Khi trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi cảm lạnh, thân nhiệt từ 38 độ C trở lên, gia đình cần gọi bác sĩ. Ảnh: Infacol. |
Trẻ sơ sinh không có kháng thể để chống lại hầu hết bệnh cảm lạnh và nhiễm trùng đường tiêu hóa. Do đó, trẻ dễ bị ốm hơn.
TS y khoa Mary Anne Jackson, chuyên gia nhi khoa tại Bệnh viện và Phòng khám Nhi Mercy (Kansas, Mỹ), cho biết: “Trong năm đầu tiên, trẻ sơ sinh cảm lạnh khoảng 6-12 lần, hầu hết kéo dài 7-10 ngày. Như vậy, trẻ có thể bị ốm đến 120 ngày/năm”.
Theo Parents, trong vài tháng đầu tiên, nếu nhiệt độ hậu môn của trẻ lên đến 38 độ C, cha mẹ cần gọi bác sĩ. Nếu trẻ dưới một tháng tuổi, chúng cần được đưa đến bệnh viện. TS Theoklis Zaoutis, Phó trưởng bộ phận Bệnh Truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, cho biết đó là lý do họ thường khuyên gia đình cố gắng để trẻ sơ sinh không bị ốm. Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện.
Các giai đoạn cảm lạnh ở trẻ sơ sinh
Mặc dù trẻ thừa hưởng một số khả năng miễn dịch từ cha mẹ và được tăng cường nhờ sữa mẹ, điều đó không bảo vệ trẻ tuyệt đối trước các loại virus gây nhiễm trùng được hô hấp trên như cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, cảm lạnh không phải là tin xấu - hầu hết trẻ sơ sinh bị vài lần cảm lạnh trong năm đầu đời. Những đợt ốm này giúp trẻ xây dựng khả năng miễn dịch.
Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh thường xảy ra chậm, kéo dài khoảng 9 ngày. Nó có thể chia thành 3 giai đoạn.
Trong 3 ngày đầu, khi trẻ bị lây bệnh, chúng có thể quấy khóc hơn bình thường, hơi chán ăn và sốt. Cha mẹ cần gọi bác sĩ để được tư vấn nếu trẻ dưới 3 tháng, nhiệt độ hậu môn lên 38 độ C.
Thông thường, ở ngày thứ hai hoặc thứ ba, trẻ sổ mũi, báo hiệu hệ thống miễn dịch đang chống lại virus. Trong giai đoạn này, chất nhầy có màu trong, loãng, chảy liên tục.
Trong 3 ngày đầu bị cảm lạnh, trẻ thường quấy khóc, chán ăn. Ảnh: iStock. |
Trong 3 ngày tiếp theo, trẻ thường hết sốt, bớt quấy khóc, ăn ngon miệng hơn. Chất nhầy sẽ đặc hơn một chút, có thể chuyển sang màu vàng nhạt. Ở giai đoạn này, trẻ sơ sinh phát triển chứng nghẹt mũi và sổ mũi.
Đây cũng là thời điểm cơn ho có thể xuất hiện do khi trẻ nằm ngửa, chất nhầy chảy theo đường mũi xuống phía sau cổ họng, tạo ra phản ứng ho để chất lỏng không vào phổi. Triệu chứng này khiến trẻ lẫn người lớn mất ngủ.
Trong 3 ngày cuối cùng, chất nhầy đặc hơn, trở nên khô cứng. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh thường hoạt động bình thường, ăn uống tốt, hoạt động trở lại.
Cách ngăn ngừa cảm lạnh ở trẻ sơ sinh
Trong khi cảm lạnh nói chung không nghiêm trọng, nhiều bậc cha mẹ lo lắng nó gây ra biến chứng nguy hiểm. TS Mary Ian McAteer, bác sĩ nhi khoa ở Indianapolis, cho biết: “Trước khi con đủ 2 tháng tuổi để tiêm mũi đầu tiên, cha mẹ cần thận trọng”.
Bà khuyên mọi người nên để trẻ tránh xa đám đông, ở nhà càng nhiều càng tốt. Vị chuyên gia cũng đưa ra các biện pháp phụ huynh có thể thực hiện để ngăn ngừa cảm lạnh ở trẻ sơ sinh sau 2 tháng đầu đời.
Giữ con gần mình
Khi đưa con ra ngoài, cha mẹ cần tránh xa những người có dấu hiệu bị bệnh như ho, hắt hơi. Họ nên để con gần mình. Người lạ thường ít chạm vào tay, mặt của bé hơn khi bé ở cạnh cha mẹ. Nếu đặt con trong xe đẩy, cha mẹ nên hạ thấp vòm xe, phủ chăn nhẹ, thoáng khí để ngăn người lạ chạm vào trẻ.
Không để con tiếp xúc người ốm
Cha mẹ nên yêu cầu người ốm không đến chơi, gặp trẻ cho đến khi họ hết triệu chứng, hết sốt (không dùng thuốc hạ sốt) trong ít nhất 24 giờ. Trẻ em thường khó giữ vệ sinh nên phụ huynh có thể cho trẻ khác nhìn nhưng không được chạm vào em bé, đặc biệt vào mặt, tay.
