Học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) gom và soạn bánh kẹo trước khi gửi tới E2K. |
Mọi năm, hết rằm tháng giêng cũng là lúc gia đình Ngọc Quỳnh (27 tuổi, Hà Nội) dọn dẹp, sắp xếp lại các loại bánh kẹo, thực phẩm mua dùng trong Tết Nguyên đán.
Ngoài những đồ mặn như giò chả, thịt gà có thể tận dụng chế biến thành món mới, đem theo ăn trưa tại văn phòng, bánh kẹo là nhóm khó “xử lý” nhất vì hạn sử dụng phần lớn không quá dài, gia đình cô cũng không hay ăn.
“Chủ yếu gia đình tôi mua để thắp hương, đãi khách chứ các thành viên không hảo ngọt. Ngoài bánh kẹo tự mua, nhà còn được họ hàng, bạn bè tặng thêm một số nên hàng năm đều dư ra khá nhiều sau Tết”, Quỳnh nói với Zing.
Có năm, nữ nhân viên văn phòng mang theo một chút lên cơ quan để ăn chung với đồng nghiệp hoặc tặng cho bạn bè, hàng xóm có con nhỏ. Năm nay, cô quyết định gửi tặng một nhóm thiện nguyện, nhận thu gom bánh kẹo sau Tết và chuyển tới tay các em nhỏ khó khăn ở vùng cao.
“Tôi vài lần nghe về hoạt động ý nghĩa này nhưng năm nay mới sắp xếp tham gia được, hy vọng có thể góp chút quà nhỏ cho các em”, Quỳnh chia sẻ.
Không riêng Quỳnh, nhiều cá nhân và tổ chức cũng quyên góp hoặc đứng ra thu gom bánh kẹo dư sau Tết để đem tặng trẻ em khó khăn. Điều này vừa mang ý nghĩa lan tỏa yêu thương, vừa giúp tránh lãng phí thực phẩm.
Gom kẹo tặng trẻ em vùng cao
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, E2K là một trong những nhóm từ thiện đầu tiên tiếp nhận bánh kẹo dư từ người ủng hộ để gửi tặng trẻ em nghèo ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. Đây cũng là năm thứ 5 nhóm thực hiện hoạt động này.
“Chúng tôi nhận thấy nhiều gia đình bị quá tải đồ ngọt sau Tết, nhiều bánh kẹo không dùng đến bị hỏng rất lãng phí. Trong khi đó, nhiều em nhỏ vùng cao hiếm khi được ăn kẹo bánh ngon mà các gia đình thành phố thường mua vào dịp Tết”, chị Hải Yến, đại diện E2K, cho biết.
Hiện, nhóm có 9 điểm nhận đồ quyên góp tại Hà Nội, đều là địa chỉ của các thành viên hoặc người bên ngoài muốn tham gia. Bánh kẹo dự kiến được tặng ở Điện Biên, Thái Nguyên và cân nhắc thêm một số điểm khác dựa theo lượng bánh kẹo gom được.
“Ngoài ra năm nay, E2K đưa ra thêm một địa chỉ ở Gia Lai do một tịnh thất tiếp nhận. Các sư cô ở tịnh thất sẽ sắp xếp và phát lại cho trẻ em trong vùng. Cuối năm ngoái, chúng tôi có dịp tới thăm nơi này và được biết ở đây có nhiều trẻ em còn thiếu thốn”, chị Yến cho biết thêm.
Bánh kẹo sau khi phân loại, kiểm tra sẽ được nhóm gửi tặng các em nhỏ khó khăn ở vùng cao. |
Bánh kẹo sau khi nhận sẽ được kiểm tra hạn sử dụng, phân loại, gom lại những chiếc lẻ trong gói đã bóc. Những hộp bánh cồng kềnh cũng được loại bỏ để tiện cho việc mang lên vùng cao sau này. Khi kêu gọi, nhóm cũng nhắn nhủ mọi người lưu ý về hạn sử dụng, từng chiếc bánh kẹo cần đảm bảo vẫn được gói kín nếu gói bên ngoài bị bóc.
