Eva MacDonald (19 tuổi, đến từ Lincolnshire, Anh) luôn lo lắng mỗi khi gặp người lạ.
“Tôi thiếu các kỹ năng xã hội vì mặc cảm. Tôi luôn cố tình né tránh việc tương tác với bất kỳ ai. Thậm chí, tôi còn không trả lời điện thoại hay chuông cửa. Tôi tin rằng mọi người luôn đánh giá trước khi chúng tôi trở nên thân thiết”, Eva nói.
Vì thế, cô đang cố gắng lấy lại sự tự tin. 9X lên kế hoạch đến trường nhạc để được đào tạo thành ca sĩ nhạc cổ điển sau khi tham gia công việc tình nguyện.
Theo Dailymail, nhiều nghiên cứu cho thấy sử dụng quá nhiều các trang mạng và ứng dựng như Facebook, Twitter và Instagram có thể khiến giới trẻ hình thành những cảm giác tiêu cực như tự đại, bất an và hành vi cưỡng bức.
Mạng xã hội khiến càng nhiều người trẻ thấy cô đơn. |
Sau khi khảo sát 1.000 thanh thiếu niên độ tuổi 12-17, tổ chức National Citizen Service Trust cho biết, 6/10 người luôn thấy cô đơn, 1/20 người không bao giờ dành thời gian cho bạn bè ngoài giờ học tại trường.
Sunday Times dẫn lời ông Michael Lynas - Giám đốc điều hành của tổ chức - cho biết: Sự thiếu quan tâm về hội nhập xã hội và cô đơn ở thế hệ trẻ có thể ảnh hưởng mức độ hạnh phúc trong tương lai, cũng như gây hại tới nền kinh tế Anh.
Dựa trên một nghiên cứu của trường King's College London, phái đẹp thường cảm thấy cô đơn hơn nam giới. 1/3 người được hỏi nói rằng, họ hiếm khi cảm nhận được sự yêu quý từ bạn bè.
“Cô đơn xuất hiện nhiều hơn ở thanh thiếu niên khi họ bắt đầu tự lập, đồng thời ảnh hưởng đến số lượng người bạn tương tác mỗi ngày. Cô đơn cũng gắn liền lo lắng và trầm cảm.
Nếu xuất hiện ở tuổi dậy thì và không được điều trị, tình trạng cô đơn có thể khiến các bạn trẻ phải chịu hậu quả suốt đời”, tiến sĩ Jennifer Lau, người phụ trách nghiên cứu của King’s College, nói.
Bên cạnh những vấn đề về tâm lý, người trẻ còn đánh mất nhiều kỹ năng nếu quá ham mê mạng xã hội. |
“Kỹ năng xã hội luôn được xếp hạng cao trong danh sách ưu tiên của nhà tuyển dụng, vì họ khó có thể dạy chúng. Các bạn trẻ nên học và rèn luyện từ sớm trước khi đi xin việc”, tiến sĩ nói thêm.
Tháng 2 vừa qua, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng sử dụng mạng xã hội không đúng cách có thể dẫn đến nhiều hành động vô đạo đức.
Logan Annisette - nhà tâm lý học tại Đại học Windsor (Ontario, Canada), đồng thời phụ trách nghiên cứu - nói rằng, những ảnh hưởng về đạo đức có thể trải dài trên diện rộng.
“Thường xuyên sử dụng mạng xã hội gây ra một số tác động tiêu cực đối với nhận thức của con người và đạo đức cũng có thể bị tổn hại. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc học tập, hình thành các mối quan hệ xã hội. Đây là hai nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với các bạn trẻ - nhóm tuổi sử dụng mạng xã hội nhiều nhất”, Logan khẳng định.