Giữ lửa nhé, sân chơi học trò!
Nhiều nhóm học sinh yêu thích một loại hình sinh hoạt, thư giãn cho bạn bè mình đang hình thành.
Kính thiên văn tự làm của nhóm học sinh - sinh viên CLB Thiên văn nghiệp dư |
NHỮNG SÂN CHƠI TỰ PHÁT
”Trường tớ không có đội bóng, thế là cứ từng tốp học sinh tự nhóm lại để chơi thể thao. Thường thì chơi theo lớp hoặc 2,3 lớp cận nhau hùn tiền lại thuê sân banh. Nhiều bạn tâm huyết hơn thì rủ rê thêm các nhóm khác để tổ chức giải thể thao tự do cho vui” - Nhóm của bạn Minh Hùng, lớp 12, trường Hùng Vương đang thuê sân bóng tại sân vận động Hoa Lư (Đinh Tiên Hoàng, Q.1) bật mí. Chuyện trong trường không có những CLB thể thao, học trò phải tự lập nhóm chơi chung với nhau rất phổ biến tại các trường. Như nhiều nhóm trường Gò Vấp chọn công viên Gia Định là nơi “quần anh tụ hội”. Nhiều nhóm của học sinh khối 12 trường Nguyễn Hiền chọn trung tâm thể thao của quận 11 để chơi chung...
Chỉ riêng phong trào rèn luyện “khỏe-khỏe-khỏe” đã vậy chứ chưa nói đến phong trào hình thành CLB khoa học, văn nghệ, giải trí... vốn công phu và phức tạp hơn. Đầu năm, trường TKN (Q.5) có rất nhiều nhóm rộn ràng thành lập, tập tành văn nghệ, luyện thanh rất xôm tụ. Như nhóm V.An, một nhóm chuyên múa hiện đại thường xuyên đảm trách vai trò biên đạo nhiều tiết mục múa trong trường bật mí cho đến giờ, sau một học học kì, nhóm của An và nhiều nhóm nhạc khác trong trường đều đang có xu hướng nhấn nút biến khỏi sân chơi học trò. An bảo: “Thường các CLB, nhóm nhạc đều tự phát hình thành, vì thế, các bạn thích thì đến tham gia, không thích thì bo-bo-xì nhau tự nhiên”.
Chuyện lập nhóm rồi bỏ, kêu gọi ồn ào, náo nhiệt vào đầu năm học, sau một học kì thì chết queo là chuyện phổ biến. Đầu năm, trường G. rực rỡ băng-rôn quảng cáo các sân chơi học trò: sân chơi khoa học, sân chơi âm nhạc, sân chơi thể thao khiến học trò trong trường rất phấn khởi nghĩ năm nay, trường đang có nguồn sinh khí mới trong phong trào hỗ trợ nhu cầu giải trí cho học trò. Vậy mà sau một học kì hầu như hổng có CLB nào còn hoạt động. Có danh nhưng hổng có phận, CLB vui chơi giải trí bổ ích cho học trò từ các trường sao mà buồn hiu buồn hắt.
Học trò phóng tên lửa |
LÀM SAO ĐỂ CÓ NHỮNG SÂN CHƠI CHUNG?
”Phải có sự hỗ trợ hết mình và tư vấn thêm của thầy cô, học trò mới phát huy hết vai trò sáng tạo sân chơi của chính mình” - Thầy Công Minh, giáo viên trường Lê Hồng Phong, người có “thâm niên” gần 20 năm gắn bó với phong trào Đoàn học sinh cho biết. Thật sự là vai trò của thầy cô tụi mình rất quan trọng - Lan Anh, lớp 12 Anh, trường Phổ Thông Năng Khiếu (Q.5), phó nhóm A4C tâm sự.
Những nhận định trên hoàn toàn chính xác khi nhiều ngôi trường có truyền thống gần như “học đi đôi với... học” như trường Phổ Thông Năng Khiếu (Q.5), Lê Hồng Phong (Q.5), Trần Đại Nghĩa (Q.1)... lại thật sự là những trường đi đầu trong việc tạo ra mô hình sinh hoạt giải trí tự phát lí thú nhất của học sinh. Tại các trường này, hầu hết những CLB ngoại khóa, giải trí của trường đều được hình thành, xây dựng từ ý tưởng của chính các bạn học sinh. Trường Phổ Thông Năng Khiếu có đến 5,6 CLB thú vị đều do học trò tự lập: CLB Harmonica, CLB kĩ năng giao tiếp... Còn CLB A4C của nhóm học sinh khối chuyên Anh (đến từ trường Lê Hồng Phong, Phổ Thông Năng Khiếu) đã tự viết kịch bản, thực hiện sách nói cho người khiếm thính dịch sách, làm CD bán để lập quĩ hoạt động, CLB công tác xã hội của trường Lê Hồng Phong bán thiệp, bán sách, bán CD để có nguồn quỹ đi công tác xã hội...
Anh Anh Vũ, giám đốc công ty thiết kế, quảng cáo Song Anh, cựu học sinh trường Lê Hồng Phong, một trong những thành viên hỗ trợ tích cực cho các sân chơi văn nghệ trường Lê Hồng Phong cho biết: “Những sân chơi học trò của trường Lê Hồng Phong đều được chính học sinh nắm vai trò chủ chốt, những đàn anh, thầy cô thường đóng vai trò đỡ đầu và khuyến khích cho các bạn hoạt động. Tự mình điều hành, học sinh mới có thể yêu thích, hiểu được vai trò của mình trong tập thể, trong việc phát triển nhân cách...”
Theo Mực tím