Các nội dung về ngành học thường thu hút lượng lớn tương tác. |
Khi mạng xã hội phát triển, các nội dung review dễ lên xu hướng, thu hút lượng tương tác lớn trên mạng xã hội. Từ đây, ngành học cũng trở thành “sản phẩm” được review, đánh giá bởi mọi cá nhân.
Nhưng trái với mong đợi của người xem, các bài review ngành học trên mạng đôi khi bị “lái” theo hướng phiến diện, tiêu cực và chỉ xoáy vào góc khuất của ngành, thay vì có những nhận xét bao quát và đa chiều.
Xem nhưng không rõ tính đúng sai
Coi mạng xã hội là nguồn tin phong phú nhất để tìm hiểu về ngành học, Ngọc Anh (học sinh lớp 11) thường xuyên lên các hội nhóm Facebook hoặc tài khoản TikTok có tiếng để tìm hiểu về ngành mình đang quan tâm - ngành Quản trị nhân lực.
Xác định mạng xã hội là nơi hội tụ đủ kiểu người, một vấn đề sẽ có chín người mười ý, nhưng Ngọc Anh lại không ngờ các ý kiến liên quan ngành học lại “rối” như vậy. Nữ sinh mô tả các bài viết và bình luận review ngành trên mạng không khác gì cái chợ.
Các bài viết về góc khuất ngành học thường nhận được lượng tương tác lớn. |
Khi xem một bài viết review về ngành Quản trị nhân lực trên một hội nhóm Facebook với 1,9 triệu thành viên, điều mà Ngọc Anh nhận được là hàng loạt bình luận tiêu cực về nguy cơ thất nghiệp, lương thấp khi học ngành này. Thậm chí, nữ sinh đọc được một bình luận nói rằng làm HR như làm dâu trăm họ và rất dễ bị ghét.
Tuy nhiên, bên cạnh những bình luận tiêu cực, nhiều người vẫn có những chia sẻ tích cực và rõ nét hơn về ngành. Ví dụ, một người nói rằng ngành quản trị nhân lực rất vui, lý do là HR không phải chỉ đơn giản là tuyển dụng, mà vẫn còn rất nhiều mảng tiềm năng, "càng tìm hiểu càng mê".
“Em xem review về ngành nhiều lắm, xem từ Facebook qua đến TikTok, thậm chí nghe cả podcast nước ngoài. Thời gian đầu, em cũng hơi dao động một chút vì thấy mọi người chê quá, nhưng bình luận khen vẫn có rất nhiều nên em vẫn muốn thử sức với ngành để xem thực hư thế nào”, Ngọc Anh chia sẻ.
Bùi Huyền (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) cũng đang trong giai đoạn tìm hiểu để chọn ngành học. Như nhiều bạn khác, mạng xã hội cũng là một trong những địa chỉ để Huyền biết được nhiều khía cạnh của 2 ngành Sư phạm tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh định theo học.
Trong những lần tìm kiếm từ khóa “ngành Ngôn ngữ Anh”, “ngành Sư phạm” trên mạng xã hội, Huyền vô tình được đề xuất nội dung “góc khuất ngành học". Tâm lý tò mò, Huyền cũng click vào các nội dung này để xem ngành học mình theo đuổi có góc khuất gì không.
“Em khá bất ngờ, không nghĩ rằng những ngành mình dự định đăng ký lại nhiều thông tin trái ngược như vậy. Vì là topic ‘góc khuất’, nên không ít trong số đó là những thông tin tiêu cực”, Huyền chia sẻ.
Nữ sinh ví dụ khi nói đến ngành Ngôn ngữ Anh, không ít người để lại bình luận phản hồi góc khuất ngành này là ra trường dễ thất nghiệp, không làm đúng ngành, học rất dễ nản, tiếng Anh chỉ là công cụ… Tương tự, nhiều người cũng nói rằng tỷ lệ thất nghiệp của ngành Sư phạm là rất cao, học dốt mới học Sư phạm, thi 3 môn 9 điểm…
Tuy nhiên, bên cạnh những “đánh giá xấu” này, nhiều người cũng phản bác lại, cho rằng “học xong thất nghiệp là do học dốt, năng lực kém", “học gì cũng có giá trị, chỉ cần bạn đủ giỏi, đủ xuất sắc để cạnh tranh"...
