Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái - khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, hiện nay, tình trạng nhiễm giun sán trong cộng đồng đang dần được cải thiện nhưng vẫn còn cao.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của một số gia đình, dù đã tẩy giun 6 tháng/lần nhưng con họ vẫn nhiễm bệnh, không những thế các thành viên khác trong gia đình còn bị lây chéo. Điều đó chứng tỏ, nhiều cha mẹ chưa biết cách tẩy giun thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất.
Giun sán lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, với trung gian quan trọng là bàn tay nên mọi người trong gia đình đều có thể bị lây nhiễm chéo. |
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cho biết các loài giun sán lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, trung gian quan trọng là bàn tay. Khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh, những người khác cũng rất bị lây nhiễm. Vì vậy, bác sĩ Thái khẳng định cần tẩy giun cùng lúc cho cả nhà mới đem lại hiệu quả.
Trước kia, các bác sĩ thường khuyên uống thuốc giun vào thời điểm trước khi đi ngủ đêm, lúc hơi đói; hoặc sau khi ăn sáng bằng đồ có nước, trơn như bún, phở… sẽ đem lại hiệu quả cao nhất.
Hiện nay, phương pháp tẩy giun đã có nhiều cải tiến. Việc uống thuốc không còn bị hạn chế bởi thời gian, các bạn có thể sử dụng vào mọi thời điểm trong ngày, dù đói hay no. Cách uống cũng rất linh hoạt, có thể nhai, nuốt chửng hoặc nghiền trộn với thức ăn.
Hai loại thuốc tẩy giun phổ biến nhất hiện nay là Mebendazole và Albendazole. Các thuốc này đều dễ sử dụng và ít tác dụng phụ, tạo thuận lợi hơn cho công tác phòng chống bệnh.
Sau khi tẩy giun sán ra khỏi cơ thể, phải xử lý để tránh gây ô nhiễm môi trường vì chúng thường chứa đựng một lượng trứng rất lớn.
Đặc biệt, cần áp dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân, ăn uống, môi trường để phòng chống sự tái nhiễm. Do ở nước ta, môi trường ngoại cảnh bị ô nhiễm nặng tạo điều kiện để mầm bệnh giun sán phát triển trở lại.
Các gia đình nên có kế hoạch điều trị định kỳ tối thiểu từ 6 tháng đến 12 tháng một lần để phòng chống tái nhiễm và tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cũng cho biết thêm, gần đây, các bệnh viện tuyến trung ương không còn gặp phải tình trạng bệnh nhân bị giun chui ống mật gây đau bụng dữ dội, tắc ruột, thậm chí bò ra tận lỗ mũi ngoài. Điều đó thể hiện ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh đã từng bước được cải thiện.