Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

'Góc khuất ngành học' hay chỉ là trò câu like, câu view?

Nội dung review “góc khuất ngành học" thu hút lượng tương tác lớn trên MXH. Tuy nhiên, nhiều thông tin trong số đó lại mang tính chủ quan, thiếu chính xác, nhằm mục đích câu like.

“Góc khuất ngành Kế toán - Kiểm toán”, “Cho em hỏi góc khuất ngành Công nghệ thông tin là gì ạ", “Góc khuất của từng/ngành nghề để cân nhắc khi chọn ngành", “Góc khuất ngành Sư phạm và những sự thật không phải ai cũng biết", “Kiếp nạn thứ 82 của ngành Marketing"...

Đó là hàng loạt chủ đề liên quan đến “góc khuất ngành học" đang thu hút lượng tương tác lớn trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, không ít học sinh coi đây là nguồn tham khảo để đưa ra quyết định lựa chọn ngành học theo đuổi trong tương lai.

Nói “góc khuất" là sai bản chất

Trao đổi với Tri thức - Znews, TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Đại học Gia Định) - nhận định không có “góc khuất ngành học" bởi “góc khuất" là khái niệm chỉ mặt tối hay góc chết. Trong khi đó, giáo dục là lĩnh vực khoa học, nói có “góc khuất" là sai.

“Nói chính xác phải là mặt trái, nhược điểm của ngành học. Việc nhận định những nhược điểm, khó khăn là góc khuất chỉ mang tính chất cá nhân của những người lựa chọn sai ngành/nghề”, TS Toàn nhận định.

Theo TS Toàn, ngành học nào cũng có hai mặt ưu điểm và nhược điểm. Nhược điểm có thể là những thách thức, khó khăn mà sinh viên có thể phải đối mặt khi theo đuổi một lĩnh vực. Nếu người học được đào tạo bài bản, đủ đam mê, đủ yêu nghề, họ sẽ đối mặt với thách thức và vượt qua nó.

Trong khi đó, những cá nhân không tìm hiểu kỹ ngành/nghề, không lựa chọn đúng ngành học, không đủ đam mê, không đủ yêu thích, họ có thể dễ dàng bỏ cuộc hoặc luôn nghĩ đến các nhược điểm trong ngành họ theo đuổi. Dần dần, họ có sự bất mãn, coi đó là “góc khuất” và chia sẻ với người khác để xả cảm xúc tiêu cực.

Người review góc khuất thường không biết gì

Thảo luận thêm về việc học sinh lên mạng tìm đọc các bài review xấu về ngành học, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của Đại học Công thương TP.HCM, nói rằng ông rất lo lắng khi học sinh thường xuyên xem được những nội dung đó.

Các trang mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, có thuật toán để “đẩy” các nội dung tương tự lên trang chủ của người xem. Khi xem quá nhiều bài viết, video về những mặt tối của ngành học, thí sinh sẽ nghĩ rằng TikToker là người hiểu biết về nhiều trường, nên tư vấn của họ là điều chính xác.

ThS Sơn nhấn mạnh TikTok, Facebook hay các mạng xã hội có xu hướng là nơi dành cho trải nghiệm cá nhân chứ không phải quảng bá thương hiệu, đặc biệt là nhà trường.

Các clip được lên xu hướng phần lớn của cá nhân nổi tiếng hoặc của những người làm clip tuyên truyền việc tuyển sinh không chính xác.

Những người này thường nói về ngành nghề nhưng thực tế không biết về ngành nghề học như thế nào, học ra trường để làm gì, học có khó khăn hay không…

Một điều nữa mà ThS Phạm Thái Sơn nhắc đến chính là các nhà sáng tạo nội dung có xu hướng làm nội dung tiêu cực về ngành học là để câu like, câu view. Họ có thể biết mình nói sai hoặc đi ngược với số đông, nhưng chỉ cần một số người hưởng ứng thì họ cũng tự cho là mình đã thành công với nội dung đó.

goc khuat nganh hoc anh 1

Những chủ đề review "góc khuất ngành học" tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Ngọc Bích.

Đồng quan điểm, TS Mai Đức Toàn nhận định đa số người review ngành học trên mạng xã hội không phải là chuyên gia tư vấn được đào tạo hoặc đã có kinh nghiệm trong quá trình làm giáo dục. Họ cũng chưa chắc là sinh viên đang theo học hoặc những người trực tiếp làm về lĩnh vực đó.

Những gì họ review chỉ là quan điểm, góc nhìn cá nhân, có thể không chính xác, tiêu cực. Họ đưa lên mạng xã hội chỉ để câu like, câu view, câu tương tác.

Lấy ví dụ về ngành Kế toán - Kiểm toán được cho rằng góc khuất là dễ đi tù, TS Toàn nhận định đây là góc nhìn phiến diện. Sinh viên được đào tạo bài bản, nhưng nếu ra làm việc không đúng, không tuân thủ pháp luật thì đi tù là đương nhiên, không thể đổ lỗi đó là góc khuất ngành học.

Hay ví dụ về ngành Marketing được cho rằng góc khuất là ra trường chỉ chạy quảng cáo, đây không thể coi là góc khuất vì quảng cáo là một lĩnh vực lớn của ngành Marketing. Sinh viên ra trường làm lĩnh vực quảng cáo là điều bình thường, thậm chí có thể kiếm rất nhiều tiền.