Chính người mười ý, mỗi người để lại bình luận một kiểu khiến Huyền ngờ vực, không rõ thông tin nào mới chính xác. Cứ ngỡ nghe tư vấn xong sẽ sáng suốt chọn nghề, ai ngờ lại hoang mang, lung lay hơn với ý định ban đầu.
Hại nhiều hơn lợi
Theo Bùi Huyền, những nội dung “góc khuất ngành học" trên mạng xã hội vẫn có một số mặt tích cực nhất định như giúp học sinh có cái nhìn rõ hơn về nghề định theo đuổi thông qua trải nghiệm của người đi trước. Song, những tư vấn này chỉ có lợi khi người làm nội dung, người để lại bình luận chia sẻ đúng thay vì đưa ra các thông tin lệch lạc, gây bối rối, hoang mang.
Huyền cho hay những học sinh ở ngoại thành như em bị hạn chế trong việc được tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trực tiếp. Trong khi đó, những nội dung trên mạng xã hội lại dễ bị thu hút, đây cũng là một địa chỉ để học sinh tìm hiểu, cập nhật thông tin. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có thể chọn lọc, nhận định những thông tin tốt.
“Đôi khi, những thông tin tư vấn lệch lạc về ngành nghề lại khiến các bạn mất phương hướng”, Huyền chia sẻ.
Một trong những video mà Bùi Huyền xem được trên mạng xã hội. |
Từng ngờ vực trước các bài viết “góc khuất ngành học", nữ sinh rút kinh nghiệm, khi đọc được những nội dung tương tự, phần nào còn thắc mắc hay nghi ngờ, em tìm hiểu thêm ở các bài viết khác, đặc biệt lưu ý các bài đăng trên trang chính thống của các trường đại học hoặc những người làm tư vấn uy tín.
Bên cạnh đó, Huyền khuyên khi đã thích một ngành học nào rồi, các bạn nên kiên định theo đuổi đến cùng, thay vì lung lay trước các thông tin thiếu chính xác.
Nữ sinh cũng bày tỏ bức xúc, cho rằng những người làm nội dung trên mạng xã hội hay để lại bình luận, khi có bất kỳ phát ngôn nào, họ nên đưa kèm dẫn chứng để tránh đưa thông tin sai lệch.
Cũng bàn về việc review ngành học, T.H., sinh viên năm 3 tại một trường ở TP.HCM, nói rằng cô không lạ với những nội dung chê ngành trên mạng, chính cô cũng suýt là nạn nhân của những nội dung review phiến diện đó.
Cụ thể, vào năm lớp 12, khi lên mạng tham khảo về ngành Truyền thông, cô thường nhận được những lời review về ngành như học vất vả, chạy deadline quá nhiều, hướng nội học không nổi…
Tuy nhiên, đến khi tham gia ngành học này, nữ sinh nhận ra những lời nhận xét của dân mạng không hoàn toàn đúng, hoặc chỉ đúng với một số trường hợp.
Ví dụ, với review “hướng nội học không nổi”, H. thấy không đúng vì chính cô cũng là một người rất hướng nội, hiện nữ sinh vẫn rất đam mê với ngành và không hề cảm thấy mất năng lượng trong suốt quá trình học.
Nhìn chung, H. nói rằng những bình luận chê ngành thường xuất phát từ những người chọn sai ngành ngay từ ban đầu, hoặc những người không học được, cảm thấy không hài lòng với ngành đang theo đuổi. Khi bị “đuối” trong cuộc đua học tập, họ có xu hướng nhìn ngành học với cái nhìn tiêu cực và ghét bỏ.
“Các bạn học sinh đọc review trên mạng cũng được, nhưng chỉ nên tham khảo thôi. Nếu muốn có cái nhìn rõ nét nhất về ngành, các bạn nên tham khảo ý kiến từ thầy cô dạy ngành đó, hoặc nghe/xem các video chuyên nghiệp nói về ngành, như thế tâm lý sẽ đỡ bị ảnh hưởng hơn”, T.H. tư vấn.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.