“Trẻ em vùng cao rất thích ăn bánh kẹo (vì hiếm khi được ăn) nên khi được nhận các em rất háo hức và mừng rỡ. Có những chuyến đi, mọi người không đến trường học để phát quà như đã báo trước, mà phát ngay khi gặp các bé bên đường nên mọi người đều cảm nhận được sự thích thú, pha lẫn ngạc nhiên của các em. Có em còn biết để dành để mang về cho bố mẹ và các em. Chính nụ cười vui của người nhận là niềm động lực cho chúng tôi”, chị Yến bày tỏ.
E2K là nhóm từ thiện thành lập từ năm 2016 tại Hà Nội, là chữ viết tắt tiếng Anh “Everything from 2.000đ” – Mọi thứ từ 2.000 đồng”.
Ngoài gom bánh kẹo dư sau Tết, E2K còn nhận sách giáo khoa cũ, kêu gọi ủng hộ vở, đồ dùng học tập vào dịp hè tặng học sinh khó khăn vào đầu năm học mới. Quanh năm, nhóm nhận quần áo qua sử dụng và sách phổ biến kiến thức, hạt giống tâm hồn.
Song song đó, nhóm thực hiện các chương trình trồng cây, tặng sách cho trại giam, xây nhà bán trú, tặng quà cho công nhân môi trường vào dịp Tết, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó…
San sẻ ngọt ngào
Đây là năm thứ 4 anh Thạch Trọng Giang (Vũng Tàu) tổ chức gom kẹo chưa dùng để tặng các trẻ em khó khăn sau dịp Tết Nguyên đán. Anh nảy ra ý tưởng này khi để ý nhiều gia đình còn dư bánh kẹo sau ngày lễ, thậm chí có người còn vứt bỏ vì không ăn, rất lãng phí.
Bánh kẹo anh Giang nhận từ mọi người sẽ được chia thành các phần để đem tặng. |
“Tôi mong muốn chia sẻ những phần bánh kẹo, ‘chuyền tay’ không khí và niềm vui của những ngày Tết vừa qua đến với trẻ em vùng cao, trẻ em khó khăn và góp phần tránh lãng phí thực phẩm”, anh chia sẻ.
Những năm trước, anh đã tặng bánh kẹo cho các em nhỏ vùng cao ở Đắk Lắk, Gia Lai. Nhìn thấy niềm hạnh phúc của các bé khi nhận kẹo, anh được truyền thêm động lực để tiếp tục hoạt động này mỗi năm.
Năm nay, anh chọn trao quà cho các học sinh trong lớp học tình thương ở làng chài thuộc khu vực hồ Trị An, Đồng Nai. Bên cạnh bánh kẹo, anh cũng kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ tiền và thực phẩm để giúp đỡ bà con khó khăn ở đây.
Anh Giang cho biết tiếp tục gom kẹo đến ngày 15/2 và cùng bạn bè đi tặng các em nhỏ vào ngày 18/2.
Ngày cuối kỳ nghỉ lễ, Nguyễn Thanh (25 tuổi, làm việc tại TP.HCM) xin mẹ đóng gói phần lớn bánh kẹo dư sau Tết để mang theo lên thành phố. Những năm trước, các loại bánh kẹo không dùng trong Tết của gia đình thường “ế” vì không có ai ăn, đến gần nửa năm vẫn còn nguyên hộp.
Nguyễn Thanh mang theo nhiều bánh kẹo từ nhà để tặng trẻ em sau Tết. |
“Thấy trên mạng mọi người chia sẻ về hoạt động gom bánh kẹo cho các em nhỏ, người vô gia cư nên tôi quyết định mang đi để góp tặng. Hơn nửa vali tôi mang lên máy bay là bánh kẹo”, Thanh nói.
Vì ít ăn đồ ngọt, Thanh không để ý các loại bánh kẹo mẹ mua về để thờ cúng hay đãi khách. Bởi vậy, cô bất ngờ khi ngồi sắp xếp thấy có rất nhiều loại bánh kẹo mới lạ. Cô nàng cũng mở các hộp bánh ra để biết chất lượng bên trong, chú ý đến hạn sử dụng của chúng.
“Tôi đã liên hệ với một nhóm bạn hay làm thiện nguyện ở Sài Gòn và mang tặng. Hy vọng các em nhỏ sẽ thích thú khi nhận được. Mong rằng những thứ ngọt ngào có thể mang đến cho các em niềm hạnh phúc nho nhỏ”.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.