Theo Daily Mail, Yuto Onishi (18 tuổi) đã gần ba năm nay cắt đứt liên lạc với gia đình và bạn bè. Anh gần như không rời khỏi phòng của mình ở Tokyo (Nhật Bản).
Onishi ngủ cả ngày, thức trắng đêm để lên mạng hay đọc truyện tranh. Anh chỉ ra khỏi nhà khi mua đồ ăn vào lúc nửa đêm để tránh giao thiệp với bất kỳ ai.
Những người mắc chứng "Hikikomori" thường cắt đứt liên lạc với gia đình, bạn bè. Họ vẫn sinh hoạt, ăn uống như người bình thường nhưng lại nhốt mình trong bốn bức tường. |
Hiện nay, gần một triệu người trẻ Nhật Bản (phần lớn trong lứa tuổi 15-20) mắc phải chứng bệnh này. Nó là gánh nặng cho gia đình, ảnh hưởng lớn tới kinh tế nước Nhật. Những người mắc “Hikikomori” thường được gọi bằng cái tên “thế hệ biến mất”.
Tiến sĩ Takahiro Kato - thuộc Đại học Kyuushu (Nhật Bản) - đang cố gắng nghiên cứu giúp thế hệ trẻ Nhật thoát khỏi chứng bệnh này. Tiến sĩ trả lời phỏng vấn trên ABC News: "Ở các quốc gia phương Tây, nếu một người ở trong phòng quá lâu sẽ có người bảo họ nên ra ngoài. Nhưng ở Nhật thì không như vậy.
Công việc và giao tiếp xã hội của họ bị điều khiển bởi công nghệ, văn hoá. Người Nhật luôn hướng nội, khiêm tốn, nhún nhường và bị áp lực nếu họ không có địa vị xã hội. Họ cũng phụ thuộc nhiều vào mẹ”.
“Hơn nữa, Nhật Bản đã trải qua sự sụt giảm kinh tế những năm 1990, khi điểm số tốt không giúp người dân đỗ trường đại học uy tín hay tìm được việc làm ưng ý. Do đó, thế hệ trẻ dần chuyển sang làm những công việc bán thời gian, khiến họ cảm thấy tủi nhục” - giáo sư Andy Furlong của trường đại học Glasgow (Anh Quốc), chia sẻ với trang BBC.
Một buổi trị liệu cho bệnh nhân "Hikikomori" của tiến sĩ Kato. Họ phải học cách giao tiếp để có thể trở lại với xã hội. |
Tiến sỹ Kato cho rằng, nguyên nhân và cách chữa trị cho chứng bệnh này vẫn chưa được tìm ra. Nhưng ông đang cố gắng để những người trẻ Nhật không “biến mất” một lần nữa.
Người bệnh có thể bình phục nếu có sự giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình. Họ cũng phải tham gia vào quá trình phục hồi.