Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Viêm tai giữa - bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ vào mùa thu đông

Vào mùa thu và mùa đông, viêm tai giữa là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ em, chỉ sau cảm lạnh. Đa số trẻ bị viêm tai giữa ít nhất một lần trong 3 năm đầu đời.

Viêm tai giữa khiến trẻ đau, khó chịu. Ảnh: Onlymyhealth.

Thông thường, khi mắc viêm tai giữa, trẻ có thể tự lành bệnh mà không gặp bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng tái phát thường xuyên, thính lực của trẻ có thể bị suy giảm.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa ở trẻ

Tai gồm 3 phần: Ngoài, giữa và trong. Một ống nhỏ, được gọi là ống Eustachian, nối tai giữa với hầu và mũi. Khi trẻ cảm lạnh, viêm họng hoặc dị ứng, ống Eustachian có thể bị tắc, khiến chất lỏng đọng lại trong tai giữa.

Nếu chất dịch này chứa virus hoặc vi khuẩn, màng nhĩ trẻ có thể sưng, gây cảm giác đau. Loại nhiễm trùng tai này được gọi là viêm tai giữa cấp tính.

Thông thường, khi các triệu chứng biến mất, chất lỏng vẫn còn trong tai và có thể dẫn đến tình trạng viêm tai giữa tràn dịch.

Tình trạng này khó chẩn đoán hơn so với viêm tai giữa cấp tính vì ngoại trừ tình trạng ứ đọng dịch và giảm thính lực nhẹ, nó không gây ra triệu chứng đáng kể nào khác.

Chất lỏng trong tai thường được tái hấp thu trong vòng 3 tháng. Trong nhiều trường hợp, nó biến mất một cách tự nhiên. Thính giác của trẻ trở lại bình thường.

viem tai giua anh 1

Trẻ bú bình thường dễ mắc viêm tai giữa hơn trẻ bú mẹ. Ảnh: Mamaxpert.

Theo Emergency-live, nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nhiều nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa hơn. Điều này là do kích thước và hình dạng của ống Eustachian của trẻ dễ dẫn đến ứ đọng chất lỏng. Thực tế, trẻ bị nhiễm trùng tai lần đầu khi càng nhỏ tuổi, nguy cơ mắc viêm tai giữa nhiều lần càng cao.

Dù chưa rõ nguyên nhân, bé trai thường mắc viêm tai giữa nhiều hơn bé gái. Ngoài ra, viêm tai có thể xảy ra thường xuyên hơn ở những trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em từng bị hoặc bị viêm tai giữa nhiều lần.

Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm tai giữa là cảm lạnh. Trẻ đã đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo dễ bị cảm lạnh hơn do tiếp xúc nhiều hơn với vi khuẩn, virus.

Ngoài ra, dị ứng gây nghẹt mũi có thể dẫn đến viêm tai giữa. Một nguyên nhân khác là khói thuốc. Trẻ hít phải khói thuốc lá một cách thụ động có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả viêm tai giữa.

Trẻ bú sữa từ bình cũng bị viêm tai giữa nhiều hơn trẻ bú mẹ. Vì thế, trong trường hợp cho con bú bình, cha mẹ nên cho con bú ở tư thế bán thẳng đứng nhằm hạn chế tình trạng tắc ống Eustachian.

Triệu chứng khi trẻ bị viêm tai giữa

Đau là triệu chứng phổ biến nhất. Người lớn có thể nhận biết khi trẻ biểu hiện khó chịu, quấy khóc.

Triệu chứng trẻ mắc viêm tai giữa có thể dễ nhận thấy hơn khi trẻ bú. Khi trẻ bú và nuốt, áp lực trong tai giữa thay đổi, trẻ cảm thấy đau hơn, dẫn đến thường ăn ít hơn.

Ngoài ra, trẻ khó ngủ hơn do việc nằm khiến cơn đau gia tăng. Sốt là một trong các triệu chứng nhưng không phải lúc nào bị viêm tai giữa, trẻ cũng sốt.

