Tôi là tài xế chở hàng từ Lạng Sơn về Ninh Bình. Tôi muốn hỏi thủ tục để đi qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở các cửa ngõ Hà Nội như thế nào? Tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì?
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Đối với trường hợp phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu chưa có giấy nhận diện phương tiện trên luồng xanh thì phải dừng xe để thực hiện thủ tục kiểm tra phòng chống dịch Covid-19 tại các chốt kiểm soát trên đường và được tiếp tục lưu thông nếu đáp ứng đầy đủ các quy định phòng chống dịch với lái xe, nhân viên đi cùng (có giấy xét nghiệm rRT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ).
Trường hợp có giấy nhận diện phương tiện trên luồng xanh thì thực hiện theo văn bản 5886/BYT-MT của Bộ Y tế. Không thực hiện kiểm tra phòng, chống dịch tại chốt kiểm soát dịch trên tất cả các tuyến giao thông đối với phương tiện vận tải hàng hóa có giấy nhận diện phương tiện theo thời hạn do sở giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.
Chỉ thực hiện kiểm tra (thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát trên tuyến) đối với các phương tiện có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống dịch và an toàn giao thông.
Khi đến các các địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, mỏ vật liệu…) cần thực hiện nghiêm việc kiểm tra giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 và các quy định phòng, chống dịch Covid-19 đối với tài xế, nhân viên nghiệp vụ đi cùng. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa khi ra, vào các địa điểm này, đảm bảo chặt chẽ, khoa học, thuận lợi và không gây ùn tắc giao thông.
Danh mục hàng hóa thiết yếu được hướng dẫn tại văn bản 4349/BCT-TTTN ngày 21/7/2021 của Bộ Công Thương.
Các xe vận tải hàng hóa không thiết yếu, xe không đủ điều kiện vào Hà Nội cần chủ động lựa chọn các tuyến tránh. Đồ họa: Như Ý. |
Nội dung văn bản 4349/BCT-TTTN ngày 21/7/2021 của Bộ Công Thương nêu rõ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng an ninh.
Ngoài ra, tại Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 3/4/2020 của Văn phòng Chính phủ nêu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu bao gồm: Lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu; các dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm; chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám - chữa bệnh, tang lễ...