Ngày 26/7, tổ công tác của Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) phối hợp lực lượng chức năng phường Thanh Xuân Nam dừng xe máy do tài xế K.N.H. (sinh năm 1980, ở Mỹ Đức, Hà Nội) điều khiển. Nam tài xế lúc này mặc áo và đội mũ bảo hiểm của Grab.
Tài xế trình bày đang đi giao hàng theo tin nhắn của hãng trên điện thoại và không hề biết về quy định tạm dừng các hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe máy, bao gồm xe ôm công nghệ.
Sau đó, tổ công tác tiếp tục dừng một xe máy khác do N.V.T (sinh năm 2001, ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) điều khiển. Tài xế T. cũng mặc áo Grab và cho biết đang chở bạn đi giao hàng.
Với vi phạm trên, 2 tài xế bị phạt mức 2 triệu đồng/người.
Cảnh sát kiểm tra tài xế K.N.H. Ảnh: Q.H. |
Nói với Zing, Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết cơ quan này đã có văn bản yêu cầu các công ty chủ quản của các ứng dụng: Grab, Be, Gojek, My Go, FastGo dừng hoạt động đối với môtô hai bánh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa để tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đối tác của Grab và các công ty công nghệ tương tự cũng phải tạm dừng hoạt động. Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu dừng kết nối trên ứng dụng và đề nghị Sở TT&TT hỗ trợ kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm.
Ngoài ra, tại văn bản 3460 về việc tổ chức lại hoạt động vận tải trên địa bàn TP đảm bảo yêu cầu Chỉ thị 17, Sở GTVT Hà Nội cũng đã yêu cầu dừng hoạt động đối với hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng môtô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe ôm công nghệ chở người, hàng hóa).
Tuy nhiên, trên ứng dụng Grab chiều 26/7, hoạt động giao hàng vẫn xuất hiện. PV đã thử đặt dịch vụ giao hàng và vẫn có tài xế nhận đơn.
Đại diện Grab từ chối bình luận về việc người dùng và tài xế ở Hà Nội vẫn có thể đặt/nhận đơn hàng qua ứng dụng trong thời gian cách ly xã hội. Vị này cho biết công ty đang làm việc với các cơ quan chuyên môn theo văn bản 2366/UBND-ĐT về tổ chức thực hiện Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP.
Trên ứng dụng Grab vào chiều 26/7, hoạt động chở khách đã tạm dừng nhưng hoạt động giao hàng vẫn xuất hiện và vẫn có người nhận đơn. Ảnh: H.Q. |
Theo Sở GTVT Hà Nội, việc cấp phép giao hàng hóa thiết yếu trong thành phố theo văn bản 2366/UBND-ĐT được tiếp nhận qua 3 đầu mối, gồm: Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp bưu chính, Sở TT&TT Hà Nội. Trong đó, các doanh nghiệp công nghệ cần liên hệ qua Sở TT&TT để được xem xét.
Theo Sở TT&TT, đến 16h30 ngày 26/7, cơ quan này đã tổng hợp danh sách 3.892 người để gửi Sở GTVT cấp mã số xác nhận theo quy định. Những người này đều là nhân viên thuộc Bưu điện Hà Nội và Viettel Post chi nhánh Hà Nội.