Vụ Pháp chế đã đề xuất bổ sung quyền được chết, hay quyền an tử cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh nhân sống thực vật không còn hy vọng cứu chữa.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: “Sao chúng ta không đặt vấn đề về quyền được chết?”.
- Chúng ta có quyền được khai sinh, khai tử. Nhưng trên hết là quyền được sống. Sao chúng ta lại không đặt vấn đề về quyền được chết? Vấn đề đặt ra là như vậy đây có phải là hành vi giết người?Bác sĩ cho người ta chết về bản chất là giết người sẽ bị xử lý theo Luật Hình sự. Nhưng nếu pháp luật cho phép có chủ đích thì có thể thực hiện được. Một thực tế hằng ngày, những bác sĩ phải chứng kiến nhiều người bệnh không thể cứu được, sống thực vật, ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết vì không thể tự tử, mà muốn nhờ bác sĩ giúp họ ra đi một cách êm ái, thanh thản. Tôi nghĩ rằng có một số trường hợp này thì nên cân nhắc.
Đề xuất bổ sung cái chết nhân đạo vào dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được xem xét.
Tiến sĩ, chuyên viên tâm lý Ngô Xuân Điệp - Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM: “Cái chết đôi khi là nhân đạo”.
- Theo tôi, nên hiểu rộng ý nghĩa của từ nhân đạo. Với một người đã được xác định không còn hy vọng cứu chữa, chỉ tồn tại từng ngày cùng nỗi đau đớn do bệnh tật gây ra thì chết đôi khi lại trở nên thanh thản. Và việc giúp họ có được một cái chết nhẹ nhàng lại trở nên nhân đạo.
Mang đến một cái chết nhẹ nhàng với bệnh nhân sẽ trở nên nhân đạo nếu hội tụ đủ 5 yếu tố: Một là căn bệnh của bệnh nhân đó vô phương cứu chữa. Hai là căn bệnh đó thực sự gây căng thẳng và đau khổ cho chính bệnh nhân, người nhà. Ba là bệnh nhân đó thực sự muốn chết và cảm thấy thanh thản nếu được chết. Bốn là gia đình đồng ý với cái chết của người thân. Cuối cùng, bác sĩ hiểu nỗi đau bệnh nhân và tự nguyện đồng ý giúp bệnh nhân mình chết nhẹ nhàng.
Tôi tin rằng, khi hội tụ đủ 5 yếu tố đó thì việc giúp bệnh nhân chết nhẹ nhàng sẽ không trở thành nỗi ám ảnh của một bác sĩ. Thao tác ấy sẽ không căng thẳng và áp lực bằng việc họ sơ ý hoặc do tắc trách gây chết người.
Tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai: “Cách thức tiến hành thế nào sẽ rất khó”.
- Tôi hoàn toàn ủng hộ quyền được chết. Người Việt quan niệm còn nước còn tát nhưng phải xem “còn tát” ở mức độ nào. Bệnh nhân đến bệnh viện được khám chữa bệnh là quyền đầu tiên, nhưng khi họ từ chối quyền đó thì không ai ép được. Ví như trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối di căn, sự tồn tại chỉ tính bằng ngày, bằng tháng nhưng nỗi đau đớn, dằn vặt lại vô cùng khủng khiếp, lan cả cho gia đình, người thân, tốn kém tiền của. Họ có quyền yêu cầu chấm dứt điều trị để chấm dứt nỗi đau.
Trên thực tế tại nước ta điều này vẫn xảy ra. Sau khi nghe bác sĩ giải thích, gia đình xin về dù biết ra khỏi bệnh viện là chết. Quyết định như thế là quyền của bệnh nhân và người nhà. Người bác sĩ có nhiệm vụ cung cấp thông tin đầy đủ về tình trạng bệnh, phương thức điều trị, chi phí, khả năng. Đây là vấn đề tương đối nhạy cảm, nếu được thông qua thì cách thức tiến hành như thế nào cũng rất khó.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Trưởng khoa Hồi sức chống độc tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM: “Hết sức thận trọng khi áp dụng”.
- Với các bác sĩ làm việc ở các khoa điều trị thông thường thì việc để bệnh nhân chết nhẹ nhàng có thể sẽ trở thành nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, là một bác sĩ làm việc ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc - điều trị cho những bệnh nhân bệnh nặng thì tôi nghĩ rằng với một số trường hợp, để cho bệnh nhân mình ra đi nhẹ nhàng sẽ mang ý nghĩa nhân đạo thực sự.
Hằng ngày, tôi phải chứng kiến vô vàn cảnh đau đớn mà bệnh nhân mình đối mặt: Những bệnh nhi bị ung thư giai đoạn cuối, các bệnh về máu, bệnh về hội chứng thực bào máu…dùng rất nhiều biện pháp điều trị vẫn không có kết quả. Theo tôi nếu quyền được chết được đưa vào luật thì cũng phải hết sức thận trọng khi áp dụng. Trước khi áp luật thì nên thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá khả năng sống của bệnh nhân đó.
Sau khi hội đồng chuyên môn kết luận tất cả các biện pháp điều trị được áp dụng không có khả năng cứu sống bệnh nhân thì mới nên trình bày, trao đổi với người nhà và áp dụng khi người thân đồng ý, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, nhất là với những ca bệnh còn hy vọng cứu chữa.