Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ tự làm bánh Trung thu khi ở nhà giãn cách

Trong thời điểm thành phố giãn cách, nhiều bạn trẻ đã học và tự làm bánh Trung Thu tại nhà để cùng gia đình đón Tết Đoàn viên.

Năm nay, thay vì đón Tết Trung thu ngoài phố nhộn nhịp, Mai Dung (18 tuổi, TP.HCM), tân sinh viên ngành Dược của ĐH Công nghệ TP.HCM, phá cỗ tại nhà cùng gia đình. Cô dành thời gian để làm bánh nướng có hình thù ngộ nghĩnh.

Dung đã làm bánh được khoảng 3 năm, xuất phát từ sở thích cá nhân. Những năm trước, cô thường gửi tặng bánh Trung thu cho bạn bè và người thân.

"Nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, tôi chỉ có thể tự làm bánh để ăn cùng gia đình”, cô chia sẻ với Zing.

Nữ sinh cho biết việc mua nguyên liệu cho những người làm bánh tại nhà như cô hiện rất khó. Nhiều cửa hàng đóng cửa, nguồn nguyên liệu thiếu hụt, trong khi giá cả tăng.

Tuy nhiên, cô vẫn cố gắng đong đếm để có thể thay đổi đa dạng vị bánh phù hợp sở thích gia đình, như đậu xanh, đậu đỏ, trà xanh, trà đào…

“Thực ra, nhà tôi không còn ai là thiếu nhi nữa hết, nhưng tôi vẫn thích tự làm bánh, nặn hình. Cảm giác ăn bánh tự làm vẫn vui và ngon hơn”, cô nói.

Tương tự Mai Dung, nhiều bạn trẻ chọn cách tự làm bánh nướng, bánh dẻo tại nhà để có thể cùng gia đình đón Tết Đoàn viên trong thời điểm một số tỉnh, thành phố vẫn thực hiện giãn cách xã hội.

Trung thu không xa cách

Đối với Diệp Ngọc (21 tuổi, Hà Nội), sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cảm giác háo hức đón Trung thu năm nay đã giảm đi nhiều khi đường phố vắng bóng những hàng quán trang trí đèn lồng, mặt nạ chú Tễu và bày bán bánh nướng, bánh dẻo.

Nhưng không vì vậy mà Diệp Ngọc bỏ lỡ hoàn toàn không khí Trung thu. Cô vẫn đứng bếp để chuẩn bị những hộp quà bánh nướng, bánh dẻo gửi tặng họ hàng nội ngoại.

“Năm nay, thay vì cùng các em nhỏ trong nhà nô nức lên phố Hàng Mã nhộn nhịp, tôi đón Tết Đoàn viên giản dị bên gia đình, nướng bánh và cùng bố mẹ chuẩn bị hoa quả để thắp hương rằm tháng 8”, cô nói.

Từ năm nhất đại học, Diệp Ngọc bắt đầu làm bánh Trung thu vừa để chiêu đãi cả nhà, vừa bán online. Năm nay, trước tình hình dịch bệnh, cô vẫn cố gắng gửi quà cho người thân và cả bạn bè đang tránh dịch ở quê.

“Đó là cách duy nhất để tôi và các bạn có thể đón Trung thu cùng nhau. Những năm trước, bạn bè thường qua nhà tôi để tự làm bánh nướng, bánh dẻo mang về nhà tặng gia đình”, cô kể lại.

Gần gia đình hơn

Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Thu (24 tuổi) đã trở về Văn Giang (Hưng Yên) làm việc tại nhà và dành nhiều thời gian với bếp bánh.

lam banh Trung thu tai nha anh 5

Cháu trai rất thích ăn "bánh yêu quái", vốn là mẻ bánh dẻo bị hỏng dáng của Thu.

Đến nay, cô đã tự làm bánh tại nhà khoảng 4 năm, trong đó đam mê bánh Trung thu nhất - loại bánh “cầu kỳ và mất thời gian”. Mỗi năm, cô lại mang bánh đi tặng bạn bè, người thân và nhận được nhiều lời khen, tiếp thêm động lực cho Thu duy trì đam mê làm bánh.

“Tôi làm cả bánh Trung thu truyền thống lẫn hiện đại để phù hợp sở thích của cả gia đình và bạn bè. Trong nhà, ai cũng ủng hộ tôi làm bánh, nhất là mẹ. Mặc dù mẹ lo tôi vất vả, thường bảo đi mua ngoài hàng cho nhanh, nhưng mỗi lần tôi nhờ mua hộ nguyên liệu gì, mẹ đều nhanh chóng mang về cho tôi”, Thu nói.

Nguyên liệu là vấn đề khó khăn nhất của Thu hiện nay. Do bị hạn chế nguyên liệu, cô không hứa hẹn tặng bánh cho người khác vào Tết Đoàn viên năm nay. Cô chỉ tập trung làm bánh chiêu đãi gia đình.

Đồng hành trong công cuộc nướng bánh của Thu là 2 cháu ruột, một bé gái 8 tuổi và bé trai 5 tuổi. Cô cho biết hai bé rất thích nhìn cô nhào bột và cũng góp công sức trong một số khâu đơn giản như đóng gói thành phẩm.

lam banh Trung thu tai nha anh 6

Thu làm bánh Trung thu cho gia đình và bạn bè từ năm 20 tuổi.

“Đứa lớn thích làm và ham làm nhiều, trong khi đứa bé háo hức ăn thôi. Năm 2020, có một mẻ bánh dẻo không thành hình, được tôi gọi là ‘bánh yêu quái’. Vậy mà cháu trai tôi vẫn thích ăn.

Đến năm nay, tôi làm mẻ bánh nướng hình con thỏ đẹp mắt mà bé lại hỏi ‘Cô ơi, bánh yêu quái đâu?’. Lúc bị hỏi, tôi vừa bất ngờ, vừa buồn cười, không ngờ cháu nhớ kỹ vậy”, cô kể lại về kỷ niệm làm bánh của 3 cô cháu.

Thu cảm thấy Trung thu này hơi buồn khi không được tổ chức linh đình, rộn ràng, nhưng bù lại cô rất hạnh phúc được tận hưởng không khí gia đình quây quần, ấm cúng.

Mai Dung, sinh viên ở TP.HCM, cũng có những cảm xúc tương tự. “Trung thu năm nay, tôi chỉ mong dịch bệnh qua nhanh, mọi thứ sớm trở lại bình thường”, Mai Dung chia sẻ.

Tự ấp trứng, nuôi vịt khi ở nhà giãn cách

Thay vì nuôi chó, mèo, nhiều người chọn vịt làm thú cưng sau nhiều tháng cô đơn, buồn tẻ khi ở nhà tránh dịch.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm