Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giữ học phí đại học thấp: Công bằng xã hội hay sai lầm?

Một khuyến nghị mới đây liên quan giáo dục đại học của nhóm đối thoại giáo dục (VED), gồm nhiều chuyên gia có tâm huyết trong và ngoài nước, khiến dư luận xôn xao.

VED cho rằng giữ mức học phí thấp để người nghèo có thể tiếp cận cánh cổng vào đại học là một chủ trương sai lầm. Thay vì tạo ra công bằng, chính điều này đang kìm hãm sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học trong nước.

Tài chính đại học Việt Nam đang “có vấn đề”?

Theo quan điểm của VED, tài chính của hệ thống đại học Việt Nam đang đối mặt 3 vấn đề lớn là thiếu kinh phí, bất bình đẳng và thiếu tự chủ. Cụ thể, mức đầu tư của Nhà nước cho các trường công còn rất thấp.

Số liệu của WB năm 2010 cho thấy, đầu tư cho giáo dục đại học Việt Nam chiếm 14% đầu tư của ngân sách nhà nước cho giáo dục. So với GDP, tỷ lệ đầu tư công cho giáo dục đại học chỉ 0,9%. Chủ trương của Việt Nam hiện nay là giữ học phí thấp để người nghèo có thể tiếp cận.

Đang có ý kiến cho rằng thu học phí thấp khiến cho chất lượng giáo dục đại học cũng thấp.
Đang có ý kiến cho rằng thu học phí thấp khiến cho chất lượng giáo dục đại học cũng thấp. Ảnh: Lao Động.

Tuy nhiên, VED cho rằng, cách tiếp cận này là sai lầm và nó có thể dẫn đến bất bình đẳng hơn, vì học phí thấp làm cho các trường không có đủ nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên nghèo. Học phí thấp dẫn đến đa số nguồn lực của trường phải dựa vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, chỉ sinh viên từ gia đình khá giả mới đi học đại học được, và chi phí đào tạo các sinh viên này lại được Nhà nước bao cấp là chủ yếu. Các giải pháp gồm chương trình học bổng và quỹ tín dụng cho sinh viên nghèo, theo VED, không giải quyết được vấn đề.

Thực tế, nguồn học bổng quá thấp, không đủ trang trải chi phí, trong khi quỹ tín dụng lại quá hạn hẹp, khó tiếp cận. Mặc dù đã có thí điểm về tự chủ đại học, trong đó có tự chủ thu và chi, song một số trường như Đại học Ngoại thương, Đại học Hà Nội vẫn bị hạn chế rất nhiều về phần “chi”. Nhiều trường còn nhiều thói quen ỷ lại, chờ bao cấp từ phía Nhà nước.

Đề xuất của VED là cần ưu tiên ba lĩnh vực: Tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống đại học, giao tự chủ tài chính cho các đại học và thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường. Ưu tiên đầu tư về nghiên cứu khoa học. Chấm dứt bao cấp đại học.

Không nên ép giảm học phí, khuyến khích tự chủ đại học, trong đó có tự chủ tài chính theo khuyến nghị của VED nhận được đồng tình của nhiều chuyên gia giáo dục. Chỉ giáo dục phổ thông mới cần Nhà nước bao cấp vì cần đảm bảo mặt bằng dân trí. GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, nên chấm dứt tình trạng bao cấp giáo dục đại học.

“Giáo dục đại học đồng thời cần cho bản thân người học nhiều, bởi họ đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho tương lai của mình, và phải trả tiền cho sự đầu tư này” - ông nói. Theo ông, nếu ép học phí thấp xuống, chi phí đào tạo không đảm bảo, Nhà nước buộc phải lấy các khoản phí khác bù vào. Các khoản này cũng đều là sự đóng góp của dân.

Theo GS Lâm Quang Thiệp, các trường đại học cần tính toán đảm bảo một mức học phí vừa đủ để đảm bảo điều kiện đào tạo và chi trả lương cho giáo viên. Còn việc giải quyết bài toán cho sinh viên nghèo? Theo ông, cùng với chủ trương học phí cao, cần thiết phải có mức hỗ trợ cao bằng các quỹ tín dụng cho sinh viên,

Theo GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - giải quyết hậu quả từ những sai lầm mắc phải là mở tràn lan các trường đại học, cao đẳng theo hướng thương mại hóa thay vì đào tạo nguồn nhân lực, không thể trong một sớm một chiều. Kiểu quản lý giáo dục đại học mà ông gọi là “nửa vời” này đang khiến chất lượng ngày càng đi xuống. 

“Ở Việt Nam, một ngày được nghỉ thì giáo viên chỉ chăm chăm đi dạy thêm. Học phí phải để cho trường đủ chi phí, có cơ sở vật chất đầy đủ và quan trọng là đủ lương cho giáo viên. Còn với sinh viên, không có nước nào mà học bổng không đủ tiền để chi trả học phí như ở nước ta” - ông nói.

Tán thành với kiến nghị của VED, cựu tư lệnh ngành giáo dục cho rằng, Chính phủ không thể bao cấp mãi cho giáo dục đại học, phải lượng sức học của con em, không để các em phải vào đại học bằng mọi giá để rồi hậu quả cử nhân thất nghiệp tràn lan.

Ông thẳng thắn: “Cho các trường đại học tự chủ về tài chính. Luật giáo dục đại học được thông qua rồi, nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao Chính phủ quy định chỉ 8 trường được thực hiện tự chủ? Nếu làm đúng luật, các trường không cần xin phép ai cả".

Tuy nhiên, để bắt đầu thay đổi một chủ trương lớn, các chuyên gia cho rằng, việc đầu tiên là các nhà lãnh đạo giáo dục phải thay đổi cách nghĩ, ngay cả với đại biểu quốc hội. Tăng học phí không thể đột ngột mà cần phải tăng dần dần. Cùng với đó, Nhà nước cần mạnh tay đầu tư tăng quỹ tín dụng hỗ trợ sinh viên,  quản lý tốt quỹ này để tiền đến được đúng tay, đúng việc.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/giu-hoc-phi-dai-hoc-thap-cong-bang-xa-hoi-hay-sai-lam-341991.bld

Theo D.Hà/Báo Lao động

Bạn có thể quan tâm