Nhiều lần thấy Ayla Wing (26 tuổi, New York) đeo máy trợ thính, các học sinh cấp hai của cô thường buột miệng nhận xét: “Bà của em cũng có chúng”.
Thiết bị mà Wing đang dùng có phần hiện đại hơn các máy trợ thính truyền thống: kết nối với Bluetooth, chuyển đổi giữa các cài đặt tùy chọn bằng một lần chạm. Cô gái có thể dùng nó để tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, như trên chuyến tàu điện ngầm ồn ào hay trong quán bar với tiếng nhạc bật ầm ĩ.
Theo NY Times, một loạt máy trợ thính mới đã được tung ra thị trường Mỹ trong những năm gần đây. Trái với đối tượng sử dụng chủ yếu trước đây là người già, giờ nhóm khách hàng trẻ tuổi lại là những cá nhân hứng thú và chi tiền cho loại sản phẩm này.
Chuyên gia cho rằng lý do đến từ 2 yếu tố: các vấn đề về thính giác xuất hiện ở độ tuổi sớm hơn và xu hướng mua sắm thiết bị âm thanh công nghệ đắt tiền cho đôi tai.
Ayla Wing thường đeo máy trợ thính trong lúc giảng dạy. Ảnh: NY Times. |
Nguy cơ điếc
Thông thường, một số mẫu mới, ví dụ như máy trợ thính của Wing, được sản xuất bởi các thương hiệu y tế truyền thống và cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tư vấn.
Song, năm ngoái, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã mở cửa thị trường, cho phép bán máy trợ thính không cần chỉ định. Một số thương hiệu chuyên về âm thanh, như Sony và Jabra, nhanh chóng tung sản phẩm mới cho phân khúc này, với thiết kế và tính năng thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi.
Pete Bilzerian (25 tuổi, bang Virginia) đeo máy trợ thính từ năm 7 tuổi, cho biết: “Các mẫu mới có kích thước nhỏ hơn, thời trang và kết nối được với điện thoại, so với những thiết kế to bản, chạy vòng qua tai truyền thống”.
Các chuyên gia cho biết những người trong độ tuổi 20 như Bilzerian đang tìm đến những thứ giúp họ chống tiếng ồn là điều dễ hiểu.
Theo ước tính gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, khoảng 1/5 người Mỹ ở độ tuổi 30 bị tổn thương thính giác do ô nhiễm âm thanh. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, hơn một tỷ thanh niên trên toàn cầu có nguy cơ bị mất thính lực do tiếng ồn.
Rất khó xác định chính xác số lượng thanh niên cần hoặc phải sử dụng máy trợ thính, nhưng cả nhà sản xuất thiết bị và chuyên gia y tế ở Mỹ đều tin rằng nhu cầu đang tăng lên.
Sự ra đời của nhiều loại máy trợ thính không cần kê đơn giúp khách hàng 20-30 tuổi mua dễ dàng. Ảnh: Today Online. |
Nhà sản xuất hàng đầu ở mảng này, Phonak, cho biết số lượng người Mỹ trong độ tuổi từ 22 đến 54 chi tiền cho máy trợ thính đã tăng 14% trong giai đoạn 2017-2021, so với mức tăng của người dùng ở mọi lứa tuổi khác.
“Trong thập kỷ qua, chúng tôi đã chứng kiến nhiều thanh niên có ý thức bảo vệ đôi tai hơn”, bác sĩ Catherine Palmer, giám đốc khoa Thính học tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh, nhận xét.
Sự kỳ thị với máy trợ thính
Thiết bị trợ thính là sản phẩm ít nhiều mang khoảng cách thế hệ. Theo dữ liệu thu thập vào 3 thập kỷ trước bởi tổ chức nghiên cứu người tiêu dùng MarkeTrak, những người đeo máy trợ thính thường bị cho là kém hấp dẫn, kém trẻ trung, đầu óc không minh mẫn.
Tuy nhiên, gần đây, tổ chức này cho biết trong một báo cáo, rằng người dùng nó giờ “hiếm khi hoặc không thấy xấu hổ”. Thái độ đã thay đổi khi công nghệ phát triển và nhiều người trẻ sẵn sàng thử.
Rào cản hiện tại là giá thành. Hầu hết máy trợ thính đắt tiền, đặc biệt đối với những người không có bảo hiểm y tế, có giá từ 1.000 USD trở lên.
Mặc dù sự xuất hiện của máy trợ thính không kê đơn đã mang đến nhiều lựa chọn mới, nó cũng khiến việc chọn mua phức tạp hơn. Có hàng tá nhãn hiệu để cân nhắc, từ loại nhỏ, nhét vào trong cho đến loại sử dụng vòng cung kim loại dài quanh tai.
Tổ chức Y tế Thế giới từng chỉ ra rằng đông người trẻ dùng tai nghe sai cách và ước tính sẽ có khoảng 1,1 tỷ thanh niên có nguy cơ bị mất thính lực do thói quen này. Ảnh: Soundly. |
Blake Cadwell (32 tuổi, Los Angeles) cho biết khi tìm mua, người đàn ông như lạc vào ma trận thông tin và không biết bắt đầu từ đâu. Sau đó, Cadwell tự tạo một trang web cho phép người dùng so sánh các nhãn hiệu và giá cả của các loại máy.
Trong khi sự kỳ thị có thể mờ dần, nó chưa hoàn toàn biến mất.
Juliann Zhou, sinh viên quốc tế 22 tuổi tại Đại học New York, đi kiểm tra thính lực và được chẩn đoán là ù tai do mất thính lực ở mức trung bình. Tuy nhiên, cô ấy vẫn chưa mua máy trợ thính theo lời khuyên của bác sĩ.
Lý do là cha mẹ và bác sĩ gia đình ở Trung Quốc nói rằng chúng “chỉ dành cho người già”. “Tôi chỉ không biết liệu nó có cần thiết không,” cô nói.
Zhou đoán rằng mình đã "nghe nhạc quá to” nên khả năng nghe có vấn đề. Câu chuyện này không hề hiếm, thậm chí ngày càng phổ biến.
Mặc dù không có dữ liệu theo dõi dài hạn, Hiệp hội Khiếm thính Mỹ ước tính rằng 12,5% người Mỹ trong độ tuổi từ 6 đến 19 bị mất thính lực do nghe nhạc lớn, đặc biệt là qua tai nghe với mức âm lượng không an toàn.
Đối với những người cần chúng, việc xuất hiện nhiều bên hỗ trợ mua tự do mới dễ dàng hơn nhiều hơn so với đi khám rồi lấy đơn chỉ định.
Zina Jawadi (27 tuổi, sinh viên trường y tại Đại học California, Los Angeles), cho biết những người đồng trang lứa với mình chắc chắn sẽ chọn mua theo con đường này.
Còn với Wing, nữ giáo viên quyết định mua máy trợ thính mới chỉ vài tháng trước khi bước sang tuổi 26 và hết quyền tiếp cận với chương trình bảo hiểm y tế của cha mẹ.
Nếu không, máy trợ thính theo toa trị giá 4.000 USD nằm ngoài khả năng chi trả của cô. Cô gái quan ngại về độ bền và hiệu quả của các loại mới ra trên thị trường, và hy vọng thiết bị mình mua sẽ có độ bền ít nhất 5 năm.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Nói với Zing, Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.