Sushi và Sashimi là hai món ăn rất nổi tiếng của Nhật Bản có sử dụng cá và hải sản sống, thường ăn chung với nước tương có trộn mù tạt. Điều quan trọng nhất, loại cá để sử dụng chế biến sushi và sashimi phải được đặc biệt coi trọng, bởi nguy cơ nhiễm khuẩn và nhiễm giun sán rất cao.
Trường hợp ăn cá sống nhiễm giun anisakis, người ăn sẽ thấy ngứa ở cổ họng. Nếu bị nuốt vào bụng, giun anisakis sẽ bám vào ruột hoặc chui sâu vào lớp cơ của thành ruột, gây nên những cơn đau bụng và nôn mửa dữ dội. Giun cũng có thể xuyên thủng qua ruột và lọt vào xoang bụng gây nên viêm màng bụng rất nguy hiểm.
Gỏi cá sống là đặc sản của vùng duyên hải Việt Nam. Món gỏi cá sống tuy rất ngon nhưng là mối đe dọa đối với sức khỏe. Cá sống có thể nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng mà đáng kể nhất là giun đầu gai Gnathostoma.
Giun có thể vào gan, vào mắt, di chuyển dưới da, hoặc đến định vị trong não hay trong tủy sống.
Đi đến đâu, giun gây tình trạng viêm sưng đến đó. Tùy nơi giun định vị mà triệu chứng sẽ khác nhau. Ở mắt, sẽ làm giảm thị lực hoặc mù lòa, và gây ho hen nếu ở hệ hô hấp.
Nguy hiểm nhất là nếu giun định vị trong hệ thần kinh trung ương và gây chứng viêm não tủy, làm rối loạn cảm giác, liệt tứ chi và có thể tử vong.
Cơ quan FDA Hoa Kỳ khuyên nên làm đông lạnh cá ở độ lạnh -20 độ C. Phương pháp này chỉ có thể thực hiện ở các nhà máy sản xuất cá. Các tủ lạnh và tủ đông lạnh gia đình không thể đạt được mức lạnh -20 độ C.
Các chuyên gia y tế cho biết, cách tốt nhất và hữu hiệu nhất là chỉ ăn cá đã được nấu nướng thật chín. Các biện pháp truyền thống như vắt chanh, chế giấm vào các lát cá đều không diệt được giun, kể cả uống rượu mạnh cũng không có tác dụng.