Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giữ môn Lịch sử như thế nào?

Ngày 27/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, trong đó yêu cầu "tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới".

Nhưng các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia sử học chưa hết băn khoăn, về việc sẽ tiếp tục giữ môn học lịch sử thế nào và cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc học sinh quay lưng với môn Lịch sử?

Lịch sử nên là môn học bắt buộc

Vấn đề tích hợp môn Lịch sử với các môn học khác đã làm “nóng” Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam diễn ra ngày 30/11 tại Hà Nội. Rất nhiều đại biểu thể hiện sự bức xúc và phản đối việc tích hợp môn Lịch sử vào bộ môn "Khoa học xã hội" ở THCS và "Công dân với Tổ quốc" ở bậc THPT.

“Môn Lịch sử, nhất là Quốc sử phải cùng vị thế với môn Quốc ngữ - Quốc văn và môn Toán học, phải là những môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc trong các trường trung học cơ sở và phổ thông. Giới sử học chúng tôi coi việc giữ được môn Lịch sử là thắng lợi bước đầu trong cuộc đấu tranh nhằm khẳng định tầm quan trọng, vị trí của môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục, đời sống xã hội.

Nhưng chúng tôi vẫn đang chờ phản ứng tiếp theo của Bộ GD&ĐT sau quyết định của Quốc hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục “chiến đấu” đến cùng, để môn Lịch sử không chỉ có mặt trong chương trình giáo dục, mà phải là môn cơ bản, bắt buộc” -  GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

 GS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

GS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - cũng đồng tình với ý kiến này. Ông nhấn mạnh việc "tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới” là chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Quốc hội”.

Dù vậy, ông cũng bày tỏ nỗi băn khoăn về quyết định giữ môn lịch sử đến đâu, có là môn học bắt buộc hay chỉ dừng ở việc không cho phép xóa bỏ môn học này.

“Việc giữ lại môn Lịch sử được đưa vào nghị quyết của Quốc hội, thì mặc nhiên Chính phủ và Bộ GD&ĐT phải thực hiện, nhưng cần làm rõ giữ môn lịch sử thế nào? Việc có bắt buộc học bộ môn này hay không vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng” - GS Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ.

Cần thay đổi cách dạy và học lịch sử

Bên lề đại hội, khi phóng viên đề cập đến trách nhiệm của việc học sinh quay lưng lại với môn Lịch sử thuộc về cơ quan nào? -đều nhận được câu trả lời trách nhiệm thuộc về Bộ GD&ĐT của các đại biểu tham dự Đại hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lần thứ VII.

Các chuyên gia sử học cho rằng, nhiều học sinh quay lưng lại với môn Lịch sử là lỗi của Bộ GD&ĐT, cũng như hội không "đá bóng trách nhiệm", mà trước đó đã rất muốn tham gia, góp ý về cách dạy, học môn sử hiện nay nhưng Bộ chưa thiết tha muốn nghe. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ quan điểm về việc tiếp tục giữ môn Lịch sử. 

“Tôi rất buồn vì một số lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, tình trạng học sinh xa dần môn học này là do Lịch sử đứng độc lập như các môn khác, rồi từ đó đưa ra phương án tích hợp để chấm dứt tình trạng này. Đây chỉ là sự ngụy biện, sai lầm và lẩn tránh trách nhiệm của đơn vị chủ quản.

Trong khi đó, chúng tôi từng cảnh báo về cách giảng dạy, cách học môn lịch sử cách đây 20 năm  trước. Trong hội thảo nào cũng nêu ra vấn đề này và đề nghị Bộ GD&ĐT đổi mới phương pháp dạy, học môn lịch sử, nhưng Bộ đều “đóng cửa”. Đến nay, Bộ vẫn chưa có động thái để thay đổi, nên môn sử sa sút như hiện nay” - GS Phan Huy Lê nhận định.

Còn theo GS Nguyễn Quang Ngọc, sự yếu kém của sách giáo khoa Lịch sử phổ thông đang lưu hành góp phần không nhỏ làm cho môn lịch sử không hấp dẫn như những môn học khác. Sách giáo khoa Lịch sử hiện nay quá coi trọng kiến thức lịch sử, đặc biệt là lịch sử phục vụ tuyên truyền chính trị mà ít quan tâm tới yếu tố khoa học trong tính tổng thể và toàn diện.

Việc viết SGK là vô cùng quan trọng. Thầy cô có muốn dạy cái mới cũng không được vì nhiều nơi SGK được coi như là pháp lệnh, thầy cô nói cái bên ngoài có thể bị kỷ luật.

Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử cho rằng, khi Quốc hội quyết định giữ môn Lịch sử, các nhà giáo dục cần nghĩ ngay đến việc đổi mới chương trình, cách dạy và cách học.

"Rất cần đổi mới chương trình, SGK, phương pháp dạy môn Lịch sử. Hội luôn đứng sau ủng hộ, sẵn sàng hợp tác với Bộ GD&ĐT. Nhưng các vị phải “mở cửa” và đón nhận những ý kiến của giới chuyên môn" - ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Ngày 30/11 tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015-2020. Đến dự Đại hội có đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Giáo sư - tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo ban ngành và gần 400 hội viên thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Đại hội Hội Khoa học lịch sử Việt Nam lần thứ VII đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 67 đại biểu. GS Phan Huy Lê được tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020. ​

Để môn Lịch sử hấp dẫn hơn

Ngày 27/11, Quốc hội thông qua nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, trong đó yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.

http://laodong.com.vn/giao-duc/giu-mon-lich-su-nhu-the-nao-401820.bld

Theo Bích Hà/Lao Động

Bạn có thể quan tâm