PGS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay bạch biến là một trong các bệnh da thường gặp, chiếm 0,5-1% dân số thế giới. Căn bệnh khiến làn da mất sắc tố melanin không rõ nguyên nhân.
Vết bạch biến thường xuất hiện ở mặt, cổ, ngực, cơ quan sinh dục ngoài, quanh các lỗ thiên nhiên, niêm mạc, mặt duỗi bàn tay bàn chân. Bệnh có thể khu trú chỉ với một hoặc vài tổn thương hay chiếm đến 80% diện tích cơ thể. Do có tình trạng mất sắc tố melanin, vùng da bạch biến rất dễ bị bỏng nắng, bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư da.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 30 bệnh nhân bạch biến chiếu NB-UVB tại viện. Ảnh: HĐ. |
Theo PGS Doanh, nghiên cứu một số đặc điểm của bệnh nhân bạch biến đến khám từ 2015-2018 tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy trung bình mỗi năm có khoảng 2.300-3.000 bệnh nhân đến khám, tăng dần theo các năm. Độ tuổi mắc bệnh phổ biến nhất là 12-40, trong đó, nam cao hơn nữ. Năm 2018, số bệnh nhân bạch biến đến khám chiếm 1,06% tổng số bệnh nhân.
Bạch biến ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống bệnh nhân dù không lây nhiễm. Bệnh gây tâm lý tự ti bởi sự kỳ thị, soi mói của người xung quanh. Thậm chí, nhiều người bị trầm cảm, tìm tới cái chết.
Hiện tại, các phương pháp điều trị bệnh gồm dùng thuốc, laser, liệu pháp ánh sáng và phẫu thuật. Trung bình, mỗi ngày, khoảng 30 bệnh nhân bạch biến được chiếu NB-UVB tại viện.
Theo PGS Doanh, bệnh viện đang dự định triển khai ghép tế bào. Đây là phương pháp có thể chữa khỏi bạch biến đối với một số thể nhất định.
Các vấn đề về căn bệnh sẽ được chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực da liễu trên thế giới và Việt Nam trình bày tại hội nghị chuyên đề bạch biến và các bệnh da tăng sắc tố diễn ra vào ngày 24/6.
Theo PGS Doanh, các thông tin tại hội nghị sẽ giúp người mắc bạch biến và cộng đồng hiểu hơn về căn bệnh. “Hãy làm quen, học cách thích ứng với bạch biến và cải thiện chất lượng cuộc sống của chính mình, tự tin, yêu đời, tỏa sáng là những thông điệp chúng tôi muốn đem tới người bệnh”, ông cho hay.