Taylor Robertson không ngờ rằng năm thứ nhất đại học của mình sẽ diễn ra tại nhà. Phần lớn năm 2020, chàng trai 21 tuổi không đặt chân đến trường kể từ khi các tiết học diễn ra trực tuyến vào tháng 3, theo The Atlantic.
Năm nay, hầu như những người anh biết đều trở lại cuộc sống “bình thường”.
“Họ không muốn nói về Covid-19 nữa. Thực sự, đó không phải là điều mọi người thích làm. Có gì để bàn tán về đại dịch này ngoài việc nó trở thành một thứ chán chường mà chúng ta phải sống chung từ nay về sau?”, Robertson nói.
Anh nhắc lại một cảm giác chung đã thấm nhuần vào lối sống và tâm trí của nhiều người trẻ như anh - những người phải bỏ lỡ trải nghiệm, mối quan hệ bạn bè, cùng các dấu mốc quan trọng của cuộc đời trong 2 năm gián đoạn do Covid-19.
Đó là cảm giác cần phải bù đắp khoảng thời gian đã mất, đồng thời lấy lại cảm giác bình thường ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 tăng lên và các biến thể mới xuất hiện thêm.
Giới trẻ Mỹ không còn ý định trì hoãn cuộc sống thêm vì Covid-19. Ảnh: Sasha Charoensub. |
Đối với Gen Z (1996-2012) và thế hệ Zillennials (sinh năm 1993-1998), một lần nữa họ được học tập và làm việc trực tiếp; ăn uống và nhảy múa trong nhà; tổ chức sinh nhật, ăn mừng ngày lễ và đi du lịch.
Họ không có kế hoạch dừng lại, bất chấp biến chủng Omicron.
Mong muốn trở lại bình thường
Tương tự nhiều sinh viên khác, Robertson nhận ra mô hình học online không phù hợp với mình. Một năm học vốn đã khó khăn nay lại càng thêm căng thẳng khi anh chật vật tiếp thu bài giảng trực tuyến.
Nhận được tin hầu hết lớp học duy trì trực tuyến vào mùa thu năm 2020, Robertson quyết định nghỉ cả học kỳ. Anh sẽ làm gì nếu vẫn chưa được trở lại trường vào các năm học tiếp theo lại là một câu hỏi khác, gây nản lòng hơn.
Một năm sau, mọi lớp học của Robertson đều diễn ra trực tiếp trên giảng đường. Nhà trường đề ra quy định tiêm vaccine và đeo khẩu trang trong nhà.
Lễ Tạ ơn năm nay, nhà của cha mẹ anh chật kín người ghé qua. Mùa đông này, anh sẽ lại tụ tập với gia đình tại một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết.
Hiện vẫn còn quá sớm để xác định giai đoạn Omicron của đại dịch sẽ gây ảnh hưởng thế nào tới người dân Mỹ.
Trước đó, với đặc tính dễ lây lan hơn chủng ban đầu, biến chủng Delta cản phá các lễ hội mùa hè bằng số ca nhiễm đột phá và gia tăng trong cộng đồng những người chưa tiêm vaccine.
Song, những người trẻ hiện không còn lo lắng. Một phần đến từ sự mệt mỏi vì đại dịch, nhưng phần lớn là bởi kết quả của phép tính rủi ro mới của người trẻ về cách họ muốn sống.
“Thành thật mà nói, nếu có vấn đề gì, tôi cảm thấy mình sẽ suy nghĩ kiểu ‘Tôi tiêm vaccine rồi nên không lo Covid-19 đâu’”, Jacob (23 tuổi), sống ở thành phố Baltimore (bang Maryland), nói. Anh sẽ bay đến Vương quốc Anh để gặp gia đình trong kỳ nghỉ lễ tới đây.
Nhiều bạn trẻ đã quá chán nản với diễn biến của đại dịch và muốn trở lại cuộc sống bình thường - được học tập, làm việc và du lịch. Ảnh: Gabriella Clare Marino/Unsplash. |
Một số người trẻ khác lo lắng về bài kiểm tra cuối kỳ, xin việc và gặp gỡ bạn bè trước kỳ nghỉ lễ. Họ muốn thực hiện nhiều chuyến du lịch hơn và đi xem hòa nhạc.
Những mong muốn này phản ánh cảm giác kiệt sức bởi những tin tức bi quan và chán ghét sự cô lập do Covid-19. Các cuộc phong tỏa và giãn cách xã hội trong năm 2020 tác động đặc biệt đến giới trẻ, tạo nên làn sóng căng thẳng mới, khiến cho việc hẹn hò, kết bạn và học tập của họ trở nên khó khăn.
