Ở tuổi 19, Tung, người từ chối tiết lộ họ tên đầy đủ, không ra khỏi nhà trong suốt một năm. Cô lủi thủi trong căn hộ rộng chừng 32,5 m2 của cha mẹ ở Tin Shui Wai, Hong Kong.
Cô không mắc kẹt. Cô không bị bệnh. Cô chỉ muốn… một mình.
Trong khoảng thời gian đó, mỗi ngày, Tung thức dậy vào khoảng giữa trưa, tránh mặt cha mẹ, chị gái, chỉ vẽ tranh. Cô luôn nhìn chằm chằm vào tường.
Tiến sĩ Paul Wong, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Hong Kong, nói với South China Morning Post, Tung nằm trong số 140.000 thanh thiếu niên Hong Kong đang cố chạy trốn tuổi trẻ, cách ly bản thân với thế giới bên ngoài.
Ông ước tính có tới 2% dân số Hong Kong gặp trường hợp tương tự, cao hơn đáng kể so với ở Nhật Bản với tỷ lệ ước tính từ 0,4-1,2%.
Ở Nhật Bản, những người trẻ tuổi như Tung được biết đến với cái tên hikikomori, xu hướng trốn tránh xã hội cực đoan. Họ không ra khỏi nhà, thờ ơ với mọi thứ bên ngoài bức tường phòng ngủ, đốt thời gian bằng game, phim hoạt hình, rượu hoặc ma túy.
Ngày càng nhiều thanh thiếu niên Hong Kong tự nhốt mình trong phòng, cách ly với thế giới bên ngoài. |
Tự suy ngẫm hay thù hận?
Một bác sĩ tâm thần ở Nhật Bản đã đưa ra thuật ngữ hikikomori vào giữa những năm 1990. Lúc đó, tiến sĩ Wong cho biết có khoảng 1 triệu hikikomori tại Nhật Bản. Thậm chí, có một hikikomori đã xuống tay với cha mẹ vì họ gây áp lực, buộc anh ta bước ra khỏi nhà. Sau đó, Từ điển tiếng Anh Oxford đưa thuật ngữ hikikomori vào phiên bản mới nhất, đồng nghĩa với việc nó được biết đến trên toàn cầu.
Vấn đề của Tung bắt đầu sau khi cô đạt kết quả không tốt trong kỳ thi Văn ở trường. Trong khi bạn bè và chị gái cô đang bận rộn lên kế hoạch cho tương lai, Tung như lơ lửng trong đám sương mù hỗn độn, không chắc chắn.
“Tôi gửi đơn xin việc nhưng không ai trả lời. Bạn bè đã quyết định xong sự nghiệp của họ. Có một khoảng cách giữa chúng tôi. Tôi như một người ngoài cuộc”, Tung nhớ lại, “Tôi không muốn giao tiếp và tôi chỉ ở nhà. Tôi thấy rất lo lắng nhưng chỉ đứng đó và không làm gì cả”.
Cha mẹ Tung không hiểu tình trạng của cô. Họ không ngừng xoáy sâu bằng câu hỏi tại sao cô không tìm được việc, so sánh cô với những người xung quanh. Tung càng trở nên cô lập.
Tung, nữ sinh Hong Kong, tự tách mình khỏi gia đình và xã hội. |
“Tôi chỉ sử dụng thời gian đó để suy nghĩ và tự ghét mình. Tôi cầm những cây cọ vẽ hàng giờ, cho đến khi cha mẹ về. Tôi thực sự không biết chuyện gì đã xảy ra trong những giờ đó”, Tung kể.
Không giống ở Nhật Bản, nơi hiện tượng hikikomori đã được công bố rộng rãi, có rất ít nhận thức về những người như Tung ở Hong Kong.
“Cha mẹ tôi có thể tức giận và thất vọng. Họ nói những câu như: sao chỉ ở nhà cả ngày? sao cứ suốt ngày bấm điện thoại? sao không đi chơi với bạn? chí ít cũng phải ra ngoài và làm gì đó chứ?”. Tôi không bao giờ trả lời. Tôi không còn hứng thú. Ngay cả khi họ nói điều gì đó không liên quan, tôi vẫn nghĩ họ đang bắt nạt mình”, nữ sinh nói.
