Việc làm thêm mới mẻ
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện loại hình giúp việc nhà thu hút nhiều bạn trẻ, đặc biệt là giới sinh viên muốn tìm việc.
Chỉ cần gõ tìm trên Google hay tham gia vào câu lạc bộ như Hội người giúp việc tại Hà Nội, Hội người giúp việc theo giờ… trên Facebook, bạn có thể cập nhật thông tin về nghề này.
Ảnh minh họa. |
Đây là công việc tương đối ổn định và có thu nhập khá hơn so với một số nghề khác. Đa số các bạn trẻ chọn giúp việc nhà để trang trải thêm cho cuộc sống trong quá trình đi học hoặc lấp chỗ trống cho khoảng thời gian tìm kiếm việc làm ổn định cho mình.
Bùi Bích Đào - cựu sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông - chia sẻ: “Mình chọn nghề giúp việc theo giờ, bởi đây là công việc khá ổn định lại có thu nhập. Ra trường nửa năm, mình đi làm nhiều nơi nhưng chỗ nào cũng thử việc không lương hoặc rất thấp, không trang trải đủ cuộc sống nên mình chọn nghề này trước mắt là để có thu nhập đã”.
Công việc này không bao giờ “ế ẩm” hay thiếu hụt nhân lực, bởi không chỉ đội ngũ lao động tự do, sinh viên luôn nhanh chân để tìm cho mình một suất khi tham gia vào các hội giúp việc.
Phương Lê (Admin của một CLB sinh viên giúp việc theo giờ) cho biết: "Trung bình mỗi ngày có khoảng gần 10 gia đình tuyển người. Công việc của mình thường hoàn thành khá đơn giản, chỉ cần một mẩu tin nhỏ, sau 5 phút đã có hàng chục bạn vào đăng ký. Rất nhanh chóng, câu lạc bộ sẽ nhận và giao lại cho chủ nhà".
Chỉ với mức phí trung gian từ 70.000-300.000 đồng (tùy vào mức lương), sinh viên có thể có cơ hội nhận những công việc phù hợp với bản thân như trông trẻ, giặt giũ, nấu ăn, lau dọn nhà cửa...
Lợi hại với trải nghiệm miễn phí
Nhìn chung, giúp việc theo giờ khá lý tưởng và đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Nhưng đã tồn tại tình trạng, một số bạn sau khi đi làm phải bỏ việc và lên tiếng cảnh báo với bạn bè lúc lỡ gặp phải những tình huống trớ trêu mà "hiểm họa" đến từ chính chủ nhà.
Phạm Xuyến Chi (SV ĐH Kiến Trúc) nhận trông em bé cho một gia đình ở Kim Giang. Thời gian đầu, mọi việc đều suôn sẻ, chủ nhà không có vấn đề gì và em bé cũng rất ngoan. Nhưng khi bé ốm, chủ nhà khăng khăng cho rằng Chi chăm sóc không tốt nên đã đuổi việc Chi.
Dù là sinh viên đại học danh tiếng, trong gia đình chủ, người giúp việc vẫn chỉ đơn giản là người giúp việc. Một số bạn chùn bước không phải vì công việc vất vả hay mệt nhọc mà do sự đối xử của chủ nhà. Nhiều người quá khó tính và khắt khe.
Lê Hồng Hiên - sinh viên ĐH Nông Nghiệp Hà Nội - kể: “Công việc của Hiên là dọn dẹp và nấu nướng trong gia đình khá giàu có, hàng ngày làm 17h30-21h. Những lúc nấu ăn, nếu bỏ gia vị không vừa, mình sẽ bị mắng. Ba lần trở lên là chủ nhà đuổi việc và tìm người khác”.
Để được nhận việc này, sinh viên cần đăng ký bằng CMTND, thẻ sinh viên và số hộ khẩu. Không ai kiểm tra hay đảm bảo chất lượng lao động và điều này chỉ được kiểm chứng khi làm việc.
Bên cạnh nhiều bạn rất chăm chỉ, chịu khó, thật thà, cũng không ít người làm việc thiếu trách nhiệm, bỏ bê, lười nhác và thậm chí không trung thực.
Nhiều bạn cho rằng, đó là công việc tầm thường, mang tính tạm thời nên chỉ làm đối phó để có thêm thu nhập, không cố gắng hết sức đối với công việc giúp mình “kiếm cơm” hàng ngày. Đó là một trong những lý do khiến một số chủ nhà trở nên dè dặt, nghi ngại và khắt khe trong công việc đối với người giúp việc thời vụ.
Tuy nhiên, với tất cả những "thuộc tính" nghe chừng chẳng mấy hấp dẫn, không vì thế mà công việc này giảm độ thu hút. Trừ những lúc gặp phải tình huống ngoài mong đợi, khi làm việc, sinh viên vừa có thêm thu nhập, vừa có những trải nghiệm mới mẻ trong cuộc sống, học được sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và trân trọng những đồng tiền bố mẹ chắt chiu, hàng tháng đều đặn gửi cho con theo học nơi thành phố.