Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ níu giữ tình yêu bằng cái chết

Ngày 10/11/2014, chàng sinh viên năm 3 bất ngờ nhảy xuống sông Sài Gòn trước mặt bạn gái và anh trai. Vụ việc khiến nhiều người lo ngại về cách níu giữ tình yêu của giới trẻ.

Liên tiếp xảy ra những vụ tự tử vì tình

Kết thúc của những câu chuyện tình yêu chỉ còn lại là bi kịch là điều không còn hiếm thấy trong các câu chuyện về giới trẻ. Cuối năm 2014, liên tiếp các vụ tự tử xảy ra chỉ trong thời gian ngắn. Chỉ trong vòng 20 ngày của tháng 11, có 3 vụ nhảy cầu xảy ra trước mặt người yêu được đăng tải trên truyền thông khiến nhiều người giật mình.

Ngày 10/11/2014, chàng sinh viên năm thứ 3 tại TP HCM bất ngờ trèo qua thành cầu, nhảy xuống sông trước mặt bạn gái và anh trai. Hành động quá nhanh khiến cả hai người không kịp phản ứng, ngăn cản. Tương tự, ở Đồng Nai xảy ra hai vụ tự tử liên tiếp là nam sinh 17 tuổi ngày 26/11 và cô gái trẻ ngày 4/12.

Ba vụ tự tử trên đều xảy ra sau những cuộc trò chuyện căng thẳng. Họ dùng cái chết để níu giữ những khoảnh khắc đẹp trong quá khứ, chứng minh tình yêu.  

Anh Đặng Anh Tuấn thẫn thờ trong bệnh viện sau khi không thể cứu được bạn gái mình trong vụ tự tửtrên cầu Đồng Nai (TP.Biên Hòa). Ảnh: Như Quỳnh.
Anh Đặng Anh Tuấn thẫn thờ trong bệnh viện sau khi không thể cứu được bạn gái mình trong vụ tự tử trên cầu Đồng Nai ngày 4/12 (TP Biên Hòa). Ảnh: Như Quỳnh.

Không chỉ tự tử trước mặt người yêu mà nghiêm trọng hơn là trường hợp cả hai cùng chết. Ngày 22/1, sự việc cặp đôi 15 tuổi tự tử vì tình gây chấn động. Đặng Văn Tuấn và Chíu Thị Linh (cùng sinh năm 2000, tỉnh Đắk Lắk) đã uống thuốc diệt cỏ. Sáng 25/1 Tuấn tử vong, còn Linh đến 11h trưa ngày 27/1 cũng đã qua đời.

Mối tình của đôi trẻ bị gia đình 2 bên phản đối vì có mối quan hệ thông gia, không phù hợp với phong tục của người Dao. Họ coi sự ra đi vĩnh viễn là cách ở bên nhau và khiến người ở lại phải ân hận suốt đời.

Ngày càng có nhiều vụ tự tử vì tình chấn động dư luận. Ảnh minh họa.

Thậm chí, có những trường hợp tự tử bất thành nhưng cũng không thể níu giữ tình yêu ở lại. Tâm sự của cô gái M.H (Hà Nội) rất gần gũi với cuộc sống của các bạn trẻ thời hiện đại.

M.H cho biết, sau khi chia tay, cô liên tiếp rơi vào khủng hoảng và nghĩ đến cái chết. Cô thường viết những lời tuyệt mệnh trên Facebook để giải tỏa, mong muốn người yêu thương mình mà quay trở lại.

“Em chỉ muốn sống trong quá khứ, không dám đối diện với hiện tại, càng không thể nghĩ ngợi cho tương lai. Ở cùng kỷ niệm, em được hạnh phúc trong tình yêu. Vì vậy em lựa chọn cái chết để chỉ được sống trong cảm giác đẹp đó”.

“Nhưng tự tử không thành do em được đưa vào bệnh viện kịp thời. Anh có đến chăm sóc, khi tỉnh dậy em van xin anh nhưng em biết, khi ra viện anh vẫn bỏ em mà đi” - là lời tâm sự của cô.

Lúc này, M.H rất ân hận về quyết định tự tử của mình trước kia. Cô chia sẻ: "Anh nói, nếu nối lại tình xưa sẽ sợ một ngày cãi vã và em làm chuyện dại dột tương tự. Vậy, cái chết đã không níu giữ được tình yêu mà trở thành một rào cản lớn vô hình".

Sự chạy trốn ích kỷ

Trên đây là vô số tình cảnh đau thương khi níu giữ tình yêu bằng cái chết.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa khẳng định: “Tự tử là một hành động tiêu cực đến cực độ. Bởi, khi gặp chuyện khó khăn hay bế tắc, thay vì tìm cách giải quyết thì người ta lại hướng đến sự ra đi vĩnh viễn”.

TS. Tâm lý Trịnh Trung Hòa.
TS. Tâm lý Trịnh Trung Hòa.

"Những người tự tử vì tình thường là con gái. Họ bị bội bạc sau khi dâng hiến tất cả cho người yêu. Tôi cho rằng, mỗi con người khi tán tỉnh ai cũng đều có kỹ năng, và cần biết cách chia tay. Nếu người ta bỏ ra hàng năm trời để theo đuổi một mối tình thì cũng nên mất cả tháng để giảm dần sự quan tâm, tránh tạo tâm lý sốc khi hết yêu" - ông Hòa chia sẻ.

Theo chuyên gia tâm lý, người tự tử vì tình do họ còn yêu quá bản năng, chưa suy nghĩ chín chắn. Họ lấy cái chết để níu giữ tình yêu, trả thù những người đã phụ bạc, ngăn cản.

Nhiều người quan niệm “chết là hết”, song thực tế, sau những vụ tự sát họ đã khiến người thân phải đau lòng, hổ thẹn. Tôi đã từng gặp trường hợp những người nhà của cá nhân tự tử không chịu đựng được áp lực, đã sống đầy day dứt.

"Tự tử là cách chạy trốn của người ích kỷ, họ không hề đáng thương mà chỉ đáng trách. Bởi họ không nghĩ đến ai, không báo đáp bố mẹ, coi thường mạng sống" - TS Trịnh Trung Hòa nhấn mạnh.

Để thoát ra khỏi những bế tắc sau khi tình yêu tan vỡ, chuyên gia khẳng định, tình yêu là một phần quan trọng nhưng không phải là tất cả. Bởi vậy, khi yêu không nên cắt bỏ các mối quan hệ khác, từ bỏ mọi thú vui để chỉ còn lại duy nhất. Đến khi chia tay, con người ta sẽ có cảm giác mất đi tất cả.

Nếm trái cấm ngay lần đầu gặp mặt, thiếu nữ phải tìm tư vấn

Đó là tình huống oái oăm mà tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn gặp phải trong quá trình làm việc của mình.

 

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm