Những con số biết nói
Trong khi các phương tiện giao thông ngày càng gia tăng thì ý thức tham gia giao thông của con người lại ngày càng xuống cấp, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Theo điều tra của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 đến 35, gần 80% sinh viên đi xe máy không có giấy phép lái xe, 95% sinh viên điều khiển xe sai kỹ thuật.
Đặc biệt nhiều học sinh, sinh viên không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường. Những con số này cho thấy rằng ý thức tham gia giao thông của học sinh, sinh viên - thế hệ làm chủ tương lai còn rất kém.
Đi xe xịn, không cần đội mũ bảo hiểm. |
Bất chấp các biển hiệu đường một chiều, hai chiều, bất chấp giải phân cách, vạch vôi chỉ rõ làn đường, các bạn trẻ vẫn dàn hàng ba, hàng bốn đi vào chiều ngược lại. Họ có lý do rất chính đáng như: “Chỉ còn một đoạn là đến trường, sang đường vòng lại vừa xa lại vừa mất thời gian”. Nhưng họ không biết rằng sự tiện lợi cho cá nhân mình lại chính là những bất lợi và nguy hiểm cho tất cả những người đang tham gia giao thông.
Có thể nói, hành vi vi phạm giao thông phổ biến nhất của sinh viên là chở quá số người quy định và không đội mũ bảo hiểm. Hình ảnh “năm anh em trên một chiếc xe máy” đã không còn xa lạ đối với người đi đường. Mỗi chiếc xe theo quy định chỉ được chở không quá hai người thì lại phải “oằn mình” chở ba, chở bốn… Những chiếc mũ bảo hiểm treo lơ lửng tại góc xe không được chủ nhân sử dụng.
Hay mũ bảo hiểm chỉ treo ở xe để đối phó. |
Nguy hiểm hơn cả là tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu. Những bạn đầu đội trần phóng như bay trên khắp các tuyến đường, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm không chỉ cho bản thân mà còn cho những người đang di chuyển xung quanh.
Tất cả những hành vi vi phạm trên gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Rất nhiều tai nạn đã xảy ra, chỉ vì một phút nông nổi mà nhiều bạn trẻ đã phải ra đi ngay ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Theo thống kê của ban An toàn giao thông, số người chết do tai nạn giao thông lớn nhất ở độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi (chiếm 49% người chết). Đó thật sự là con số đáng báo động về hậu quả của việc thiếu ý thức khi tham gia giao thông của giới trẻ hiện nay.
Sinh viên nhờn luật
Hàng năm ở Việt Nam có hàng nghìn vụ tai nạn giao thông (nhiều nhất là xe máy), tuy nhiên một bộ phận giới trẻ lại không nhận thức được rõ hiểm họa này. Đã có rất nhiều biện pháp được đưa ra và thực hiện để nâng cao ý thức tham giao giao thông cho tầng lớp học sinh, sinh viên. Về phía nhà trường các giải pháp được đưa ra là treo khẩu hiệu, biển hiệu “An toàn giao thông” trong trường, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật giao thông, các khóa tập huấn, các buổi học ngoại khóa về văn hóa giao thông…
Về phía Nhà nước, đã có cả một chế tài xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm giao thông không chỉ cho học sinh, sinh viên mà cho tất cả mọi người. Về phía gia đình và xã hội đã có không ít những lời cảnh cáo, khuyên răn, tuyên truyền… Nhưng dường như các giải pháp đó vẫn bị các sinh viên “vô hiệu hóa” và những hành vi vi phạm vẫn diễn ra một cách “vô tư”.
Cả nhóm sinh viên đua nhau đi ngược chiều trên đường Cầu Giấy. |
Bạn Dương Thị Oanh (sinh viên năm nhất, lớp Thông tin đối ngoại K33, trường học viện Báo chí - Tuyên truyền) chia sẻ: “Đi đường mình nhìn thấy rất nhiều hành vi chướng tai gai mắt của các bạn sinh viên như: vượt đèn đỏ, đèo ba, đèo bốn, không đội mũ bảo hiểm… Việc thực hiện an toàn giao thông không chỉ là chấp hành Luật pháp mà còn là bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình mà không hiểu sao các bạn sinh viên vẫn không làm được”.
Bạn Lê Thị Thủy (sinh viên năm cuối trường đại học Luật Hà Nội) tâm sự: “Mình thấy việc vi phạm an toàn giao thông của các bạn sinh viên không phải hoàn toàn là do ý thức mà một phần là do kiến thức về Luật giao thông của các bạn rất kém. Có nhiều bạn đến khi bị cảnh sát giao thông bắt và xử phạt rồi mà vẫn không biết mình vi phạm lỗi gì”.
Bạn Bùi Xuân Thành (sinh viên năm cuối, Ủy viên BCH Đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: “Đoàn trường mình đã có rất nhiều hoạt động phổ biến và ngăn chặn những hành vi vi phạm giao thông cho các sinh viên trong trường, nhưng “trật tự” được hai ba ngày rồi đâu lại vào đấy. Ví dụ như việc rất nhỏ là đến cổng trường xuống xe tắt máy mà đội thanh niên xung kích chúng mình cứ phải “go gắn” mãi mà vẫn không được. Ý thức giới trẻ hiện nay về an toàn giao thông quả thật rất kém”.
Việc xóa bỏ những hình ảnh xấu của sinh viên khi tham gia giao thông vẫn là một câu chuyện dài. Nhưng điều quan trọng nhất là mỗi sinh viên cũng cần có ý thức thay đổi thái độ và hành vi của mình để những hành vi giao thông của họ không trở thành nỗi sợ hãi cho người đi đường.