Phụ huynh có thể quan sát chất dịch rò rỉ từ tai trẻ. Chất dịch này màu vàng hoặc trắng, đôi khi lẫn máu, nó có thể có mùi hôi. Nó có thể dễ dàng phân biệt với ráy tai thông thường (màu vàng cam hoặc đỏ nâu).

Cơn đau thường giảm đi sau khi rỉ dịch song nó không có nghĩa là hết nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, trong và sau một đợt viêm tai giữa, trẻ có thể gặp vấn đề về thính giác trong nhiều tuần khiến chức năng nghe suy giảm. Điều này xảy ra do chất lỏng ứ đọng sau màng nhĩ cản đường truyền âm thanh. Đây thường là vấn đề thoáng qua và sẽ hết khi trẻ lành.

Cha mẹ có thể nhận thấy con bị giảm thính lực khi:

- Trẻ thường xuyên hỏi đi hỏi lại các câu như “cái gì”, “sao vậy”

- Không phản ứng với âm thanh

- Gặp nhiều khó khăn hơn khi nghe hiểu trong môi trường ồn ào

- Muốn mở TV, điện thoại với âm lượng cao hơn bình thường.

Khi nào cần đưa con tới bác sĩ?

Nếu trẻ bị sốt và đau tai, gia đình hãy hỏi ý kiến ​​bác sĩ nhi khoa. Các triệu chứng thường biến mất trong vài ngày sau khi bắt đầu điều trị.

viem tai giua anh 2

Trong trường hợp trẻ có triệu chứng bị viêm tai giữa kéo dài hơn hai ngày, cha mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ. Ảnh: American Hospital Dubai.

Trẻ em bị viêm tai giữa không cần nghỉ phải ở nhà nếu trẻ cảm thấy đủ khỏe và ở nơi khác (như nhà trẻ) có người biết cách dùng thuốc chính xác cho trẻ.

Nếu các triệu chứng kéo dài hơn hai ngày, cha mẹ nên cho con gặp bác sĩ nhi khoa để khám lại.

Trong trường hợp trẻ đủ lớn để nhai kẹo cao su (kẹo cao su không đường, thường chứa xylitol) mà không nuốt, cha mẹ có thể cho con thử cách này. Ngoài ra, họ nên giúp con duy trì tư thế thẳng càng nhiều càng tốt. Cho con thêm gối khi ngủ cũng có thể giúp giảm áp lực trong tai giữa và giảm đau.

Điều gì xảy ra nếu chất lỏng vẫn còn trong tai giữa?

Nếu chất lỏng vẫn tồn tại trong tai giữa hơn 3-4 tháng, nó có thể tạo điều kiện cho nhiễm trùng lặp đi lặp lại, cản trở thính giác. Trong trường hợp đó, cha mẹ nên cho con kiểm tra thính lực.

Trẻ mắc bệnh viêm tai giữa có thể bị mất thính giác. Nếu trẻ dưới 3 tuổi và tình trạng mất thính lực kéo dài hơn 6 tháng, nó có thể ảnh hưởng đến việc học nói của con.

Thực tế, trẻ em có thể trải qua các bài kiểm tra thính giác ở mọi lứa tuổi. Bác sĩ nhi khoa sẽ cho trẻ kiểm tra thính lực khi:

- Trẻ bị viêm tai giữa nhiều lần (từ 4 trở lên trong một năm)

- Trẻ đã bị mất thính giác trong hơn 6 tuần

- Dịch đã tồn tại trong tai giữa hơn 3 tháng.

Tiêm phòng cúm sớm hay muộn đều hiệu quả như nhau

Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên Journal of Infection, các nhà nghiên cứu đã đánh giá tác động của thời điểm tiêm vaccine cúm đối với khả năng miễn dịch.

Nguyên Lê

Bạn có thể quan tâm