Vào mỗi cuối tuần, hơn 20 cửa hàng board game tại quận Gangding, Quảng Châu luôn trong tình trạng kín chỗ. Các buổi tụ tập thường được tổ chức từ 8 giờ tối và kéo dài tới 2 giờ sáng.
Dù không gian nhỏ hẹp, khung giờ éo le, những địa điểm này vẫn thu hút đông đảo người chơi. Họ thường lập thành nhiều nhóm nhỏ, trò chuyện và hẹn gặp thông qua WeChat.
Đôi khi, cuộc chơi kịch tính đến mức khi về nhà, không ít người nằm mơ thấy mình đang suy tính nước đi tiếp theo.
Xu hướng board game đang dần phổ biến tại xứ tỷ dân. |
Vài năm gần đây, board game, hay trò chơi cờ bàn, đang ngày càng phổ biến tại Trung Quốc. Một trong những game được ưa chuộng nhất thuộc thể loại này là "Ma sói". Nhiều người đùa rằng trò chơi có sức gây nghiện tựa "mạt chược thế hệ mới".
Song, xu hướng ưa chuộng board game của giới trẻ xứ tỷ dân không hoàn toàn xuất phát từ sở thích. Thực chất, trò chơi này như một hình thức giúp người chơi tạm thoát ly cuộc sống tẻ nhạt, căng thẳng hàng ngày.
Thoát ly nhịp sống cũ
Trái với dáng vẻ thảnh thơi của các mẹ, các dì bên bàn mạt chược, người chơi board game chủ yếu là những người trẻ tuổi, làm việc văn phòng và luôn bù đầu vì công việc.
Họ tự gọi mình là "gia súc văn phòng" - thuật ngữ chỉ những người chỉ biết đến công việc, nặng gánh cơm áo gạo tiền.
Trả lời Sixth Tone, Phó giáo sư Liu Tingting tại ĐH Jinan (Quảng Châu) cho biết người lao động Trung Quốc ngày nay làm việc ít nhất 10 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần, thậm chí thường xuyên tăng ca.
Ngày càng nhiều nhân viên văn phòng trẻ tuổi tại Trung Quốc ưa chuộng chơi board game để giải tỏa áp lực. |
Quá mệt mỏi với nhịp sống quẩn quanh giữa nhà và công ty, họ tìm đến các cửa hàng board game để giải tỏa áp lực, tìm lại niềm vui dù phải thức đến 2-3 giờ sáng.
Một phóng viên họ Jin, 24 tuổi, nói với Sixth Tone rằng bản thân đã làm việc suốt 10 ngày liên tục. Vì vậy, cô quyết định bù đắp khoảng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi buổi tối bằng cách chơi "Ma sói" 3 đêm liên tiếp.
"Mỗi ngày, tôi dậy lúc 6 giờ sáng, chen chúc trên tàu điện ngầm để tới tòa soạn và chỉ về nhà sau 9 giờ tối. Dù mệt mỏi, buồn ngủ cỡ nào đi nữa, tôi vẫn muốn chơi game. Nếu không, tôi thấy đời mình quá vô vị", nữ phóng viên bày tỏ.
Nỗi chán chường mà Jin thể hiện là tình trạng chung của không ít dân văn phòng xứ tỷ dân. Tính chất lặp đi lặp lại trong công việc khiến họ cảm thấy thui chột sức sáng tạo, thiếu kết nối với các mối quan hệ xã hội. Chỉ khi tham gia trò chơi, những người trẻ này mới thực sự thư giãn.
Mở rộng vòng bạn bè
Ngày nay, nhiều chủ tiệm board game ở Trung Quốc chọn mở cửa hàng tại các trung tâm thương mại để đáp ứng nhu cầu và thời gian rảnh của người chơi. Như vậy, nhân viên văn phòng có thể ghé chơi ngay sau giờ làm việc.
Bên cạnh việc giải tỏa căng thẳng, nhiều người tìm đến nơi này để giao lưu do không có nhiều cơ hội gặp gỡ những gương mặt mới. Chỉ sau vài ván game, người chơi có thể làm quen, mở rộng vòng bạn bè.
Trò chơi board game có thể trở thành cơ hội để giới trẻ gặp gỡ, giao lưu với những người chơi lạ mặt. |
Hơn thế, không ít trường hợp lai coi đây là dịp tìm kiếm cơ hội hợp tác. "Tôi từng phỏng vấn một người chơi làm môi giới bất động sản. Anh ta kể rằng năm ngoái đã bán được 3 căn nhà cho khách hàng gặp gỡ tại các buổi chơi game như vậy", Phó giáo sư Liu nói.
Khi trào lưu "Ma sói" lan rộng, Liu tiết lộ một chuyên gia IT từng sử dụng trò chơi này để tuyển dụng nhân sự. Thông qua một vài ván game, cô quan sát biểu hiện của các ứng viên và chọn ra người sắc sảo, năng nổ, đáng tin và có khả năng làm việc nhóm cho vị trí chuyên viên ở chi nhánh nước ngoài.
"Có nhiều người không thắng cuộc, song họ cho thấy khả năng giao tiếp, thuyết phục và phân tích tình huống xuất sắc. Đó là những tiêu chí chúng tôi tìm kiếm", chuyên gia IT này lý giải.