Chiều 22/11, trao đổi về thông tin Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Bộ trưởng GD&ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của nhóm tác giả và các chuyên gia, dư luận về chương trình thực nghiệm, GS Hồ Ngọc Đại cho biết ông rất vui.
Thủ tướng chỉ đạo, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát việc thẩm định sách giáo khoa nói chung, đánh giá lại chương trình thực nghiệm và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.
PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào - người đại diện cho Trung tâm Công nghệ Giáo dục - gửi thư kiến nghị lên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng GD&ĐT về việc sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại. Ảnh: D.T. |
PGS.TS Nguyễn Kế Hào - người đại diện cán bộ của Trung tâm Công nghệ Giáo dục từng gửi kiến nghị đến Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - cho hay Thủ tướng chỉ đạo rà soát không chỉ riêng sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục, mà tất cả quy trình từ chương trình, thông tư, tiêu chí đánh giá, thẩm định đến hội đồng đánh giá.
PGS Hào khẳng định ông không đồng tình với cách thẩm định và kết quả của Hội đồng thẩm định quốc gia, bởi vì sách Tiếng việt 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã đưa vào dạy học hàng chục năm qua ở 48 tỉnh thành, gần một triệu học sinh học, nhưng bị đánh trượt.
“Nếu họ yêu cầu sửa lại sách, tác giả cũng không sửa. Bộ GD&ĐT nên sửa tiêu chí, tiêu chuẩn vì họ làm ra các chỉ báo là để gạt sách ra. Những yêu cầu sửa của Bộ GD&ĐT là tiểu tiết, quan trọng nội dung sách như thế nào. Muốn đánh giá theo tiêu chí, tiêu chuẩn nào cũng cần dựa vào thực tiễn. Cuốn sách sống lâu cùng thời gian mới là thước đo của chân lý”, PGS Nguyễn Kế Hào nói.
Ông Hào cũng cho hay những cuốn SGK vừa được chọn lựa mới là bước đầu tiên, chưa thử nghiệm thì chưa thể biết sách nào được chọn lựa, đánh giá cao. Trong khi đó, sách Công nghệ Giáo dục được gần một triệu học sinh lựa chọn trên 48 tỉnh thành.
PGS Nguyễn Kế Hào đặt câu hỏi, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại từng được Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho thành lập Hội đồng quốc gia xem xét, đánh giá, thẩm định lại cho dạy học trong các trường năm 2017. Vậy, tại sao lần thẩm định này lại phủ nhận?
Trong buổi họp báo ngày 22/11, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT - nói Bộ GD&ĐT chưa nhận được ý kiến chính thức từ GS Hồ Ngọc Đại theo đúng quy định và quyền lợi của tác giả tại Thông tư 33.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục làm việc trực tiếp với người liên quan. Nếu tác giả có nhu cầu trực tiếp đối thoại, Bộ GD&ĐT sẽ xin ý kiến tham mưu của bộ trưởng để tiến hành. Đồng thời, Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng về sách của GS Hồ Ngọc Đại.