Sự gián đoạn đáng kể do Covid-19 đã xảy ra ở những giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển con người họ.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của AP-NORC, gần một nửa Gen Z cho biết đại dịch khiến các mục tiêu giáo dục và nghề nghiệp của họ trở nên khó đạt được hơn. Số liệu tương tự phản ánh rằng Covid-19 làm hạn chế khả năng kết bạn và duy trì tình bạn của họ.
Trong 20 tháng qua, việc hẹn hò và duy trì mối quan hệ tình cảm của giới trẻ Mỹ cũng trở nên khó khăn hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác.
Không còn quá lo âu
Dù vậy, người trẻ vẫn thể hiện sự kiên cường. Họ thích nghi với việc sống chung cùng đại dịch - thực hiện xét nghiệm, đeo khẩu trang, đối mặt với “bình thường mới” với kiến thức về giảm thiểu rủi ro.
“Thật khác khi sống ở Florida. Tôi cảm giác như tiểu bang hành động như thể đại dịch không tồn tại”, Kelsey (24 tuổi), làm việc trong ngành nhân sự ở thành phố Tampa (bang Florida), nói.
Kelsey cho biết cô thận trọng hơn khi sống giữa đại dịch bởi hầu hết thành viên gia đình cô đều có hệ miễn dịch yếu.
Mặc dù dự định trở thành giáo viên sau khi tốt nghiệp đại dịch, cô đã thay đổi nghề nghiệp vì cho rằng việc tiếp xúc với trẻ em là quá rủi ro. Nhưng cuộc sống của cô đã dần cải thiện kể từ khi tiêm vaccine đầu năm nay.
Đầu tiên, Kelsey ghé thăm công viên giải trí Disney World, rồi đến New York để gặp gỡ bạn bè. Ngoài ra, vì cô và gia đình đều là fan môn khúc côn cầu, Kelsey mong muốn được xem đội Tampa Bay Lightning thi đấu vào dịp năm mới.
“Chúng tôi tuân thủ các biện pháp phòng ngừa Covid-19 nhiều nhất có thể. Và tôi cảm thấy ổn hơn nhờ đã tiêm vaccine. Tôi không còn quá âu lo như trước”, cô chia sẻ.
Gen Z là thế hệ bị hạn chế nhất về khả năng kết bạn và duy trì các mối quan hệ trong đại dịch. Ảnh: AleksandarNakic/E+. |
Carisa Parrish, nhà tâm lý học trẻ em tại Đại học Johns Hopkins, không thấy lạ khi giới trẻ muốn quay trở lại cuộc sống thường nhật sau khoảng thời gian dài bị cô lập, mất mát và không chắc chắn.
Nhưng đồng thời, bà không nhận thấy đủ sự quan tâm hoặc thừa nhận về những điều mà thanh thiếu niên bị mất trong năm đầu tiên của đại dịch. Bà và các đồng nghiệp được cảnh báo bởi tỷ lệ lo âu và trầm cảm ở những đối tượng này trong đại dịch.
Nhưng trong khi tiếc nuối vì phải bỏ lỡ dạ hội cuối năm, lễ tốt nghiệp và những chuyến đi cùng bạn bè, người trẻ vẫn tạo ra nhiều kỷ niệm và cột mốc mới, đơn giản như những xu hướng, trào lưu lãng mạn hóa trên mạng xã hội.
Khao khát trở lại bình thường của Gen Z Mỹ có thể một phần bắt nguồn từ thực tế rằng họ không phải chịu gánh nặng nhập viện và tử vong. Đặc quyền kinh tế xã hội cũng tách biệt một số khỏi hoàn cảnh khắc nghiệt mà những người có xuất thân nghèo khổ phải đối mặt.
“Khao khát bắt nguồn từ sự kiệt quệ chung của giới trẻ đối với lượng thông tin về đại dịch nhận được, cũng như nhiều người không nhất thiết chịu ảnh hưởng trực/gián tiếp bởi virus”, nhà tâm lý học Parrish chia sẻ.
“Họ chưa mắc bệnh; gia đình họ không ai ốm; họ không có người quen nào qua đời vì Covid-19… Những điều đó là một dạng ‘bất khả chiến bại’ của tuổi mới lớn, như ‘Tất cả điều tồi tệ bạn nhắc đến xảy ra với người khác thôi, không phải tôi’”, bà nói thêm.