![]() |
Quang Linh đối mặt với lùm xùm quảng cáo lố, sai sự thật về sản phẩm kẹo rau Kera. Ảnh: Quang Linh Vlogs/Facebook. |
Khảo sát của Nielsen IQ cho thấy người tiêu dùng Việt Nam dành trung bình 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng trong quý I/2024. Trong đó, khoảng 95% người được hỏi từng mua sắm ít nhất một lần qua hình thức này.
Nghiên cứu khác của Metrics cũng ghi nhận 62% người được hỏi xem livestream với mục đích mua hàng, trong khi 50% cho biết quyết định tiêu dùng của họ chịu ảnh hưởng từ các KOL (người có sức ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng chủ chốt).
Những con số này cho thấy livestream vẫn là kênh phân phối hiệu quả nhưng cũng mang đến áp lực ngày càng lớn đối với người làm nội dung. Sau loạt lùm xùm của các KOC, KOL như Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục hay Phạm Thoại, các chuyên gia cho rằng thị trường livestream sắp tới sẽ điều chỉnh theo hướng chuyên nghiệp và có kiểm soát hơn.
Không còn là cuộc chơi của lượt xem
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, các chuyên gia cho rằng thị trường livestream và KOC, KOL Việt Nam sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới, từ cách livestream bán hàng cho đến hành vi của người tiêu dùng.
Theo ông Phan Lê Khôi, Giám đốc Marketing CTCP Bitexco, niềm tin của người tiêu dùng khi theo dõi các phiên livestream bán hàng được hình thành dựa trên 2 yếu tố: chất lượng sản phẩm và uy tín người giới thiệu. Trong đó, vai trò của KOC, KOL có thể chiếm tới 80% quyết định mua hàng.
“Tuy nhiên, sau các vụ lùm xùm vừa qua, chắc chắn niềm tin sẽ bị suy giảm. Mức độ ra sao chưa rõ, nhưng chắc chắn sẽ tác động đến toàn bộ hệ sinh thái bán hàng qua mạng”, ông chia sẻ.
|
Ông Nguyễn Đình Thành cho rằng xu hướng livestream bán hàng sẽ không biến mất nhưng chắc chắn phải thay đổi. Ảnh: NVCC. |
Ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School, cũng cho rằng xu hướng livestream bán hàng sẽ không biến mất nhưng chắc chắn phải thay đổi. Theo ông, tính răn đe từ các vụ xử lý gần đây là rõ ràng và sẽ góp phần thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững hơn trong vài năm tới.
“Trong thời gian tiếp theo, các buổi livestream sẽ được điều chỉnh theo hướng chỉn chu, trung thực và hợp pháp hơn bởi các hình phạt đang được thực thi chặt và nghiêm khắc”, ông Thành nhận định.
Ông chỉ ra “điểm sáng” sau loạt lùm xùm của người nổi tiếng lần này là người tiêu dùng ngày càng cảnh giác, thận trọng và thông thái. Việc khách hàng khó tính trong lựa chọn sản phẩm sẽ làm các doanh nghiệp, người nổi tiếng có ý thức hơn trong việc kiểm chứng thông tin, nâng cao chất lượng hàng hóa.
Mặt khác, lượt xem - chỉ số từng là yếu tố sống còn trong các buổi livestream - đang mất dần vị trí độc tôn. Ông Khôi cho biết chỉ số này vẫn có vai trò nhất định nhưng tương tác chất lượng (thời gian xem, tần suất tương tác, thời điểm người dùng tham gia…) mới là điều doanh nghiệp thực sự quan tâm.
“Người xem nói chung khó tự đánh giá những yếu tố kể trên. Tuy nhiên, các chỉ số này chắc chắn sẽ dần thay thế lượt xem đơn thuần trong thời gian tới”, ông nói.
