Quỹ dân số già hóa nhanh chóng, khó khăn trong tìm kiếm việc làm và mức lương thấp đang trở thành nỗi lo của giới trẻ. Ảnh minh họa: Dave Tacon. |
Đứng trước thách thức lớn khi tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng cao, mức lương thấp và tốc độ lão hóa dân số nhanh chóng, một bộ phận người lao động trẻ tuổi ở Trung Quốc từ chối việc tiết kiệm cho hưu trí, Business Insider đưa tin.
"Hưởng hưu trí ư? Tôi còn không hy vọng rằng mình có thể nhận được khoản tiền đó”, Tao Swift (30 tuổi, Thành Đô, Trung Quốc) chia sẻ.
The New York Times cho biết những lo ngại về tính bền vững của hệ thống hưu trí là một trong những lý do khiến Gen Z Trung Quốc không “mặn mà” với việc tiết kiệm.
Theo BBC News, khoảng 300 triệu công dân Trung Quốc trong độ tuổi 50-60 sẽ nghỉ hưu trong thập kỷ tới. Đây là nhóm nhân khẩu học lớn nhất của quốc gia, gần bằng quy mô dân số của cả nước Mỹ.
The New York Times cũng cho biết, trong vòng 25 năm tới, phần lớn dân số Trung Quốc sẽ vượt quá độ tuổi nghỉ hưu trung bình của quốc gia là 54 tuổi.
Với những thách thức về hưu trí, việc Gen Z Trung Quốc có xu hướng không mặn mà với tiết kiệm là điều dễ hiểu. Ảnh minh họa: Gilles Sabrié. |
So sánh với độ tuổi nghỉ hưu trung bình, được ghi nhận vào năm 2020, của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 63,4 tuổi đối với nữ và 64,2 tuổi đối với nam, Trung Quốc có độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất thế giới.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán quỹ hưu trí công sẽ hết tiền trong thập kỷ tới. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh giảm liên tục đồng nghĩa với số lượng người lao động gia nhập thị trường cũng giảm.
Năm ngoái, Zhou Xiaochuan, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương, cho biết nhiều người Trung Quốc có thể cần phải dựa vào tiền tiết kiệm hưu trí tư nhân do thiếu hụt quỹ hưu trí.
Dù được chính phủ khuyến khích việc tiết kiệm, thế hệ lao động Gen Z và Millennials không phải ai cũng tin rằng họ sẽ nhận được số tiền đó.
“Lời kêu gọi của chính phủ không thực sự thuyết phục. Tình trạng dân số già hóa hiện nay đang khiến mọi người hoài nghi về lương hưu trong tương lai”, Lumiere Chen (27 tuổi, Bắc Kinh, Trung Quốc), nhân viên bảo hiểm tư nhân, chia sẻ.
Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng "lỗ hổng" quỹ hưu trí ngày càng lớn, khiến việc đảm bảo an sinh cho người cao tuổi ngày càng trở nên khó khăn. Ảnh minh họa: Bloomberg. |
Theo Tao Wang, Trưởng bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại UBS, nhận định hoài nghi trên là hợp lý. Theo ông, giải pháp cho hiện trạng trên là nâng cao độ tuổi nghỉ hưu "đang ở mức thấp đáng báo động". Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hành động cụ thể nào được thực hiện.
Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp và mức lương thấp cũng khiến giới trẻ trên các diễn đàn mạng xã hội đặt câu hỏi cho khả năng tiết kiệm hưu trí.
Dữ liệu công bố vào tháng 1/2024 từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 tính đến tháng 12/2023 là 14,9%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 25-29 và 30-59 lần lượt là 6,1% và 3,9%.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.