Giữa trưa, quán bún bò Huế trên phố Đội Cấn (quận Ba Đình) của Quỳnh Như (31 tuổi) tấp nập người đến mua mang về. Điện thoại quán cũng réo liên hồi những cuộc gọi đặt giao hàng từ thực khách.
“Với tình hình khả quan như hôm nay, tôi nghĩ rằng quán sẽ bán được 200-300 suất bún”, chủ quán vui mừng nói. Nhưng cuối ngày, con số này đã vượt xa mong đợi, tăng lên 1.000 suất.
Tương tự Quỳnh Như, một số chủ quán ăn, uống, cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa ở Hà Nội vui mừng khi nằm trong vùng được phép mở cửa hoạt động, bán mang về. Nhiều người háo hức chuẩn bị từ sáng sớm để kịp phục vụ khách hàng từ 12h.
Nhiều người tìm mua bún, miến, phở trong ngày đầu Hà Nội nới lỏng. |
Không tăng giá bán
Từ 6h, Quỳnh Như cùng các nhân viên dọn dẹp quán và chế biến nguyên liệu. Cô cho biết sau khi nhận được quyết định mới của thành phố vào tối 15/9, cô đã gọi các bên cung cấp thực phẩm, đồng thời nhắc nhở các nhân viên trọ tại quán dọn dẹp sơ qua.
Chủ quán bún chia sẻ rằng tiền nhập nguyên liệu đầu vào tăng so với trước. Một số mặt hàng phải nhập từ Huế phải chịu tiền cước vận chuyển cao, giao vận cũng khó khăn hơn.
“Tuy nhiên, tôi giữ mức giá bán ổn định như trước. Thời điểm này, tôi khó khăn thì khách hàng cũng khó khăn mà”, Quỳnh Như nói với Zing.
Bên cạnh việc lo toan chi phí vận hành cửa hàng trong 2 tháng nghỉ dịch, Quỳnh Như cũng cố gắng hỗ trợ ăn ở cho nhân viên do mọi người đều mắc kẹt tại Hà Nội, không kịp về quê.
“Họ không thể đi đâu, về đâu được, tôi cũng không nỡ để họ ra đường. Hơn nữa, tôi cố gắng duy trì nhân sự để lập tức trở lại bán hàng ngay khi có thể. Nhờ vậy, hôm nay việc mở lại cửa hàng khá suôn sẻ”, cô nói.
Các nhân viên quán bún bận luôn tay từ lúc mở quán. |
Toàn (38 tuổi), chủ quán cơm tấm ở phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ), cũng nhanh chóng trở lại làm việc ngay trong buổi sáng đầu tiên thực hiện quyết định mới của thành phố nhờ có đủ nhân sự ở Hà Nội.
Từ sáng sớm, anh cùng 7 nhân viên khác dậy dọn dẹp, sơ chế thực phẩm và chuẩn bị cho 12h mở bán. Việc nhập nguyên liệu không quá khó khăn đối với chủ quán cơm vì cửa hàng nằm gần chợ. Tuy giá nhập có tăng nhẹ, anh Toàn vẫn quyết định giữ nguyên giá bán cho khách hàng.
“Hôm nay, quán tôi chắc bán được khoảng 100 suất thôi, ít hơn nhiều so với ngày thường. Trước dịch, quán phải bán được ít nhiều 500 suất cơm. Thế nhưng, sau bao nhiêu ngày tháng dịch dã, được bán hàng trở lại là vui mừng lắm rồi”, anh chia sẻ.
Quán cơm của anh Toàn tấp nập khách mua giờ trưa. |
Trong khi một số hàng ăn tất bật mở cửa trở lại, những quán cà phê, đồ uống lại có phần ảm đạm hơn. Nhiều nơi vẫn chưa mở cửa hoặc chỉ mới dọn dẹp, chưa nhận khách ngay trong ngày đầu tiên.
Tuấn (24 tuổi), quản lý của một quán cà phê hiếm hoi đã mở cửa trên phố Trần Huy Liệu (quận Ba Đình), bận rộn lau dọn không gian cửa hàng.
Vì chỉ bán mang về, cửa hàng anh quyết định chưa gọi nhân viên trở lại làm việc. Do đó, Tuấn, người trọ luôn tại quán cà phê, vừa chịu trách nhiệm quản lý, vừa kiêm công việc lau dọn, pha chế và thu ngân. Thực đơn hôm nay cũng bị giới hạn chỉ còn một vài món như cà phê, trà đào, đồ đá xay…
“Vì mới mở bán trở lại vào trưa nay, quán chưa chuẩn bị đủ nguyên liệu cần thiết để phục vụ đủ các món có trong thực đơn. Tôi phải đợi 1-2 ngày nữa để kho phân phối nguyên liệu tới các cơ sở. Hôm nay, may mắn thì tôi sẽ bán được 10 cốc”, anh nói.