Tương tự, ThS Sơn cũng nhấn mạnh những nội dung nói ngành này vô dụng, ngành kia đi tù là sai hoàn toàn.

Dù học ngành gì, sinh viên cũng phải bỏ công sức để có kiến thức và kinh nghiệm. Những người thành công thường học tập đàng hoàng hoặc phải bỏ công sức rất nhiều. Ngay cả những tỷ phú từng bỏ học cũng từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học.

“Nhiều ngành thu hút thí sinh, một số ngành ít thí sinh quan tâm và điều này là do nền kinh tế khó khăn, cùng với đó là sự phát triển của công nghệ. Dân mạng chỉ dựa vào các ngành nghề yếu ở vài trường đại học mà để review xấu chứ thực tế không phải ai học ngành đó cũng như vậy”, ThS Sơn nhấn mạnh.

Review ngành học trên mạng không nên là nguồn tham khảo chính

Theo TS Toàn, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển và có sự chi phối nhất định đối với giới trẻ, học sinh có thể coi đây là một nguồn để tìm kiếm thông tin nghề nghiệp. Hiện tại, nó có thể chưa ảnh hưởng quá lớn đến sự lựa chọn ngành nghề của phần lớn học sinh, tuy nhiên, nó vẫn có những tác động tiêu cực nhất định nếu có những thông tin như review góc khuất ngành học nêu trên.

“Nhóm học sinh còn đang phân vân nếu đọc được những thông tin trên có thể hoang mang, dẫn đến hiểu sai ngành nghề hoặc lựa chọn sai. Do đó, tôi khuyên các em khi đọc được những thông tin như vậy chỉ nên tham khảo thêm, chứ không nên coi đó là kênh chính thống để đưa ra lựa chọn nghề nghiệp của mình", TS Toàn chia sẻ.

goc khuat nganh hoc anh 2

TS Toàn khuyên thí sinh cũng cần ổn định tâm lý, tránh hoang mang, xao nhãng bởi các thông tin không chính thống. Ảnh: NVCC.

Theo TS Toàn, review về mặt trái của ngành học là cần thiết, song những thông tin này cần đến từ nguồn chính thống, từ các chuyên gia, thầy cô đang làm lĩnh vực giáo dục. Thí sinh cũng cần tìm hiểu về mặt trái để có lựa chọn đúng đắn hoặc chuẩn bị trước khi theo học.

TS Toàn khuyên thí sinh nên lựa chọn ngành nghề theo quy trình xác định rõ nghề mình muốn theo đuổi, lĩnh vực mình yêu thích. Sau đó, các em mới chọn ngành học, rồi cuối cùng mới tới chọn trường.

“Việc lựa chọn đúng lĩnh vực mình yêu thích rất quan trọng. Điều này giúp các em theo đuổi hết mình với ngành học, gắn bó với nó sau khi ra trường, tránh việc bỏ dở giữa chừng dẫn đến các suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc, cho rằng đó là góc khuất", TS Toàn chia sẻ.

Ở giai đoạn cuối này, TS Toàn cũng khuyên thí sinh cũng cần ổn định tâm lý, tránh hoang mang, xao nhãng bởi các thông tin không chính thống. Hiện tại, các trường cũng đã đưa ra các kênh chính thức, thí sinh có thể tham khảo để đưa ra lựa chọn.

TS Toàn cũng đề xuất các chuyên gia giáo dục hướng nghiệp, các trường nên phối hợp nhiều hơn với các cơ quan báo chí, truyền thông để đưa thông tin tới học sinh một cách chính xác.

Tương tự, ThS Phạm Thái Sơn cũng lo rằng việc học sinh xem quá nhiều nội dung tiêu cực về ngành sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn ngành nghề, đặc biệt là với những em còn mông lung, chưa xác định được bản thân thích gì, muốn học ngành gì.

Lý do là các nhà sáng tạo nội dung có thể nói đúng trong một vài trường hợp chứ không phải đúng cho tất cả, nhưng suy nghĩ của người trẻ hiện nay là "chắc TikToker đã nói là đúng", nên gây ra sự hiểu lầm khi lựa chọn ngành nghề.

Do đó, ông cũng khuyên các học sinh nên tìm hiểu thêm thông tin từ các diễn giả nổi tiếng hay từ các thầy cô dạy trong nhà trường, hay từ các trường đại học để biết và hiểu rõ ngành nghề.

Hiện nay, các trường đại học bây giờ đã khác xưa rất nhiều. Mỗi trường đều có bộ phận tư vấn tuyển sinh luôn túc trực để hỗ trợ học sinh giải đáp mọi thắc mắc về ngành học cùng các vấn đề liên quan.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Review 'góc khuất ngành học' có gì hay mà học sinh cứ sơ hở là đọc?

Học sinh có xu hướng hỏi về góc khuất và đọc review xấu về ngành. Chuyên viên tâm lý cho rằng đây là một hiện tượng dễ hiểu nhưng học sinh cũng cần tỉnh táo và đọc có chọn lọc.

Ngọc Bích - Thái An

Bạn có thể quan tâm