Cha mẹ Tung muốn cô theo đuổi một công việc bình thường và không nghĩ vẽ tranh là một nghề dễ kiếm sống. Đây cũng là nguyên nhân chính ngăn cách Tung và cha mẹ.
Nhà tâm lý học Wong nói rằng giới trẻ châu Á, đặc biệt là trong các xã hội trọng Nho giáo, dễ bị hikikomori hơn vì kỳ vọng lớn từ các bậc phụ huynh và xã hội.
“Đây không phải là vấn đề tâm thần. Rất khó để tìm ra lý do sinh học cho loại hành vi này. Nó liên quan nhiều hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội học và nuôi dạy con cái”, tiến sĩ Wong nói.
Để thoát khỏi những câu hỏi không hồi kết của cha mẹ, cuối cùng, Tùng nộp đơn vào chương trình đào tạo và tuyển dụng cho những người từ 15 đến 24 tuổi. Tại đây, cô được giới thiệu đến CLAP For Youth, nơi giúp đỡ những thanh thiếu niên gặp vấn đề như Tung.
Việc Tung công khai giúp đỡ khiến cô trở nên bất thường. |
‘Giống Tarzan và người hoang dã’
Việc Tùng công khai tìm kiếm sự giúp đỡ khiến cô trở nên bất thường. Hầu hết thanh niên giống cô luôn giấu mặt. Thông thường, chính cha mẹ của họ sẽ mời các nhân viên xã hội nhưng các thanh thiếu niên này từ chối gặp cố vấn.
Tổ chức điều hành một trong các nhóm của CLAP For Youth, đang làm việc với 1.600 thanh niên giấu mặt.
Một góc phòng đầy những dụng cụ vẽ tranh của Tung. |
Quản lý nhóm Jack Chiu Tak-choi cho biết: “Những người trẻ tuổi này không dễ tìm. Họ chỉ muốn trốn trong phòng. Chúng thường trông giống Tarzan hoặc người hoang dã, với mái tóc dài và vẻ ngoài không chăm chút vì quá lâu chưa ra khỏi phòng”.
Theo ông Chiu, khoảng một nửa số thanh niên trốn tránh xã hội có các vấn đề tâm thần liên quan khác như trầm cảm, lo lắng hoặc tự kỉ. Hầu hết muốn được quay lại xã hội nhưng không sẵn sàng.
Một số thanh niên giấu mặt có thể không ra khỏi nhà trong 10 năm hoặc hơn, phổ biến nhất là từ 3-8 năm. Thách thức lớn nhất là tìm cách kéo những người này ra khỏi lớp vỏ do chính họ tạo ra, đưa họ trở lại với trường học và công việc.
Thông thường, anime, manga và cosplay và những sở thích chung của thanh thiếu niên giấu mặt khiến họ dễ mở lòng nói chuyện hơn. CLAP từng tổ chức một chuyến đi đến Tokyo vào năm ngoái.
Bước đột phá của Tung là khi cô bắt đầu tương tác với con chó tại văn phòng CLAP và đến thăm nơi trú ẩn động vật như một phần trong liệu pháp của cô.
Phương pháp hỗ trợ trị liệu bằng động vật vực dậy Tung sau 2 năm. |
Debbie Ngai, người sáng lập Hiệp hội động vật hỗ trợ trị liệu Hong Kong, nói: “Liệu pháp trị liệu hỗ trợ bởi động vật giúp con người hiểu được cảm xúc mình. Mục tiêu của chúng tôi là khiến mọi người thấy được vẻ đẹp và giá trị của bản thân, dạy cách hiểu và điều khiển cảm xúc”.
Đối với thanh thiếu niên trốn tránh xã hội, một chuyến đi đến nơi trú ẩn của những con vật sợ hãi và bị ruồng bỏ, có thể tạo ra sự khác biệt.
Tung cảm thấy thân thuộc với hai chú chó lai ở nơi trú ẩn và chúng giúp cô quay lại với thế giới bên ngoài.
Cô đã hoàn thành khóa học vẽ một năm tại trường đại học và bán được hai bức tranh trong buổi triển lãm đầu tiên.
Quan trọng hơn, Tung, hiện 22 tuổi, đang lên kế hoạch cho một cuộc sống bình thường.