Háo hức được mua đồ ăn, thức uống
Trong khi đó, nhiều thực khách háo hức khi các cửa hàng phục vụ ăn, uống mở trở lại. Ngay khi biết tiệm bún bò Huế gần nhà đã bán mang về, Nam (30 tuổi), hướng dẫn viên du lịch ngụ tại phố Đội Cấn, đã đạp xe qua mua một suất 50.000 đồng.
“Có lẽ vì là người gốc Huế, tôi nghĩ đến món ăn này đầu tiên khi hay tin thành phố được nới lỏng”, anh cười, nói.
Nam tìm mua món bún bò Huế đầu tiên khi thành phố nới lỏng một số dịch vụ. |
Suất bún bò Huế như một cách để Nam chiêu đãi bản thân sau nhiều tháng chỉ ở nhà. Kể từ ngày 30/4, công việc của anh bị gián đoạn do dịch bệnh.
“Tôi là dân du lịch quen sống vội, nhờ có thời gian này mà cảm thấy nhịp sống chậm lại một chút. Tuy nhiên, nếu ở lâu hơn nữa, tôi sẽ cạn tiền vì không có thu nhập. Hy vọng tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát, hoạt động du lịch sớm trở lại để tôi có thể tiếp tục công việc”, anh chia sẻ.
Hiếu (29 tuổi), nhân viên thị trường của một công ty thương mại điện tử, tranh thủ giờ nghỉ trưa để cùng đồng nghiệp đi mua cơm và cà phê.
Tuy nhiên, cô mất khá nhiều thời gian để tìm một quán bán đồ uống ở quận Ba Đình do nhiều cửa hàng chưa mở cửa.
Hiếu mất nhiều thời gian để tìm được chỗ mua đồ uống mang về. |
“Trong thời gian dịch bệnh, tôi vẫn cần lên công ty làm việc. Văn phòng có cà phê gói pha sẵn và tôi cũng chủ động mang cơm từ nhà đi. Thế nhưng, tôi vẫn muốn sử dụng dịch vụ ăn uống bên ngoài để có nhiều lựa chọn đa dạng hơn. Hơn nữa, không phải lúc nào đi làm về, tôi cũng đủ tâm trí để nấu cơm trưa cho hôm sau”, Hiếu chia sẻ với Zing.
Bên cạnh dịch vụ ăn uống, nhiều người tìm đến dịch vụ sửa chữa xe, đồ điện tử trong ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách xã hội.
Văn Nghĩa (48 tuổi), chủ xưởng sửa chữa xe máy ở phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), cho biết anh tiếp nhận ít nhất 40 khách hàng chỉ trong vài tiếng mở cửa đầu giờ chiều.
Xưởng sữa chữa xe máy nhộn nhịp, tấp nập khách. |
Phần lớn khách hàng đến kiểm tra xe máy và xử lý các vấn đề như hết ắc-quy, bị chuột cắn dây điện hoặc tắc nghẹt xăng, đồng thời rửa xe, thay dầu.
“Khi nhận được công văn, tôi và các nhân viên phấn khởi lắm. Chính ra trưa nay tôi mới từ Gia Lâm sang xưởng, nhưng vui quá nên đã đi từ tối qua. Hai tháng nay, tôi không có thu nhập, phải vay lãi ngân hàng để ứng lương cho nhân viên, giúp họ ăn ở tại Hà Nội. Cũng nhờ vậy, tôi có ngay đội ngũ thợ để trở lại làm việc tức thì”, anh chia sẻ.
Ông Hickey tranh thủ mang xe máy đi bảo dưỡng. |
Ông Adrian B. Hickey (59 tuổi), người đàn ông Australia sống và làm việc ở Hà Nội được 8 năm, là một trong số 40 khách hàng đầu tiên đến xưởng sửa chữa xe của anh Nghĩa ngày hôm nay.
“Tôi rất vui khi thành phố mở trở lại một số dịch vụ. Điều này thể hiện rằng chính quyền đang đi đúng hướng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Bản thân là một quản lý kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, tôi cũng mừng khi chúng tôi được hoạt động trở lại để bán mang đi”, ông cho biết.
“Sau khi sửa xe xong và trở về nhà, tôi sẽ mua một cốc cà phê”, Hickey vui vẻ nói thêm.