Khoác trên mình chiếc áo xanh tình nguyện, chàng sinh viên năm cuối ĐH Thương mại Nguyễn Hiếu Công cùng với nhóm bạn của mình vẫn đứng nhìn vào trong ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Do không thể sắp xếp thời gian xếp hàng vào viếng, nên bạn đã quyết định dành trọn đêm cuối cùng này để đứng ngoài tưởng nhớ Đại tướng.
Nguyễn Hiếu Công và nhóm bạn của mình vẫn đứng bên ngoài nhà Đại tướng dù đã quá nửa đêm. |
Hiếu Công chia sẻ: “Mình rất thích Lịch sử và đọc nhiều sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù là thế hệ đi sau, chưa một lần tiếp xúc với Đại tướng nhưng đối với mình đó là một người anh hùng vĩ đại, quyết đoán và kiên trì”.
Phương Thảo - cô gái duy nhất trong nhóm sinh viên này cũng xúc động chia sẻ: “Dù chưa có cơ hội được tiếp xúc với Đại tướng nhưng khi đi qua con đường này, lòng mình cảm thấy nao nao như chính người thân qua đời. Vì vậy đêm nay chúng mình đã quyết định ở đây để được tưởng nhớ đến người”.
Là một trong những sinh viên tình nguyện được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần cuối, Nguyễn Xuân Đức (ĐH Tài chính Ngân hàng) cho biết: “Mình đã tham gia công việc giúp đỡ đám tang của gia đình Đại tướng suốt ba ngày qua. Cuối ngày nào mình cũng vào viếng Đại tướng”.
Vì vậy khi biết đây là đêm cuối cùng được nhìn thấy di ảnh của vị anh hùng dân tộc, sự nuối tiếc hiện hữu rõ rệt trên khuôn mặt chàng sinh viên.
Một cô gái trẻ bồi hồi nhìn vào bên trong ngôi nhà của Đại tướng sau khi cánh cửa đã khép lại. |
Trong suốt những ngày góp phần phục vụ tang lễ, điều khiến Xuân Đức ấn tượng nhất đó chính là tình cảm của người dân trên khắp mọi miền tổ quốc dành cho Đại tướng. Đức kể lại: “Có những cụ già lặn lội từ những tỉnh thành rất xa vẫn xuống đây xếp hàng để được vào viếng Đại tướng. Điều đó làm mình rất cảm động”.
Tiếc nuối vì không được vào tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phạm Phương Linh (học sinh lớp 12, THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) tâm sự vào những giây phút khi cánh cửa nhà Đại tướng vừa khép lại: “Cả gia đình mình không tin được khi nghe tin Đại tướng từ trần. Mẹ đã rơm rớm nước mắt khi thời sự đọc cáo phó. Đại tướng là một vị anh hùng tài ba của dân tộc, vì vậy dù không phải thân thích, rất nhiều người dân, thậm chí nhiều bạn trẻ vẫn rơi nước mắt vì sự ra đi của người”.
Còn Nguyễn Thanh Tùng (THPT Lý Thái Tổ): “Sáng nay mình đã đến xếp hàng để mong được vào tưởng niệm Đại tướng nhưng không có cơ hội được vào và còn phải về đi học. Khi nghe tin được xếp hàng cả đêm để vào tưởng niệm, mình đã lập tức tranh thủ thời gian để đến đây. Mình cảm thấy rất tiếc khi không còn được vào trong”.
Thanh Tùng mồ hôi đầm đìa vì vừa cố gắng thật nhanh đến nhà Đại tướng khi nghe tin được xếp hàng cả đêm để vào viếng. |
Dù chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, nhưng có lẽ đối với những người trẻ vẫn còn ở lại bên ngoài số nhà 30 Hoàng Diệu, chỉ để nhìn vào trong tưởng niệm vị anh hùng của dân tộc trong đêm cuối cùng, đây là giây phút thiêng liêng mà họ sẽ trân trọng và không bao giờ quên.