![]() |
TikToker Phan Bảo Long bị chỉ trích sau khi liên tục lên clip bênh vực kẹo Kera. Ảnh: Facebook. |
Ngày 6/4, TikToker Phan Bảo Long đã đăng tải video xin lỗi vì "thiếu kiểm chứng độc lập" khi đưa thông tin về sản phẩm kẹo rau củ Kera. Sản phẩm này hiện là tâm điểm của vụ việc sản xuất hàng giả, liên quan đến việc bắt tạm giam nhiều KOL nổi tiếng như Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục.
Phan Bảo Long, TikToker tự nhận có chuyên môn về dinh dưỡng và từng giảng dạy tại khoa Y Dược, Đại học Tây Nguyên, trước đó đã công khai bảo vệ kẹo Kera qua nhiều video phân tích thành phần và thậm chí đến tận nhà máy ở Đắk Lắk để xác minh. Tuy nhiên, đáng chú ý là TikToker đã không đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào cho người dùng về thành phần sorbitol trong sản phẩm, dù thừa nhận "biết rõ" về chất này.
Khi bị dư luận chất vấn, Phan Bảo Long giải thích rằng anh chỉ "tin vào những gì thấy được" từ phía nhà máy sản xuất. Lời xin lỗi này đã không thể xoa dịu làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng mạng. Nhiều tài khoản TikTok tuyên bố sẽ tố giác hành vi lan truyền thông tin sai lệch của Phan Bảo Long đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Quá mơ hồ
Trường hợp của Phan Bảo Long không phải là ngoại lệ. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào những trải nghiệm cá nhân, nhiều influencer trong lĩnh vực thể hình đã lợi dụng hình thể cơ bắp của mình như một công cụ để thao túng niềm tin, nhằm mục đích bán các khóa học, chương trình tập luyện hoặc thực phẩm chức năng.
Brian Johnson hay Liver King, influencer thể hình người Mỹ theo đuổi phong cách sống "ăn theo tổ tiên", đã gây chấn động khi bị phanh phui việc sử dụng steroid với chi phí lên đến 11.000 USD mỗi tháng. Điều đáng nói là trước đó, anh luôn khẳng định cơ bắp của mình là "tự nhiên 100%". Johnson đã sử dụng chính hình ảnh của mình để quảng bá bộ thực phẩm chức năng Ancestral Supplements, gắn liền với một lối sống lành mạnh và khả năng nâng cao testosterone.
![]() |
Brian Johnson hay Liver King tự nhận bán phong cách sống như thời tiền sử, thường đăng clip ăn đồ sống. Ảnh: People. |
Tương tự, nhiều influencer khác như Rich Piana và Chris Heria cũng từng vướng vào những chỉ trích liên quan đến việc phóng đại hiệu quả của sản phẩm hoặc tạo ra sự mơ hồ giữa kết quả tập luyện và tác dụng của thực phẩm chức năng.
Tất cả những trường hợp này đều cho thấy sự đánh đổi uy tín cá nhân để tiếp thị các sản phẩm như khóa huấn luyện và viên uống bổ sung, mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho influencer. Sự tin tưởng của khán giả thường được xây dựng dựa trên chuyên môn, hình ảnh thể hình chuẩn mực và giọng điệu chắc chắn của influencer khi nói về một sản phẩm.
"Tuy nhiên, 'những gì hiệu quả với tôi có thể sẽ khác với bạn'", Christine Whelan, giáo sư lâm sàng ngành khoa học tiêu dùng tại Đại học Wisconsin - Madison (Mỹ), nói. "Làm sao để biết được liệu chính influencer đang lừa dối, hay là do các loại thực phẩm chức năng, thanh thay thế bữa ăn đó thực sự không hiệu quả? Đây là một ngành quá mơ hồ, rất khó nắm bắt".
Quảng cáo trá hình
Những vụ việc trên còn phơi bày tình trạng nhập nhằng giữa nội dung chia sẻ mang tính thông tin và nội dung thương mại, dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng đối với niềm tin của người tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng.