Rửa tay thường xuyên
TS Zaoutis cho biết tay chứa rất nhiều vi trùng. Vì vậy, cha mẹ hãy rửa tay trong ít nhất 20 giây mỗi lần đi đâu về, dùng nhà vệ sinh, ăn hoặc thay tã cho trẻ.
Phụ huynh cũng nên để nước rửa tay chứa cồn trong túi xách, cạnh bàn thay đồ hay cửa trước. Ngoài ra, họ nên chuẩn bị sẵn nước rửa tay cho khách tới nhà.
Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ
Các nghiên cứu cho thấy cảm lạnh nghiêm trọng, nhiễm trùng tai, viêm họng giảm 63% ở trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng. Vì vậy, nếu đủ điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ, gia đình nên duy trì nhằm đảm bảo dinh dưỡng, cung cấp thêm kháng thể, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Đương nhiên, không phải ai cũng có thể nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng dù nuôi con như thế nào, cha mẹ cần đảm bảo con nhận đủ nước và chất dinh dưỡng cần thiết.
Khử trùng bề mặt
Vi trùng có thể sống hàng giờ trên những thứ như xe mua hàng, tay nắm cửa. Vì thế, cha mẹ nên có sẵn một gói khăn lau khử trùng trong túi khi đi ra ngoài. Trong nhà, vi trùng có thể sống lâu dài trên các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, công tắc đèn, mặt bàn. Do đó, thỉnh thoảng, gia đình cần dùng khăn khử trùng lau các bề mặt này, đặc biệt khi trong nhà có người ốm.
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi gặp bác sĩ
Trong năm đầu đời, trẻ sẽ phải gặp bác sĩ rất nhiều lần. Bệnh viện, phòng khám thường chứa nhiều vi trùng. Vì thế, cha mẹ nên cân nhắc cho con đến khám đầu ngày hoặc cuối giờ để hạn chế tiếp xúc trẻ ốm khác. Phụ huynh cũng có thể cho con ngồi chờ trong xe thay vì phòng chờ của bệnh viện.
Tiêm vaccine khi có thể
TS McAteer khẳng định tuân thủ lịch tiêm chủng là cách tốt nhất để ngăn ngừa các bệnh như sởi, viêm màng não, thủy đậu. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), việc tiêm nhiều mũi gần nhau không gây nguy hiểm cho trẻ.
Tiêm phòng là biện pháp tốt để bảo vệ trẻ. Ảnh: UNICEF. |
Cha mẹ cũng cần tiêm phòng
Cha mẹ, kể cả những người chuẩn bị có con, nên tiêm ngừa cúm, ho gà. TS Jackson cho biết việc tiêm phòng cúm khi mang thai sẽ truyền kháng thể sang thai nhi, tác dụng kéo dài khoảng 6 tháng. (Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không được tiêm ngừa cúm).
Ngoài ra, CDC khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm ngừa ho gà trong tuần thứ 27-36 để không truyền bệnh cho con. Nhìn chung, tất cả thành viên trong gia đình, kể cả anh chị của trẻ sơ sinh, nên được chủng ngừa.
Tăng cường khả năng miễn dịch của bạn
Thật khó để cha mẹ ngủ đủ giấc khi trẻ sơ sinh thức dậy hai giờ một lần nhưng bạn nên cố gắng tranh thủ chợp mắt, kể cả vào ban ngày. Bạn cũng cần đảm bảo mình ăn ngon miệng, cung cấp năng lượng cho cơ thể để chống lại những căn bệnh mà bạn có thể truyền sang trẻ sơ sinh.
Điều trị cảm lạnh cho trẻ sơ sinh
Thực tế, cảm lạnh, cúm không dễ khỏi. Thuốc kháng sinh không có tác dụng với virus trong khi hầu hết thuốc kháng virus không được dùng cho trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc thông mũi và các sản phẩm kháng histamine thông mũi kết hợp có thể gây ra tác dụng phụ như bồn chồn, khó ngủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chúng cũng không hiệu quả với trẻ.
Do đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo không cho trẻ dưới 2 tuổi dùng những loại thuốc này. Thay vào đó, gia đình nên sử dụng các biện pháp tự nhiên như hút chất nhầy, giữ cơ thể trẻ đủ nước, làm ẩm không khí khi trẻ cảm lạnh.
Gia đình cần gọi bác sĩ trong trường hợp trẻ bơ phờ, không phản ứng, màu da kém hoặc cha mẹ thấy điều gì không ổn hay khi trẻ ho nhiều hoặc khó thở, khóc nhiều hơn, ngoáy tai, bỏ bú.
Nếu nghi ngờ con bị cúm, đặc biệt khi trẻ sốt cao, ho kéo dài trên 3 ngày hay trẻ dưới 3 tháng tuổi có thân nhiệt từ 38 độ C trở lên hoặc trẻ sốt cao trên 5 ngày, ho nặng (kèm hoặc không kèm theo đau ngực), đau đầu, cứng cổ, gia đình cũng nên gọi nhân viên y tế.