![]() |
Phạm Thoại đưa ra "Báo cáo kiểm tra của công ty kiểm toán độc lập về quỹ từ thiện hỗ trợ bé Bắp" vào tối 3/4. Ảnh: Phạm Thoại/Facebook. |
“Hệ sinh thái niềm tin”
Sự thận trọng ngày càng cao từ người tiêu dùng buộc những người làm nghề phải thích nghi. Theo ông Nguyễn Đình Thành, trong bối cảnh rối loạn thông tin như hiện nay, những người làm thật, trung thực sẽ có cơ hội chinh phục khách hàng bằng sự tử tế của mình.
Ông khuyên KOC, KOL trẻ nên bắt đầu từ việc xây dựng uy tín một cách nhất quán và chân thành. “Thông tin do KOC, KOL đưa ra được tin tưởng là do người ta tin rằng người giới thiệu đã dùng. Chính vì vậy, hãy chỉ thực sự giới thiệu những sản phẩm mình đã thực sự dùng thử, dịch vụ mình đã trải nghiệm”, ông nhấn mạnh.
Ở góc độ nội dung, ông Phan Lê Khôi cho rằng không thể tiếp tục cách làm cũ với kịch bản đơn giản, nói thẳng vào sản phẩm. Các phiên livestream cần được đầu tư kỹ hơn về kịch bản và sự kết nối giữa KOC, KOL - người xem.
![]() |
Ông Phan Lê Khôi nhắc đến khái niệm "hệ sinh thái niềm tin", nơi 3 yếu tố nhà sản xuất, nền tảng và KOC, KOL phối hợp chặt chẽ. Ảnh: NVCC. |
“Ví dụ, khi livestream sản phẩm dành cho trẻ em, nên kể các câu chuyện đời thường hoặc chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con để tạo cảm xúc trước khi giới thiệu sản phẩm”, ông Khôi gợi ý.
Giám đốc Marketing cảnh báo các KOC, KOL không nên “tham lam”, nhận livestream bán hàng cho mọi sản phẩm, miễn là có hợp đồng. Theo ông, họ nên chọn lọc và chuyên sâu vào một vài lĩnh vực phù hợp với hình ảnh, cá tính và giá trị cá nhân. Điều này không chỉ giúp bảo vệ uy tín mà còn xây dựng thương hiệu cá nhân lâu dài.
Về mặt kiểm soát, cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ thống quy chuẩn minh bạch, đặc biệt với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe và thực phẩm.
Ông Thành nhấn mạnh nếu người nổi tiếng xem việc giới thiệu sản phẩm như một nghề nghiệp, họ cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn của luật quảng cáo, bao gồm cả việc lưu trữ các giấy tờ chứng minh chất lượng và tính pháp lý của sản phẩm.
“Nền tảng livestream nên được xem như một đơn vị báo chí trong trường hợp phát quảng cáo. Họ cũng cần có cơ chế kiểm tra giấy tờ để không chịu liên đới trách nhiệm”, người đồng sáng lập Elite PR School nói thêm.
Ông Khôi nhắc đến khái niệm “hệ sinh thái niềm tin”, nơi 3 yếu tố nhà sản xuất, nền tảng và KOC, KOL phối hợp chặt chẽ. Trong đó, nhà sản xuất cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, truyền thông minh bạch; nền tảng cần tạo môi trường có trách nhiệm; người có sức ảnh hưởng phải cam kết nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
“Các KOL, KOC nên chắt lọc nội dung, sản phẩm, thời lượng và format của buổi livestream. Điều này sẽ giúp họ lọc khán giả, tăng tương tác và giảm các rủi ro cho chính mình cũng như sản phẩm và nền tảng”, ông nhấn mạnh.
Phong cách phỏng vấn lập dị của Steve Jobs
Jobs đặt ra những khuôn phép chặt chẽ trong quy trình tuyển dụng. Ông thường hỏi những câu kỳ cục sở trường để xem xét ứng cử viên phản ứng thế nào trong tình huống bất ngờ. Mục tiêu là thu nhận đúng người, những con người sáng tạo, thông minh tinh quái và một chút nổi loạn.