia sẻ.

Một cuộc thăm dò quốc gia của Trending Machine cho thấy những người trẻ từ 18 đến 34 tuổi nhiều khả năng quên hôm nay là ngày gì (chiếm 15%), nơi họ để chìa khóa (chiếm 14%), quên mang theo bữa trưa (chiếm 9%), thậm chí quên việc mình đã đi tắm hay chưa (chiếm 6%).

Vì sao người trẻ thường "não cá vàng"?

Theo TS.BS Đinh Vinh Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, đôi khi chúng ta quên vài việc trong cuộc sống hàng ngày hay chỉ quên trong thời gian ngắn thì không phải căn bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ.

Nhưng khi sự lãng quên này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt mỗi ngày như không nhớ đường về nhà, bạn phải coi chừng đây là bệnh lý sa sút trí tuệ - Alzheimer.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Khánh, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP.HCM, cho biết "thủ phạm" của chứng hay quên thường từ các nguyên nhân như stress, áp lực, mất ngủ, dinh dưỡng thiếu hụt...

"Thần kinh căng thẳng làm chúng ta khó tập trung do stress làm biển đổi chất dẫn truyền thần kinh xấu trong não và làm giảm tốc độ phản ứng với sự vật. Chúng khiến con người khó tập trung suy nghĩ, dễ phân tán tư tưởng và giải quyết vấn đề chậm chạp. Lâu ngày làm não bộ suy giảm chức năng và trí nhớ sa sút dần", bác sĩ Khánh phân tích.

Những người thường gặp tình trạng thiếu ngủ cũng hay quên hơn. Tình trạng thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc làm luồng thông tin về vỏ não trước trán ngưng trệ và làm mất trí nhớ ngắn hạn hoặc mau quên.

Chua gia da lan anh 3

BSCKI Nguyễn Hữu Khánh, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Khánh nhấn mạnh nhu cầu giấc ngủ của mỗi người là 7-8 giờ/ngày. Chất lượng giấc ngủ phải đủ sâu, sau ngủ cơ thể tỉnh táo, không mệt mỏi và phải loại bỏ những ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài.

Dinh dưỡng cũng là phần không thể thiếu của một bộ não khỏe mạnh. Các vấn đề như thiếu máu do thiếu sắt làm chúng ta mệt mỏi, chóng mặt, da vẻ xanh xao. Điều này khi cộng hưởng với áp lực trong cuộc sống có thể dẫn đến tình trạng hay quên ở người trẻ.

Suy tuyến giáp hoặc thiếu vitamin B12 là thường gặp nhất trong nhóm nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ phải cần điều trị bằng thuốc. Khi khám, bác sĩ sẽ tư vấn và làm xét nghiệm tổng quát, kèm thêm xét nghiệm chức năng tuyến giáp, vitamin B12 để đánh giá loại trừ nguyên nhân này.

Tác động của các gốc tự do cũng là nguyên nhân suy giảm trí nhớ ở người trẻ. Nó được sinh ra trong quá trình chuyển hóa bình thường cơ thể hàng ngày. Các gốc tự do này thường tác động lên các mô chứa nhiều lipid, đặc biệt là não - nơi chiếm đến 60% lipid của cơ thể.

Do đó, ở người trẻ, các hoạt động chuyển hóa diễn ra mạnh mẽ sinh nhiều gốc tự do và tăng nguy cơ gây hư hỏng tế bào thần kinh. Đặc biệt là khi cơ thể phải tiêu thụ các loại thức ăn nhanh, nhiều năng lượng, chất kích thích hoặc ở trong trạng thái stress, mất ngủ... não bộ bị tổn thương và gây chứng suy giảm trí nhớ ở người trẻ.

"Khi cơ thể cùng lúc phải làm quá nhiều việc, bộ não sẽ làm việc quá tải và đó chính là một trong những nguyên nhân gây quên ở người trẻ. Tốt nhất là bạn nên tập trung làm tốt một việc ở một thời điểm, sắp xếp công việc hợp lý tránh việc cùng lúc phải giải quyết nhiều vấn đề", bác sĩ Khánh nói.

Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị bệnh lại có nguy cơ giảm trí nhớ vì ức chế chất dẫn truyền thần kinh. Tuy nhiên, về mặt cân nhắc lợi ích và nguy cơ, bạn muốn ngưng thuốc phải có sự đồng ý của bác sĩ điều trị. Giảm trí nhớ do thuốc có thể cải thiện được khi ngưng thuốc.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

Cách đảo ngược bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu

Giảm cân, thay đổi cách ăn, tập thể dục thường xuyên có thể giúp người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cải thiện tình trạng và tránh biến chứng nghiêm trọng.

Phương Nghi - Phương Anh

Bạn có thể quan tâm