Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giúp người khác chết có phạm tội?

Ném vợ xuống sông Đuống, giúp bạn tù chết sớm... những hung thủ liên quan đến vụ án trên cho rằng hành động họ làm chỉ giúp người sống sớm ra đi được thanh thản.

Vụ tự tử được đồng thuận

Trưa 12/5/2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an Hà Nội được gia đình chị Mai ở huyện Từ Liêm, trình báo có một người tên là Tuân, đã cho chị uống thuốc ngủ để tự sát. Chị đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm đến tính mạng, hiện cấp cứu tại Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội phối hợp với Công an quận Đống Đa xác định, chiều một ngày trước đó, anh Tuân (bạn chị Mai) đi xe ôtô đến một nhà nghỉ ở phố Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa thuê phòng 304 của nhà nghỉ này. Sau đó, anh Tuân đề nghị lễ tân nhà nghỉ cho chuyển sang phòng 301 vì phòng 304 quá nóng.

Sau khi anh Tuân chuyển sang phòng 301, chị Mai đã đến nhà nghỉ ở phố Thái Hà bằng xe máy và bảo lễ tân cho lên phòng 301. Trưa hôm sau, nhân viên nhà nghỉ ở phố Thái Hà phát hiện người phụ nữ này được anh Tuân đưa ra ôtô với bộ dạng mệt mỏi, mặt tái mét. Chị Mai được anh Tuân đưa đi Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu, nhưng do tình trạng quá nặng nên chị phải chuyển về Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Anh Tuân đã điện thoại báo cho gia đình chị Mai biết.

Tại Cơ quan điều tra,người được triệu tập cho biết tên đầy đủ là Lê Việt Tuân ở phố Thái Hà, quận Đống Đa. Tuân khai có quan hệ tình cảm từ trước với chị Mai.

Chiều 11/5/2010, do tình cảm “trục trặc”, Tuân và chị Mai hẹn nhau đến nhà nghỉ ở phố Thái Hà để gặp nhau lần cuối rồi cùng tự sát. Tuân đã cho chị Mai uống hết 80 viên thuốc ngủ và khi thấy chị này hôn mê, Tuân điện thoại cho bạn ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa kể lại sự việc trên. Được bạn khuyên, Tuân đã đưa Mai đi cấp cứu và báo cho gia đình chị này biết.          

Giúp tù nhân thi hành án tử sớm            

Vụ án có nhiều tình tiết cười ra nước mắt nữa là vụ Hoàng Văn Ba và Ngô Đình Sự Nghiệp giúp “bạn” giam cùng phòng được chết nhanh chóng. Giữa năm 2011, Lê Công Trợ bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Sau khi xem xét, cơ quan điều tra xác định thực chất Trợ phạm tội giết người và đề nghị truy tố với tội danh trên.

Hoàng Văn Ba và Ngô Đình Sự Nghiệp tại tòa.

Ngày 15/7/2011, Trợ được chuyển từ Nhà tạm giữ Công an thị xã Long Khánh về giam giữ tại Trại giam Công an tỉnh Đồng Nai. Tại đây, Trợ được bố trí ở chung phòng với Nghiệp, Ba và Nguyễn Hoàng Nam. Do lớn tuổi, Trợ được ba bạn cùng phòng gọi bằng “bố”.

Hai tháng sau, Trợ biết mình bị truy tố về tội giết người nên tỏ ra tiêu cực, chán nản. Trợ tâm sự với ba bạn cùng phòng là mình đã phản bội vợ con để đi theo người tình trẻ. Tuy nhiên, người tình trẻ cũng nhanh chóng rời bỏ khiến Trợ vô cùng đau khổ. Quá quẫn bách do mất vợ và mất luôn người tình nên Trợ thề sẽ quyết tâm trả thù. Sau đó, Trợ mua xăng và axít tới nhà người tình rồi châm lửa đốt nhà, tưới axít vào khiến một người chết và nhiều người bị thương...

Kể xong, Trợ bảo với cả nhóm rằng trước sau gì cũng phải chịu hình phạt cao nhất nên không muốn là gánh nặng cho gia đình, muốn chết sớm để nhanh chóng được siêu thoát. Vừa thuyết phục cả nhóm giúp mình tự tử, Trợ không quên kèm theo lời hứa: “Các con giúp bố chết sớm, bố sẽ phù hộ cho các con...”.