Trong vụ kẹo rau củ Kera, mặc dù liên tục đăng tải các video phân tích thành phần, trực tiếp đến nhà máy sản xuất ở Đắk Lắk và công khai bảo vệ sản phẩm, Phan Bảo Long vẫn khẳng định mình "không quảng cáo hay bán kẹo Kera", mà chỉ thực hiện video với vai trò "đại diện người tiêu dùng". Hơn nữa, cách truyền tải nội dung bằng ngôn ngữ chuyên môn, hình ảnh kiểm tra tại hiện trường và vị thế của một chuyên gia đã khiến nhiều khán giả mặc định những video này là đánh giá khách quan.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu việc các clip bênh vực kẹo Kera xuất hiện đúng thời điểm khủng hoảng có đơn thuần là chiêu trò "bú fame" hay ẩn chứa lợi ích kinh tế phía sau.
![]() |
Một số kênh hình thể thường bán các khóa tập luyện, thực phẩm chức năng. Ảnh: Instagram. |
Thực tế, tình trạng quảng cáo trá hình đang ngày càng phổ biến trong cộng đồng influencer thể hình. Nhiều "fitfluencer" tại Mỹ từng khuyến khích người theo dõi sử dụng các loại thực phẩm chức năng như protein powder, fat burner, testosterone booster mà không hề tiết lộ rằng họ đang nhận được tiền hoặc tài trợ cho những bài đăng đó. Sự thiếu minh bạch này khiến công chúng dễ dàng nhầm lẫn giữa trải nghiệm cá nhân và thông điệp quảng bá thương mại, dẫn đến những quyết định tiêu dùng thiếu căn cứ.
Một bài viết trên The Conversation của Catalina Goanta, phó giáo sư luật, kinh tế và quản trị tại Đại học Utrecht (Hà Lan), nói rằng người tiêu dùng ngày nay khó có thể phân biệt được đâu là nội dung quảng cáo, đâu là lời khuyên chân thành, đặc biệt khi các sản phẩm được giới thiệu thông qua video cá nhân hoặc story.
Chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc yêu cầu influencer phải công khai rõ ràng các mối liên hệ thương mại - ngay cả khi chỉ nhận sản phẩm miễn phí - nhằm đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ người dùng khỏi những quyết định mua sắm dựa trên thông tin sai lệch. Các nền tảng cũng cần cung cấp các công cụ và hướng dẫn rõ ràng cho người dùng để nhận biết nội dung quảng cáo.
Nhiều quốc gia hiện đã có quy định nghiêm ngặt để ngăn chặn vấn nạn quảng cáo trá hình trên không gian mạng.
Điển hình, Australia đã ban hành quy định yêu cầu các influencer trên các nền tảng như TikTok và Instagram phải gắn thẻ "paid partnership" hoặc "ad" (quảng cáo), kể cả đối với nội dung mang tính chia sẻ.
Từ tháng 9/2020, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC) cũng đã ban hành hướng dẫn bắt buộc về tính minh bạch trong quảng cáo đối với influencer, người nổi tiếng và cả các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trên nền tảng số.
Tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) yêu cầu bất kỳ cá nhân nào nhận được lợi ích thương mại (tiền mặt, quà tặng, ưu đãi...) để nói về một sản phẩm đều phải công khai rõ ràng mối quan hệ đó, ví dụ như sử dụng cụm từ "Video này được tài trợ bởi..." hoặc các hashtag #ad, #sponsored. Nếu không tuân thủ, họ có thể phải đối mặt với các hình phạt nặng.
Cẩm nang 'sống sót' nơi công sở
Trong MENTOR - Từ sinh viên chất đến nhân sự chiến, tác giả Lê Công Minh chia sẻ trải nghiệm vượt qua và học hỏi từ thất bại: Từ nam sinh thi trượt đại học đến giám đốc truyền thông kỹ thuật số, nhân viên Big 4 kiểm toán, sáng lập trung tâm tiếng Anh… Đây là nơi những bạn trẻ "lênh đênh" chốn công sở dễ tìm thấy mình và học hỏi để vươn lên trên con đường sự nghiệp.