Nghe “bố” thuyết phục giúp để ông có cái chết êm ái, cả nhóm xuôi tai. Tối 13/9/2011, sau khi trại tạm giam báo kẻng đi ngủ, Trợ mang vào cổ mình một chiếc áo thun ba lỗ và đem bánh kẹo ra mời cả phòng ăn. Ăn xong bánh kẹo, Trợ tiếp tục nói với cả nhóm: “Hôm nay để cho bố được chết, các con giúp bố nhé. Bố chết rồi sẽ phù hộ cho các con được giảm nhẹ tội”.

Nghe Trợ nói vậy, Ba và Nghiệp đồng ý ngay, riêng Nam lắc đầu. Sau đó, Trợ ngồi đọc kinh rồi nằm xuống nền nhà rồi dùng hai tay tự xoắn chiếc áo thun trên cổ mình để tự sát. Xoắn được một lúc mà vẫn không có kết quả như ý, Trợ bèn hô: “Thằng Ba, Nghiệp, hai con giúp bố chết đi”.

Nghe “bố” hô, Nghiệp liền ngồi lên hai đùi, dùng chân đè lên tay trái của Trợ. Ba thì dùng hai tay nắm hai đầu chiếc áo thun vặn xoắn hết cỡ. Sau gần 10 phút hì hục, cả hai đã hoàn thành tâm nguyện của “bố”. Tiếp đó, Ba và Nghiệp khiêng xác Trợ bỏ vào thùng đựng nước trong buồng giam để giả hiện trường một vụ tự tử. Xong xuôi, cả hai hô hoán cho quản giáo của trại biết rồi quay lại lôi xác Trợ ra khỏi thùng. Tuy nhiên, hành vi của Ba và Nghiệp nhanh chóng bị phơi bày và hai người phải trả giá cho hành động vô cùng dại dột của mình...

Ranh giới mong manh

Lý giải về hành động ném vợ xuống sông Đuống vào đầu tháng 6/2013, Nguyễn Kim Đức (65 tuổi, ở phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) nại rằng vì vợ muốn chết nên “giúp”, song diễn biến của sự việc cho thấy đó là hành vi giết người.

Căn cứ vào lời khai cũng như hoàn cảnh xảy ra sự việc cho thấy vụ giết người vì động cơ đê hèn. Động cơ đê hèn được thể hiện ở chỗ nạn nhân Nguyễn Thị Hiền (50 tuổi) là vợ của Đức bị tai biến. Ở hoàn cảnh này, với trách nhiệm của người chồng, Đức cần phải chạy chữa, chăm sóc và động viên để vợ mau lành bệnh, thế nhưng chỉ vì tức tối lặt vặt mà Đức đã ra tay gây án để từ bỏ trách nhiệm của mình.

Mặc dù Đức khai do vợ muốn chết nên mới “giúp sức” và thực tế bà Hiền cũng đã có lần uống thuốc diệt cỏ và cho tay vào ổ diện để tự tử, tuy nhiên, hành vi tự sát chỉ là hành động mù quáng mang tính nhất thời khi bế tắc. Khi bị chồng bế ném xuống sông, bà Hiền vẫn cố gắng bám chặt vào thành cầu và kêu cứu khẩn thiết.

Giúp người khác chết là phạm tội

- Tính mạng, sức khỏe của con người là khách thể đặc biệt được Bộ luật Hình sự tôn trọng và bảo vệ. Không ai được tự cho mình có quyền can thiệp vào sự sống, chết của người khác.

Trừ những trường hợp đã được pháp luật quy định như trong tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng hoặc thi hành mệnh lệnh pháp luật cho phép (như thi hành án tử hình) thì hành vi đó không bị coi là phạm tội. Còn lại, mọi sự can thiệp hay giúp đỡ để người khác được chết (dù được sự đồng ý hoặc theo đề nghị của “khổ chủ”) đều bị coi là hành vi phạm tội.

Người nào thực hiện hành vi nhằm trợ giúp người khác tự tử, xúi giục hoặc giúp người khác chết thì tùy theo mức độ, tính chất, hoàn cảnh của hành vi giúp người khác chết mà có thể phạm vào một trong các tội như: “Giết người” , “Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” hoặc “Không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.

Luật sư Đỗ Minh Thu (Giám đốc Cty Luật TNHH Minh Thu, Nam Định)

Theo Pháp Luật Việt Nam

Bạn có thể quan tâm